Hà Nội: Chi tiết 37 dự án "ôm đất" rồi bỏ hoang

Trần Kháng Thứ bảy, ngày 11/12/2021 09:52 AM (GMT+7)
Hà Nội vừa công bố chi tiết danh sách 37 dự án chưa được khắc phục dứt điểm theo kiến nghị giám sát của Thường trực HĐND TP. Hà Nội.
Bình luận 0

Cụ thể, trong danh sách này có 3 dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.

3 dự án bao gồm: Dự án nhà máy sản xuất thẻ thông minh của Công ty Điện tử tin học hóa chất (lô B1-F, cụm tiểu thủ công nghiệp vừa nhỏ, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy); bệnh viện quốc tế 500 giường (Dương Nội, Hà Đông); Xây dựng xưởng in và cơ sở biên tập 2 nhà xuất bản Hà Nội (phường Thượng Thanh, quận Long Biên) của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Hà Nội.

Tiếp đó, 8 dự án do Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư… thanh tra, kiểm tra; cơ quan cảnh sát điều tra đã và đang điều tra, xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Chi tiết 37 dự án "ôm đất" rồi bỏ hoang ở Hà Nội - Ảnh 1.

Dự án khu nhà ở Văn La - Văn Khê do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Sông Đà -Sudico làm chủ đầu tư bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Trần Kháng

Bao gồm: khu nhà ở Xa La và khu bổ sung (Phúc La, Hà Đông) và tổ hợp chung cư và thương mại Bemes (Kiến Hưng, Hà Đông) của Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu; khu trung tâm thương mại và văn phòng HESCO (Văn Quán, Hà Đông) của Công ty Cổ phần thiết bị Thủy Lợi; dự án nhà máy xử lý rác thải (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) của Công ty TNHH MTV Cơ điện Công Trình; dự án xây dựng bệnh viện Việt Mỹ của Công ty TNHH Hải Châu (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì); Trung tâm tang lễ Văn Minh của Công ty xuyên Thái Bình Dương (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm); mở rộng vườn ươm (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm) của Công ty công viên cây xanh; xây dựng nhà máy Kimono xuất khẩu (Kim Hoa, Mê Linh) của Công ty Cổ phần Ngọc Bích.

Ngoài ra, trong danh sách 37 dự án có 26 dự án mà Hà Nội đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chủ đầu tư chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Cụ thể: tại quận Hà Đông có 5 dự án, gồm khu đô thị mới Văn Phú (Văn Phú - Invest); khu nhà ở Văn La - Văn Khê (Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Sông Đà -Sudico); bệnh viện quốc tế Hà Đông (Công ty Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long); cụm công nghiệp Đồng Mai (Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Phong Phú - Tập đoàn Dệt May).

Huyện Mê Linh có 6 dự án, gồm xây dựng nhà máy gia công cơ khí, khuôn mẫu chính xác và sản xuất sản phẩm nhựa công nghiệp (Công ty TNHH Vina-FuJi); xây dựng nhà máy chế tạo thiết bị nâng (Công ty Cổ phần cơ khí Mê Linh); xây dựng nhà máy gia công cơ khí, khuôn mẫu chính xác và sản xuất sản phẩm nhựa công nghiệp (Công ty TNHH Thành Trang); xây dựng nhà máy sản xuất dây cáp điện và lắp ráp thiết bị vệ sinh cao cấp (Công ty TNHH dây và cáp điện Hoàng Sơn); xây dựng trung tâm tạo nghề cơ khí (Công ty vận tải và xây dựng); xây dựng trung tâm bồi dưỡng nhân lực (Công ty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại).

Quận Long Biên có 3 dự án, gồm xây dựng doanh trại Trung đoàn cảnh sát cơ động (Công an TP Hà Nội); xây dựng nhà máy (Công ty TNHH Ngọc Linh); xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Sài Đồng (Công ty xây dựng số 3, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội - Handico).

Chi tiết 37 dự án "ôm đất" rồi bỏ hoang ở Hà Nội - Ảnh 3.

Một góc dự án khu đô thị mới Đại Kim - Định Công. Ảnh: Trần Kháng

Quận Hoàng Mai có 3 dự án, gồm khu đô thị mới Đại Kim - Định Công (Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội - HANHUD); dự án xây dựng văn phòng làm việc giao dịch giới thiệu sản phẩm và kho hàng (HTX dịch vụ nông nghiệp Sở Thượng); khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD).

Huyện Phúc Thọ 3 dự án, gồm vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận (Công ty TNHH Thương mại Kim Thanh); xây dựng xưởng sản xuất bìa carton sóng và giấy Krafl (Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Hatako); xây dựng xưởng sản xuất gỗ ép công nghiệp (Công ty TNHH Trung Nam).

Huyện Thanh Trì có 2 dự án, gồm xây dựng nhà tái định cư công viên Yên Sở nay là khu đô thị Tứ Hiệp (Công ty Cổ phần Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí); khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm (Tổng công ty đầu tư phát triển nhà - Bộ Xây dựng).

Tại quận Nam Từ Liêm có dự án xây dựng nhà ở (Công ty thiết kế xây dựng nhà); quận Bắc Từ Liêm có dự án mở rộng Viện di truyền nông nghiệp (Viện di truyền nông nghiệp); khu vui chơi giải trí (Công ty TNHH Ngọc Linh) tại quận Tây Hồ.

Gần 400 dự án bỏ hoang, nhưng mới thu hồi 10 dự án

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhóm vấn đề liên quan tới việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố trở thành chủ đề "nóng".

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Duy Cường cho biết, UBND TP Hà Nội đã ban hành các kế hoạch, chỉ đạo, thực hiện các tổ công tác, lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra các dự án chậm. Kết quả, hiện có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, trong đó: 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì nay đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng. Với 63 dự án chậm GPMB, các dự án còn lại vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem