Tuyển sinh vào lớp 6: Nhiều trường vẫn “lập lờ” phương án

Thứ sáu, ngày 25/05/2018 09:19 AM (GMT+7)
Sau khi Bộ GDĐT bỏ lệnh “cấm thi” tuyển sinh lớp 6, tưởng chừng mọi khó khăn trong tuyển sinh vào lớp 6 tại Hà Nội sẽ được gỡ bỏ thì câu chuyện thi hay không thi vẫn tiếp tục gây nên tranh cãi.
Bình luận 0

img

Phụ huynh làm thủ tục tuyển sinh vào lớp 6 tại một trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Đặc biệt, mới đây, nhiều thông tin cho biết, dự kiến các trường điểm của Hà Nội như THCS Cầu Giấy, lớp 6 THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam; THCS Thanh Xuân vẫn xét tuyển dựa trên học bạ và giải thưởng phụ, khiến cuộc đua dự đoán sẽ gay cấn và khó khăn hơn khi Bộ GDĐT đã “siết chặt” giải thưởng phụ.

Tiêu chí nào để xét tuyển?

Những ngày qua, phụ huynh Thủ đô đứng ngồi không yên khi nhiều trường điểm vẫn “lập lờ” phương án tuyển sinh đầu cấp. Theo đó, sau khi Bộ GDĐT “cởi trói”, cho phép các trường đặc thù được tuyển sinh lớp 6 bằng hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực thì đầu tháng 4.2018, Sở GDĐT Hà Nội thông báo cho phép 16 trường đặc thù không phải thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh theo tuyến, có thể thực hiện xét tuyển kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào.

Quyết định ngay lập tức nhận được sự đồng tình, chia sẻ của nhiều lãnh đạo nhà trường, phụ huynh học sinh, đặc biệt là các trường luôn cố số lượng hồ sơ đăng ký cao gấp nhiều lần chỉ tiêu dự tuyển. Quy định này được dự đoán là sẽ gỡ bỏ mọi rào cản, khó khăn trong tuyển sinh đầu cấp.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, phương án thi hay không thi vẫn gây băn khoăn, tranh cãi. Trong khi nhiều trường như THCS Đoàn Thị Điểm, THCS - THPT Lương Thế Vinh, Trường THCS - THPT Marie Curie… lên phương án tuyển sinh bằng bài kiểm tra, đánh giá thì Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, THCS Cầu Giấy, THCS Thanh Xuân dự kiến sẽ tuyển sinh bằng phương án xét tuyển.

Lý do được trường chọn phương án xét tuyển học bạ đưa ra là để tổ chức cho học sinh thực hiện bài kiểm tra đánh giá năng lực cần có nhiều thời gian chuẩn bị cho ngân hàng câu hỏi. Bên cạnh đó, cần có đề minh họa từ sớm để học sinh tham khảo vì thế áp dụng kiểm tra ngay trong năm học này sẽ gây áp lực cho học sinh. Hơn nữa, cũng theo các trường thì việc tuyển sinh bằng phương án xét tuyển 3 năm qua vẫn đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, một lý do nữa là việc tổ chức kiểm tra, đánh giá có thể gây áp lực học thêm, luyện thi lên học sinh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và phụ huynh vẫn ủng hộ quan điểm nên tổ chức xét tuyển kết hợp đánh giá năng lực để có thể vừa xét quá trình vừa đánh giá toàn diện, hạn chế tiêu cực, chạy giải thưởng để được cộng điểm như mọi năm.

Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội Nguyễn Xuân Khang cho biết: “Quy chế cho phép kiểm tra đã mới “tháo” nhiều cái khó cho các trường đặc thù. Khi cấm thi dưới mọi hình thức, các trường có lượng học sinh đăng ký dự tuyển quá đông so với khả năng tiếp nhận không có cách nào khác là phải xem xét điểm cộng với những học sinh đoạt các giải thưởng. Tuy nhiên, kết quả sẽ không thể chuẩn xác bằng kiểm tra bởi thực tế có hiện tượng “chạy” trường, mua tiêu chí phụ.

Mặt khác, đối với hình thức xét tuyển học bạ, ông Khang cho rằng Bộ GDĐT vừa siết lại các quy định về công nhận giải thưởng trong các kỳ thi như vậy sẽ rất ít học sinh có giải thưởng phụ trong khi học bạ toàn điểm 10 lại rất nhiều. Vì thế, các trường sẽ vô cùng khó khăn khi không có căn cứ nào để xét tuyển, khó tìm ra sự khác biệt giữa các học sinh.

Tốn tiền triệu vì ôn thi theo kiểu đánh giá năng lực

Trước việc nhiều trường dự kiến không còn tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực, nhiều phụ huynh lo ngại “tiền mất, tật mang” bởi đã tốn tiền triệu cùng nhiều công sức cho con theo ôn thi kiểu đánh giá năng lực.

Một số khóa học cấp tốc gồm 16 buổi/tổ hợp được các trung tâm thông báo tuyển sinh có chi phí là 5,4 triệu đồng (khoảng 180.000 đồng/buổi học) áp dụng với một giáo viên dạy 3 học sinh. Nếu một giáo viên kèm một học sinh, học phí là 380.000 đồng cho một buổi kéo dài 90 phút. Cũng có nơi số lượng học sinh nhiều hơn thì thu với giá 280 đồng/buổi/2 tiếng.

TS Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT - nêu rõ bất cập xét tuyển lớp 6 nảy sinh khi vào một số trường có việc cộng thêm điểm ưu tiên dẫn đến nảy sinh những vấn đề không lành mạnh trong các cuộc thi.

Trước ý kiến cho rằng nếu cho phép kiểm tra, đánh giá năng lực, có thể tái diễn tình trạng luyện thi, ông Chuẩn nhìn nhận vẫn có thể xảy ra chuyện đó. Tuy nhiên, các trường đặc thù nên tuyển sinh bằng phương án làm bài kiểm tra, đánh giá năng lực kiến thức tổng hợp vì kết quả ít phụ thuộc vào chuyện học thêm.

Huyên Nguyễn (Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem