Đường giao thông đang giúp một huyện miền núi của Quảng Nam rút ngắn khoảng cách với đồng bằng

Trần Hậu Thứ sáu, ngày 03/05/2024 06:00 AM (GMT+7)
Với quyết tâm, nỗ lực phấn đấu để xây dựng nông thôn giàu đẹp, xua tan cái nghèo của huyện miền núi, nâng cao thu nhập cho người dân, đến nay, diện mạo nông thôn Hiệp Đức (Quảng Nam) đã có nhiều thay đổi tích cực, kinh tế – xã hội phát triển, đời sống vật chất – tinh thần của nhân dân cũng được cải thiện.
Bình luận 0

Bức tranh quê hương ngày mới

Trước đây, Hiệp Đức là huyện miền núi nghèo với 13% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số người Ca Dong, Bhnoong, sinh sống chủ yếu ở 3 xã Phước Gia, Phước Trà và Sông Trà. Chính vì thế, địa phương luôn xác định phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội là khâu đột phá, tạo động lực cho sản xuất và xây dựng NTM.

Đường giao thông đang giúp một huyện miền núi của Quảng Nam rút ngắn khoảng cách với đồng bằng- Ảnh 1.

Giao thông “chìa khóa” giúp huyện miền núi Hiệp Đức (Quảng Nam) chuyển mình trong xây dựng NTM. Ảnh: T.H.

Ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hiệp Đức cho biết: "Thời gian qua, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ thiết thực hơn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo làng quê theo hướng khang trang, hiện đại.

Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu nhằm duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM; kịp thời khắc phục các công trình thủy lợi, tưới tiêu bị hư hỏng; công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được ngành nông nghiệp và các địa phương chủ động triển khai, đảm bảo an toàn về người và tài sản, nhất là bảo vệ sản xuất và thu hoạch".

Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Hiệp Đức có vốn đầu tư công trung hạn cho Chương trình xây dựng NTM là hơn 79,2 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ nhân dân tự nguyện đóng góp và các nguồn khác là hơn 5,5 tỷ đồng.

Đường giao thông đang giúp một huyện miền núi của Quảng Nam rút ngắn khoảng cách với đồng bằng- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tấn Nghiệp (bên trái) – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hiệp Đức trao đổi với phóng viên Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt. Ảnh: T.H.

Giai đoạn 2021-2023, từ nguồn vốn Chương trình NTM, huyện đã bê tông hóa hơn 5,301km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; xây dựng 4 cống thoát nước; xây dựng 0,33km kênh mương nội đồng; đầu tư 19 công trình cảnh quan môi trường, điện chiếu sáng; xây dựng, sửa chữa 12 công trình trường học các cấp; xây dựng mới và nâng cấp 4 nhà văn hóa xã, 4 khu thể thao xã, 3 nhà văn hóa thôn, 4 khu thể thao thôn và 9 điểm vui chơi, giải trí, thể thao cho trẻ em và người cao tuổi.

Nhờ đó, hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được đồng bộ, đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp đáp ứng yêu cầu dạy học; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao dần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được tăng cường và bảo đảm; môi trường sinh thái khu vực nông thôn ngày càng được chú trọng.

Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá gắn với xây dựng nông thôn mới" được các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, trở thành phong trào thi đua sâu rộng trên địa bàn huyện.

Đường giao thông đang giúp một huyện miền núi của Quảng Nam rút ngắn khoảng cách với đồng bằng- Ảnh 3.

Huyện miền núi Hiệp Đức đổi thay từng ngày nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Ảnh: T.H.

Thêm vào đó, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa miền núi và đồng bằng, từng bước hướng tới NTM thông minh.

Ông Trần Công Minh (trú xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức) phấn khởi nói: "Từ khi xây dựng NTM, diện mạo làng quê nông thôn miền núi đã thay đổi rõ nét, những con đường đất nắng bụi, mưa lầy nay đã được bê tông hóa, con em địa phương được học trong những ngôi trường cao tầng khang trang, ngõ xóm sáng bừng ánh điện đường, khoảng cách với miền xuôi dần được rút ngắn".

Nâng cao thu nhập

Ông Nghiệp cho hay: "Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục đề cao trách nhiệm về xây dựng NTM, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, phải khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Đặc biệt là phải nâng cao mức sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần, để đời sống người dân được ấm no hơn, sung túc, đủ đầy hơn".

Mục tiêu chung mà huyện Hiệp Đức hướng tới là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân để từng bước giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các giải pháp về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển bền vững.

Đường giao thông đang giúp một huyện miền núi của Quảng Nam rút ngắn khoảng cách với đồng bằng- Ảnh 4.

Sản phẩm tinh bột nghệ núi Hiệp Đức được UBND tỉnh xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019. Ảnh: Nhiên Media.

Điển hình như các mô hình liên kết sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm, trồng nấm linh chi, nuôi chim cút lấy trứng, nuôi gà đẻ trứng, nuôi bò 3B... đang hoạt động hiệu quả.

Địa phương đã tổ chức 16 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho hơn 600 học viên về kỹ thuật nhân giống cây ăn quả, trồng rau an toàn, nhận biết và trị bệnh cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ và thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn phát triển.

Qua đó đã góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ, nâng cao chất lượng – hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn.

Hiện nay, Hiệp Đức có 28 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động với các ngành nghề đa lĩnh vực, nhưng ngành nghề hoạt động chính vẫn là nông nghiệp. Nhìn chung, các HTX đã chủ động phát huy nội lực, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả các nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên và người lao động tại địa phương.

Đồng thời, kinh tế lâm nghiệp cũng được huyện đẩy mạnh phát triển đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.

Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, huyện Hiệp Đức tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội, vay vốn làm ăn, học tập.... Đến cuối năm 2023, theo kết quả điều tra sơ bộ, địa phương có tổng số hộ nghèo là 788 hộ, chiếm 6,43%, giảm 1,99% so với năm 2020 và hộ cận nghèo là 343 hộ, chiếm 2,81%.

Tính đến nay, toàn huyện có 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Bình Lâm, Quế Thọ, Hiệp Hòa, Hiệp Thuận, Bình Sơn. Theo lộ trình đặt ra, đến năm 2025, Hiệp Đức sẽ có bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM trên toàn huyện là 18,2 tiêu chí/xã và không còn xã nào đạt dưới 15 tiêu chí; có thêm 3 xã về đích NTM là Thăng Phước, Sông Trà, Quế Lưu và có ít nhất 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Bình Lâm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem