Hải Dương: Hơn 300 hộ dân sống bên miệng Hà Bá

Trần Quang Thứ ba, ngày 05/08/2014 09:25 AM (GMT+7)
Mùa mưa bão đang về, nhiều hộ dân ở xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện (Hải Dương)  sống bên bờ sông Luộc lại nơm nớp lo sợ Hà Bá sẽ lại “nuốt” mất nhà cửa, hoa màu của họ.
Bình luận 0

Sắp mất nhà đến nơi...

Dù không phải là địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 2 vừa qua, nhưng do nước sông lên nhanh nên nhiều hộ dân sống ven bờ sông Luộc, thuộc thôn Tiên Động đã bắt đầu bị Hà Bá đe dọa. Bà Phùng Thị Nhật (85 tuổi) lo lắng nói: “Mới hôm nào tường nhà chỉ có một vết rạn nhỏ, giờ đã nứt toác đến mức lọt cả ngón tay. Biết là sắp mất cơ nghiệp, nhưng chúng tôi cũng không biết làm sao mà cứu được, sống thêm ngày nào biết ngày đó thôi”.

Bà Nhật cho biết thêm: Gần 20 năm qua, tuy trên địa bàn không có lũ lớn nhưng tình trạng khai thác cát trái phép lại diễn ra ồ ạt, khiến lòng sông Luộc ngày càng bị đào sâu hơn, lũ về sóng đánh ầm ầm vào bờ. Hậu quả là dọc bờ đê, rất nhiều đoạn bị hở hàm ếch. Nhiều hộ dân xây nhà sát bờ sông đã bị rạn nứt, nguy cơ sông nuốt nhà.

Cùng thôn với bà Nhật, gia đình ông Nguyễn Văn Thuấn (57 tuổi) cũng đang lo nơm nớp. Chắt bóp vay mượn khắp nơi, ông Thuấn mới xây được căn nhà kiên cố cạnh sông Luộc, ai dè lũ lên cao đã khiến tường nhà ông rạn nứt như ruộng gặp hạn. Ông Thuấn cho biết, trong các cuộc họp tại UBND xã, nhiều lần bà con đã phản ánh về tình trạng sạt lở bờ sông Luộc và đề nghị xã xây bờ kè. Năm 2009 có người về khảo sát, đo đạc nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

“Năm 2011, xã tổ chức họp dân, vận động các hộ sống gần bờ sông gắp phiếu nhận đất ở khu tái định cư trong đê để sạt lở, nhưng người dân thấy mức hỗ trợ thấp quá nên không ai mặn mà nhận đất” - ông Thuấn nói.

Nhiều hộ chủ quan, chưa muốn di dời

Theo khảo sát của phóng viên NTNN, phần lớn các hộ dân có nhà sát bờ sông Luộc đều có hiện tượng rạn nứt, rất nguy hiểm. Ông Nguyễn Gia Long – Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho hay: Toàn xã có khoảng 1.250 hộ dân, với 5 thôn dân cư thì có đến 3 thôn nằm ngoài đê sông Luộc, gồm My Động 1, My Động 2 và Tiên Động, chiếm trên 60% dân số toàn xã. Để giúp người dân sinh sống ổn định, xã đã đề nghị Trung ương hỗ trợ công trình đê kè tại 2 điểm đê xung yếu ở thôn My Động 1, My Động 2 với chiều dài hơn 1.000m. “Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tuyến bờ đê tại khu vực thôn Tiên Động chưa có kè bảo vệ, với hơn 300 hộ nằm ngoài đê trung ương, trong đó có hơn 30 hộ không có đê bối bảo vệ, nguy cơ sạt lở rất cao. Hiện xã đang chờ vốn từ Trung ương để triển khai xây kè” - ông Long cho biết.

Cũng theo ông Long, đối với các hộ dân sống ngoài đê thuộc diện phải di dời, tính đến tháng 7, dự án đã triển khai được 2 đợt với 16 hộ đã di dời, 29 hộ đã được cấp đất chờ ổn định cuộc sống.

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Văn Cảnh – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (Sở NNPTNT Hải Dương) cho biết: “Đối với các hộ dân có nhà ngoài đê thuộc diện phải di dời ở xã Tiền Phong, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương kêu gọi, vận động vào khu tái định cư, nhưng một số hộ còn chủ quan, chưa muốn vào. Chúng tôi sẽ chỉ đạo, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tiếp. Ngoài ra, với tuyến đê tại thôn Tiên Động, chúng tôi đã tổ chức kiểm tra, khảo sát tình hình và đã lên phương án kè đê trong thời gian tới”.

 Ngoài tuyến đê sông Luộc chảy qua địa bàn xã Tiền Phong có nguy cơ sạt lở cao, trên địa bàn huyện Tứ Kỳ có tuyến đê Bắc Hưng Hải chạy qua cũng có nhiều điểm xung yếu, đặc biệt là đoạn đê thuộc các xã Quảng Nghiệp, Tân Kỳ, Quang Phục và thị trấn Tứ Kỳ đã xuất hiện nhiều điểm thẩm lậu nhỏ, do nhiều năm chưa được tu bổ, nâng cấp...
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem