Hành trình 25 năm của những "em bé ống nghiệm" - Ảnh 1.

Tuyết Trân, Quốc Bảo và bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan trong ngày gặp gỡ. Ảnh: B.D

Ngày 27/4, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đã kỷ niệm 25 năm ngày những em bé đầu tiên chào đời nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là cuộc hội ngộ đặc biệt giữa các thế hệ bác sĩ đặt nền móng cho chuyên ngành thụ tinh trong ống nghiệm và các "em bé ống nghiệm".

Đúng ngày 30/4/1998, ba em bé Mai Quốc Bảo, Phạm Tường Lan Thy và Lưu Tuyết Trân đã cất tiếng khóc chào đời trong sự hạnh phúc vỡ oà.

Trong suốt chiều dài lịch sử, vô sinh luôn là mất mát mà người phụ nữ thường phải gánh chịu. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính trên toàn cầu vào năm 2022, khoảng 1/6 người trưởng thành bị vô sinh ở một thời điểm trong đời. Khoảng 1 triệu cặp vợ chồng tại Việt Nam đang bị vô sinh. Tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng và trẻ hóa.

Cách đây 25 năm, ngày 30/4/1998, tại Bệnh viện Từ Dũ, 3 "em bé ống nghiệm" đầu tiên của Việt Nam đã ra đời, mang lại hy vọng cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn tại Việt Nam lúc bấy giờ. Để có ngày "lịch sử" ấy là sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện, trong đó không thể không nhắc đến GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành thụ tinh trong ống nghiệm trong nước.

img
img
img
img
img

Ba em bé đầu tiên chào đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm và Tuyết Trân, Quốc Bảo trưởng thành sau 25 năm. Ảnh: tư liệu, B.D

GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ không khỏi xúc động khi gặp lại Tuyết Trân, Quốc Bảo, những em bé mà bà đã "canh giữ" từ những ngày đầu tiên.

Kể lại những ngày đáng nhớ đó, vị giáo sư 80 tuổi tâm sự: "Người phụ nữ Việt Nam mình hay bị mang tiếng "cây độc không trái, gái độc không con". Chứng kiến những cặp vợ chồng hiếm muộn đau khổ, chịu sự dè bỉu cay nghiệt, tôi đã cố gắng bằng mọi cách thúc đẩy triển khai hỗ trợ sinh sản. Tôi đặt ra một ước mơ, một khát vọng là được làm một điều gì đó cho những bệnh nhân hiếm muộn của mình, cố gắng đi tới".

Mặc dù đã tiếp cận kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ở nước ngoài nhưng để đưa được kỹ thuật đó về Việt Nam là cả một quá trình. Phải đến ngày 19/8/1997, GS Đỗ Nguyên Phương, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ, mới đồng ý ký quyết định cho phép bà cùng các bác sĩ được thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Hành trình 25 năm của những "em bé ống nghiệm" - Ảnh 3.

Tuyết Trân và mẹ xem lại những bức hình thời thơ ấu. Ảnh: B.D

Nắm chặt tay cô gái Tuyết Trân 25 tuổi, vị giáo sư xúc động: "Khi đón Tuyết Trân chào đời, tôi không thể quên cái chắp tay xá cảm ơn của ba Trân, ông Lưu Tấn Trực. Ông vừa chắp tay vừa khóc nói: 50 tuổi rồi tôi mới có được đứa con này. Lúc đó tôi cũng khóc. Giờ mỗi lần nhớ lại hình ảnh đó, tôi lại khóc".

Trong đêm 30/4 của 25 năm trước, Mai Quốc Bảo là bé trai duy nhất và chào đời đầu tiên. Tiếp sau đó là Lan Thy, Tuyết Trân. Trong buổi gặp gỡ 25 năm sau, Tuyết Trân, Quốc Bảo nắm chặt tay bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, người đã trực tiếp thực hiện kỹ thuật cho sự ra đời của các em.

Xúc động buổi gặp mặt. Clip: B.D

"Chưa bao giờ em thôi tự hào bởi mình là "cô bé ống nghiệm". Em rất cảm ơn những y bác sĩ đã đưa em đến với thế giới này, cho em một sự sống kỳ diệu", Tuyết Trân chia sẻ.

BSCKII Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ cho biết, 25 năm trước, khi vẫn còn là một bác sĩ trẻ, anh đã rất tự hào khi là một trong những bác sĩ vinh dự được chào đón những em bé đầu tiên ra đời từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Niềm vui vỡ òa của gia đình khi con chào đời luôn in đậm trong lòng anh. Cảm xúc ngày hôm nay khi gặp lại những đứa trẻ ấy vẫn rất bồi hồi và xúc động.

img
img
img
img
img

Các gia đình "em bé ống nghiệm" trong ngày gặp mặt. Ảnh: B.D

Buổi gặp mặt không chỉ có Tuyết Trân, Quốc Bảo mà còn có rất nhiều các "em bé ống nghiệm" ra đời sau đó. Điều thú vị là có khá nhiều cặp song sinh chào đời từ phương pháp này như các bé Mai Hạnh – Hồng Phúc (2003), Quỳnh Hương – Phong Huy (2009), cặp song sinh đầu tiên chào đời bằng phương pháp mang thai hộ Gia Hưng – Gia Khang (7 tuổi)…

Bác sĩ Trần Ngọc Hải cho biết, Bệnh viện Từ Dũ luôn là đơn vị đầu tiên trong cả nước ứng dụng các công nghệ hỗ trợ sinh sản mới nhất của thế giới, có thể kể đến như kỹ thuật bơm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), kỹ thuật MESA-ICSI (lấy tinh trùng từ phẫu thuật mào tinh), PESA-ICSI (kỹ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh), TESE-ICSI (phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn)...

Hành trình 25 năm của những "em bé ống nghiệm" - Ảnh 6.

Ba "em bé ống nghiệm" đầu tiên (từ trái qua): Lan Thy, Quốc Bảo, Tuyết Trân. Ảnh tư liệu

Bên cạnh đó, việc điều trị hiếm muộn ngày càng trở nên an toàn hơn nhờ việc tiêu chuẩn hóa quá trình điều trị theo các chuẩn quốc tế. Năm 2017, khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên trong hệ thống công lập đạt được chứng nhận Quản lý chất lượng Quốc tế về Thụ tinh ống nghiệm (RTAC) và liên tục tái thẩm định để duy trì cho đến nay.

Từ khi thành lập khoa Hiếm muộn đến nay, Bệnh viện Từ Dũ đã chào đón hơn 16.300 em bé thụ tinh trong ống nghiệm ra đời. Số lượt khám hiếm muộn mỗi năm dao động trong khoảng 55.000 đến 60.000 lượt. Tổng số ca bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI trong 10 năm gần đây là hơn 22.000 ca. Số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong 10 năm gần đây là hơn 23.000 chu kỳ. Tỷ lệ thai lâm sàng thụ tinh trong ống nghiệm lên đến hơn 45%.

img
img
img
img
img
img

Thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: BVCC

Bạch Dương thực hiện

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem