Hà Nội xây ga tàu điện ngầm cạnh hồ Gươm: Thứ trưởng Bộ GTVT nói gì?

Hoàng Nhật Thứ năm, ngày 30/08/2018 18:56 PM (GMT+7)
Trao đổi với báo chí về việc Hà Nội xây ga tàu điện ngầm cạnh hồ Gươm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Hà Nội phải tiếp tục làm việc và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng quy định để bảo đảm ga vận hành theo đúng công năng vận tải, nhưng vẫn bảo tồn di tích trong quy định pháp luật cho phép.
Bình luận 0

img

Phối cảnh kiến trúc cửa lên xuống số 1, ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo. Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội 

Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo mới đây đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận và đang được đưa ra trưng bày công khai để lấy ý kiến nhân dân.

Theo đó, nhà ga chính C9 được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhà ga dài 150m, rộng 21,4m, nóc nhà ga cách mặt đất khoảng 3m, sâu 17,45m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). .

Hầm nhà ga ngầm C9 cách chân tháp Bút 8,2m, cách gò đá chân tháp 1m. Thân ga (dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, 3 tầng) nằm chính dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa hồ Hoàn Kiếm.

Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga tới hồ Hoàn Kiếm 10m, tới tượng đài cảm tử 81m, tới đền Bà Kiệu 83m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m, tới Tháp Bút 36m.

Trong đó, điều được người dân và nhiều kiến trúc sư đặc biệt quan tâm là nhà ga C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo có phần nằm trong khu vực bảo vệ 2 (khu vực bao quanh vùng lõi) của di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông 

Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8.2018, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo là dự án trọng điểm quốc gia do Hà Nội làm cơ quan chủ quản đầu tư.

Trong đó, việc lập dự án thuộc về Hà Nội, còn Bộ GTVT là một trong số các cơ quan được tham vấn, lấy ý kiến chuyên ngành.

“Theo chúng tôi, đây là việc làm hết sức thận trọng của Hà Nội, với phương án tuyến ga số 9 và các ga khác đều được lựa chọn, đánh giá dựa trên nhiều ý kiến chuyên môn.

Việc lựa chọn một ga có rất nhiều tiêu chí, về thu hút hành khách, thuận lợi cho vận tải, hiệu quả của dự án... Tất cả đã tham vấn, lấy ý kiến các Bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học và cũng đã công khai lấy ý kiến người dân. Tôi cho là rất thận trọng”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, việc có một phần ga nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích Hồ Hoàn Kiếm, theo chức năng, Bộ VHTTDL sẽ có ý kiến về việc quản lý các di tích.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Việc giải quyết phần này, chúng tôi cho rằng phải dựa trên cơ sở đánh giá tác động môi trường, quản lý di tích.

Về trách nhiệm, Hà Nội phải tiếp tục làm việc này và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng quy định để bảo đảm ga vận hành theo đúng công năng vận tải, nhưng vẫn bảo tồn di tích trong quy định pháp luật cho phép”.

img

Phối cảnh kiến trúc lối lên xuống số 4, khu vực phía sau tượng đài Cảm tử và đền Bà Kiệu

Trước đó, trao đổi với Dân Việt về lý do đặt nhà ga C9 tại khu di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm, ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết đã tính toán, nghiên cứu hai hướng, một hướng đi trong phố cổ, một hướng vòng ra ngoài đê.

Phương án ra ngoài đê tức là nghiên cứu bố trí hướng tuyến đường hầm và ga ngầm ra các tuyến đường Trần Quang Khải, Ngô Quyền hoặc Nhà Hát Lớn... nhưng đều gặp phải các trở ngại không thể khắc phục như: vi phạm hành lang bảo vệ theo Luật đê điều, tuyến đường hầm phải xuyên qua các khu vực có nhiều nhà cao tầng với móng cọc sâu, vấn đề giải phóng mặt bằng, khai thác vận hành không hiệu quả, kết nối với các tuyến số 1 và số 3 phức tạp hơn, chiều dài đoạn hầm lớn hơn dẫn đến chi phí đầu tư xây dựng, vận hành khai thác tăng cao…và không phù hợp với kinh nghiệm của các quốc gia đi trước. Thêm nữa, nếu vòng ra ngoài, phải bố trí phương tiện kết nối về trung tâm, như thế làm tăng áp lực giao thông.

Còn phương án đi ngầm phố cổ có một số điểm khống chế như gặp móng các công trình nhà cao tầng. Chúng tôi phải tránh các trường hợp như thế.

Còn phương án đặt vị trí nhà ga C9 gần Hồ Gươm sẽ đem lại nhiều thuận lợi nhất, thuận lợi về giao thông, mặt bằng. Thêm nữa, nhà ga C9 nằm giữa ga C8 và C10, trong đó, ga C8 kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1, nằm ở khu vực vườn hoa Vạn Xuân gần bốt Hàng Đậu. Ga C10 đặt ở vị trí giao giữa phố Trần Hưng Đạo với phố Hàng Bài (kết nối với tuyến đường sắt số 3). Hai ga 8 và 10 là ga kết nối nên đã cố định. Vì thế, theo yêu cầu hướng tuyến; quy hoạch đã được duyệt và yêu cầu về kỹ thuật (đảm bảo khoảng cách giữa ga C9 với các ga C8, C10 khoảng 1 km), vị trí ga C9 được chọn ở đường Đinh Tiên Hoàng phía trước Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội là phù hợp nhất.

Theo tính toán, Tháp Bút cách ga 36 mét nên nằm ở vị trí ngoài vùng ảnh hưởng lún do thi công ga nên không bị ảnh hưởng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem