Hà Nội: Trồng lúa VietGAP, ngô sinh khối, nông dân Mê Linh không còn phải lo đầu ra

Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 24/02/2024 05:59 AM (GMT+7)
Ngày 23/2, tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh (Hà Nội), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh tổ chức Ngày hội xuống đồng sản xuất vụ Xuân 2024. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP sử dụng giống lúa TBR 225 với diện tích 20 ha tại xã Thạch Đà.
Bình luận 0

Bà Nguyễn Thị Chinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh cho biết, vụ Xuân 2024, tổng diện tích gieo trồng của huyện Mê Linh là hơn 6.000 ha, trong đó, riêng cây lúa 4.300 ha. Nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với các Hợp tác xã cung cấp dịch vụ làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch cho bà con với giá hợp lý.

Vụ Xuân 2024, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh phối hợp với UBND xã và Hội Nông dân xã Thạch Đà triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP sử dụng giống lúa TBR 225 trên diện tích 20ha tại xứ Đồng Tuyến, thôn 3, xã Thạch Đà. Tham gia mô hình, các hộ dân được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% giống, 50% phân bón và 50% thuốc bảo vệ thực vật.

Hà Nội: Trồng lúa VietGAP, ngô sinh khối, nông dân Mê Linh không còn phải lo đầu ra- Ảnh 1.

Ngày 23/2, tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh (Hà Nội), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh tổ chức Ngày hội xuống đồng sản xuất vụ Xuân 2024. Ảnh: Nguyễn Tuyền

Ngoài 20 ha thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP, cũng tại xứ đồng Tuyến, xã Thạch Đà còn triển khai 10,5 ha lúa sử dụng máy cấy mạ khay, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng flycam được hỗ trợ theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 của HĐND thành phố Hà Nội.

Tại Ngày hội xuống đồng, các đại biểu và bà con nông dân đã được thăm quan mô hình máy cấy mạ khay tại xứ Đồng Tuyến. Trên một đường chạy máy có 6 hàng cấy cố định, khoảng cách các hàng là 30cm, ngoài ra độ cấy nông sâu và số dảnh/khóm cũng có thể điều chỉnh phù hợp với từng đồng đất, công suất cấy đạt từ 1ha/ngày. Sử dụng máy cấy giúp tăng 40% năng suất và giảm 30% chi phí so với phương pháp cấy lúa truyền thống (bằng tay).

Hà Nội: Trồng lúa VietGAP, ngô sinh khối, nông dân Mê Linh không còn phải lo đầu ra- Ảnh 2.

Các đại biểu cùng đại diện hộ nông dân thăm quan mô hình mạ khay, máy cấy tại xứ Đồng Tuyến, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Tuyền

"Lúa cấy bằng máy có độ nông, mật độ cây lúa đồng đều, phát huy được hiệu ứng hàng biên; ruộng lúa thông thoáng ít sâu bệnh, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; năng suất lúa cao hơn từ 10% đến 20% so với phương pháp cấy truyền thống. Cùng với đó, việc cấy máy giúp cho các địa phương quy hoạch được vùng gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, góp phần thay đổi tập quán nhỏ lẻ, manh mún", bà Chinh chia sẻ.

Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh đã phối hợp với các Hợp tác xã đưa cơ giới hóa vào sản xuất với tổng diện tích hơn 1.000 ha, trong đó riêng diện tích sử dụng máy cấy trong vụ Xuân năm nay đạt 200 ha.

Ngoài xây dựng mô hình trồng lúa VietGAP, vụ Đông năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp cùng huyện Mê Linh triển khai mô hình sản xuất ngô sinh khối trên đất hai lúa tại khu đồng Mả Lãnh thuộc hai thôn Yên Thị và Yên Trung (xã Tiến Thịnh). Quy mô sản xuất 10 ha.

Tham gia dự án, ông Nguyễn Thế Lâm cho biết, được cấp hỗ trợ 140kg ngô giống. Bên cạnh đó là hàng chục tấn phân bón Đạm, Urê, Lân, Kali, phân hữu cơ sinh học và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Số lượng vật tư cần thiết còn thiếu, ông Nguyễn Thế Lâm thực hiện việc mua đối ứng với tỷ lệ 50% tổng lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Điều này nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ thể tham gia mô hình. Vật tư phục vụ mô hình bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu.

Hà Nội: Trồng lúa VietGAP, ngô sinh khối, nông dân Mê Linh không còn phải lo đầu ra- Ảnh 3.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh nghiệm thu mô hình sản xuất ngô sinh khối trên đất hai lúa tại huyện Mê Linh. Ảnh: Trọng Tùng

Cùng với hỗ trợ về vật tư nông nghiệp, hộ ông Nguyễn Thế Lâm còn được tập huấn, hướng dẫn thường xuyên kỹ thuật chăm sóc, phòng chống sâu bệnh hại trên cây ngô sinh khối. Một cán bộ chuyên trách cũng được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh ký hợp đồng để chịu trách nhiệm chỉ đạo kỹ thuật mô hình.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh đánh giá, sau khi tổ chức nghiệm thu mô hình sản xuất ngô sinh khối vụ Đông trên đất hai lúa mà gia đình ông Nguyễn Thế Lâm, ngô sinh trưởng khoẻ; thân, lá phát triển mạnh, bản lá rộng; đồng thời chống chịu tốt với bệnh khô vằn, sâu đục thân, rệp cờ. Tỷ lệ cây sống đạt trên 90%.

“Với tiến độ phát triển hiện nay, dự kiến ngô sinh khối cho năng suất khoảng 55 tấn/ha. Trừ chi phí sản xuất, loại cây trồng này có thể cho lợi nhuận hơn 22,3 triệu đồng/ha mỗi vụ…”, bà Chinh thông cho biết.

Theo bà Chinh, hiện nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh đã liên kết với Công ty CP ngô sinh khối Việt Nam thu mua toàn bộ khối lượng ngô sinh khối sản xuất ra. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem