Hà Giang Di sản thiên nhiên “mộc mạc, kỳ vỹ” đi cùng sự phát triển của du lịch

Nguyễn Quân Thứ ba, ngày 15/08/2023 15:05 PM (GMT+7)
Sự đa dạng, giàu có của di sản văn hoá là hội tụ nét văn hóa đặc sắc của các tộc người ở Hà Giang. Trong những năm qua, văn hóa vật thể và phi vật thể ở Hà Giang đã từng bước được nhận diện phát huy và bảo tồn đặc biệt dưới nhiều hình thức khác nhau, ở những vùng miền, những tộc người khác nhau.
Bình luận 0
Hà Giang Di sản thiên nhiên “mộc mạc, kỳ vỹ” đi cùng sự phát triển của du lịch - Ảnh 1.

Đoàn chuyên gia tái thẩm định CVĐC Toàn cầu Unesco khảo sát tuyến đường "Hành trình đến tự hào và hạnh phúc"

Hiện, toàn tỉnh có 3 bảo vật quốc gia, 61 di sản văn hóa vật thể, 27 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận và xếp hạng di sản quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có 6 di sản của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người như Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao.

Hà Giang đã tổ chức khảo sát nhận diện được 370 di sản, 22 di sản trong số này được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản văn hóa thực hành Then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành, trong đó có Hà Giang được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đặc biệt, trong số những di sản được công nhận, không thể không kể tới di sản cao nguyên đá Đồng Văn được gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là công viên đầu tiên của nước ta được UNESCO ghi danh là công viên địa chất toàn cầu. Đây cũng là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách mỗi khi có dịp ghé thăm Hà Giang. Việc công nhận lại đối với Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang, Việt Nam là vinh dự to lớn đối với tỉnh Hà Giang nói riêng và nước Việt Nam nói chung, đồng thời cũng trao cho chúng tôi trọng trách bảo tồn, phát huy và quảng bá những giá trị nổi bật Toàn cầu của di sản Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đến với bạn bè thế giới.

Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã và đang nỗ lực thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản thiên nhiên, nhất là Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) Cao nguyên đá Đồng Văn. Công tác bảo tồn di sản được tỉnh triển khai với ba nội dung chính: bảo tồn giá trị di sản địa chất, địa mạo, văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học; nâng cao nhận thức cộng đồng, quảng bá giới thiệu hình ảnh; thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, tạo sinh kế, nguồn thu nhập cho cộng đồng.

Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành công viên địa chất UNESCO đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á. Sau 3 lần tái đánh giá (2014, 2018 và năm 2022), những giá trị vùng CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục hoàn thành tốt một số nội dung theo tiêu chí của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu.

Hà Giang xác định việc xây dựng và phát triển CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn có ý nghĩa quan trọng cho việc bảo vệ môi trường sống, tạo lập sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, đa dạng sinh học và môi trường sinh thái - làm cơ sở cần thiết cho mục tiêu phát triển bền vững, từ nhận thức đó Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, Nghị quyết số 14-NQ/TU "Về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2013 -2020, đây là cơ sở để UBND tỉnh và các sở ngành, các huyện vùng Công viên tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó Hà Giang cũng chủ động, tích cực liên kết, mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia nằm trong mạng lưới CVĐCTC trên thế giới, đồng thời tham gia ký kết biên bản ghi nhớ với 3 CVĐC về phối hợp, trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật xây dựng CVĐC. CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn đã xuất sắc vượt qua 3 kỳ tái đánh giá thành viên mạng lưới vào năm 2014, 2018 và năm 2022.

Đối với Di sản văn hoá CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của công viên thuộc mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành một số kế hoạch, cũng như thành lập các đoàn công tác phục vụ tái đánh giá, bảo tồn phát huy giá trị công viên địa chất. Đồng thời, duy trì việc kiểm tra hiện trạng các điểm di sản, các điểm khai thác đá, điểm dừng chân, các công trình xây dựng trên địa bàn công viên địa chất để tham mưu kịp thời hình thức xử lý nếu phát hiệu sai phạm về Luật Di sản văn hóa và các quy hoạch đã được phê duyệt trên vùng công viên địa chất.

Đến nay, tỉnh đã tiến hành khoanh vùng 30 cụm với hơn 150 điểm di sản để bàn giao cho cộng đồng địa phương quản lý và bảo vệ. Trong đó có một số cụm, điểm di sản được công nhận là di sản cấp quốc gia như: Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng; danh lam thắng cảnh núi đôi Quản Bạ; di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh khu vực hóa thạch Tay Cuộn xã Ma Lé, huyện Đồng Văn; di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh khu vực hóa thạch Huệ Biển tại Lũng Pù, huyện Mèo Vạc...

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: "Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn các giá trị văn hóa, đó là nhận thức xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa trên các huyện vùng cao núi đá. Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh và góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư".

Hà Giang Di sản thiên nhiên “mộc mạc, kỳ vỹ” đi cùng sự phát triển của du lịch - Ảnh 2.

Đoàn chuyên gia tái thẩm định CVĐC Toàn cầu Unesco khảo sát làng văn hóa du lịch tiêu biểu Ma Lé, xã Má Lé, huyện Đồng Văn.

Đến với vùng cao nguyên đá Đồng Văn hôm nay, dễ dàng nhận thấy nhiều bản làng đã có sự "thay da đổi thịt" nhanh chóng, tiêu biểu như ở huyện Mèo Vạc có Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, xã Pả Vi; huyện Đồng Văn có Làng văn hóa Du lịch Cộng đồng thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là, làng văn hóa Du lịch Cộng đồng thôn Ma Lé, xã Ma Lé, Làng văn hóa Du lịch Thôn lô Lô Chải, xã Lũng Cú…, tất cả đều mang đặc trưng kiến trúc truyền thống của người dân bản địa.

Kể từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận thành viên mạng lưới CVĐCTC, công tác xây dựng, bảo tồn và phát triển CVĐCTC đã đạt được những kết quả quan trọng.

Hình ảnh CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn được bạn bè trên thế giới và người dân trong nước biết đến nhiều hơn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển nền kinh tế của tỉnh Hà Giang nói chung và vùng CVĐC nói riêng. Trong đó, thể hiện rõ nét nhất là cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng hướng; năng suất lao động tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, góp phần rất lớn vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Ngoài ra, không chỉ được thiên nhiên ưu ái cho nhiều di sản thiên nhiên "mộc mạc, kỳ vỹ", Hà Giang còn là nơi lưu giữ những di tích lịch sử lâu đời cũng như nét đẹp văn hóa đặc sắc của 19 dân tộc vùng cao phía Bắc. Tất cả đã tạo nên sức hút hấp dẫn khiến Hà Giang trở thành một trong những địa điểm du lịch được nhiều du khách tìm đến để chinh phục trọn vẹn vùng non nước xinh đẹp và hùng vĩ này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem