Từ vụ "nâng điểm thi rúng động": Kỳ thi “2 trong 1” đã hết sứ mệnh?

Đặng Nguyễn Thứ năm, ngày 19/07/2018 12:38 PM (GMT+7)
Sau sự cố gian lận điểm thi tại Hà Giang, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng kỳ thi “2 trong 1” đã thực sự hết sứ mệnh, nên trả kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương và việc xét tuyển ĐH, CĐ nên để các trường tự quyết.
Bình luận 0

Có quá nhiều “kẽ hở”

Khi quyết định gộp 2 kỳ thi vào làm 1 (thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ) vào năm 2015, Bộ GDĐT kỳ vọng đó sẽ là một bước ngoặt cho việc thi cử: Giảm gánh nặng chi phí, tinh thần cho thi sinh và toàn xã hội. Để thực hiện mục tiêu chung này, Bộ GDĐT hy vọng những người soạn đề thi sẽ thiết kế được một đề thi sao cho cùng một lúc đạt được mục tiêu của 2 kỳ thi: Vừa đánh giá đạt chuẩn, vừa có tính phân loại cao của người dự thi.

Nhằm “lọc” gian lận, Bộ GDĐT đã cải tiến đưa hình thức thi trắc nghiệm vào hầu hết tất cả các môn (trừ văn), tạo tổ hợp bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Tuy nhiên, thực tế những năm qua, đề thi THPT quốc gia không đạt được như kỳ vọng.

Năm 2017, hiện tượng “mưa điểm 10”, thí sinh 29, 30 điểm không đỗ đại học đã làm dư luận hết sức hoang mang. Để chấn chỉnh tình trạng này, năm 2018, Bộ GDĐT đã mở rộng “quy mô” đề thi sang cả chương trình lớp 11, tăng mức độ khó của đề thi để phân hóa thí sinh.

Tuy nhiên, đề thi khó lại là tác nhân phát hiện ra tiêu cực gian lận điểm thi động trời ở Hà Giang. Sự cố này ngoài việc gây hoang mang dư luận, còn “đánh sập” niềm tin của các trường ĐH, CĐ trong việc lấy kết quả thi này để xét tuyển.

img

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Nội.  (Ảnh: Đàm Duy )

TS toán học Lê Thống Nhất - người sáng lập hệ thống trường BigSchool cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia có quá nhiều “kẽ hở”. Theo TS Nhất, từ khâu coi thi in sao đề thi, niêm phong phiếu trả lời trắc nghiệm đến việc chuyển bản file ảnh chuyển qua file text để giảm dung lượng… Mặc dù được cho là đã “số hóa”, nhưng ở tất cả các khâu này yếu tố con người đều có thể can thiệp được một cách dễ dàng.

“Không chỉ môn trắc nghiệm, ở môn tự luận duy nhất (môn văn) cũng có “kẽ hở” để tiêu cực. Cụ thể, theo TS Nhất, tâm lý "tinh thần tỉnh nhà" có thể dễ dàng khiến các giám khảo cùng chấm lỏng hơn và từ chấm chặt chuyển sang chấm lỏng thì điểm số có thể sai, khác nhiều” - TS Nhất nói.

Tương tự, PGS-TS Nguyễn Thế Hưng (giảng viên thuộc Bộ môn Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng, ngoài việc chấm nhanh, gọn và không có sự can thiệp của người chấm (tính khách quan) thì hình thức thi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn có rất nhiều hạn chế.

Theo ông Hưng, hạn chế đầu tiên là việc chuyển địa điểm thi, giao việc coi thi, chấm thi cho địa phương.

“Khi Bộ đưa ra quyết định này, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo và nghi ngờ về tính khách quan. Tuy nhiên, Bộ khẳng định khi có công an vào cuộc, trường ĐH tham gia cùng và đặc biệt là chuyển sang thi trắc nghiệm thì rất khó để có tiêu cực. Nhưng, sự việc ở Hà Giang đã chứng minh điều ngược lại” - PGS Hưng nói.

Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, hình thức thi trắc nghiệm bản chất của nó rất ưu việt, nhiều nước đã thực hiện thành công. Tuy nhiên, khi tổ chức ở Việt Nam, ngoài yếu tố con người thì việc trắc nghiệm trên… giấy là một điểm yếu.

“Nếu hình thức thi trắc nghiệm được sử dụng hoàn toàn trên máy tính, thí sinh tích đáp án và cập nhật luôn vào hệ thống không qua trung gian. Cách làm này giống kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM thì chắc chắn sẽ không thể gian lận” - một chuyên gia phân tích.

Nên chấm dứt thi 2 chung

"Khi Bộ không phải “ôm” mọi thứ nữa sẽ có thời gian và dồn lực để thực hiện sứ mệnh quản lý nhà nước về giáo dục, khi mà công việc này đang đòi hỏi sự chỉ đạo và quản lý rất kịp thời… chứ không chỉ quanh quẩn quanh 1 kỳ thi”.

TS Lê Thống Nhất

Thực tế cho thấy, từ thông tin của Bộ GDĐT, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2018 đạt 97,57%. Tỷ lệ cao gần như tuyệt đối đã phản ánh một thực trạng khách quan: Ngày nay tốt nghiệp THPT mang tính phổ cập.

Vì vậy, sau sự cố gian lận điểm thi ở Hà Giang, các chuyên gia cho rằng, Bộ GDĐT nên xem xét việc chấm dứt kỳ thi “2 trong 1”, trả việc xét tuyển ĐH, CĐ về cho các trường.

TS Nhất cho biết, ưu điểm duy nhất của "2 trong 1" là tiết kiệm chi phí, sức lực cho phụ huynh, nhưng khi kết quả của con em bị thua thiệt do các tiêu cực thì việc tiết kiệm này lại hoàn toàn không cần thiết. Điều này cũng làm cho các trường ĐH quá bị động và nghi ngờ kết quả xét tuyển của mình.

Theo TS Nhất, phương án được nhiều chuyên gia đưa ra là nên giao quyền xét tốt nghiệp THPT cho các Sở GDĐT, nếu Luật Giáo dục yêu cầu thi thì Sở tổ chức thi hoặc không thì xét… Giao quyền tuyển sinh ĐH cho các trường và cho phép trường tự chủ phương án tuyển sinh, Bộ chỉ cần duyệt.

Tương tự, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT cũng cho rằng, hiện nay Bộ GDĐT đã thực hiện lộ trình tự chủ trong các trường ĐH, các trường được quyền tự chủ tuyển sinh, do vậy các trường có thể xem kết quả thi THPT quốc gia như một kết quả để tham khảo và có thể dùng có thể không dùng.

“Bộ GDĐT nên chỉ quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp, còn thi ĐH là trường phải chọn những thí sinh có tố chất phù hợp với những ngành nghề các em sẽ học. Yêu cầu về thí sinh như thế nào thì chỉ có các trường mới có thể trả lời được?” - TS Nhất nói.

Còn PGS Hưng thì cho rằng, các năm tới không nên duy trì việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia theo cơ chế 2 trong 1. Bởi vì, tổ chức theo cơ chế này vừa rất tốn kém, vừa không thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, nếu số lượng thí sinh ít, càng dễ dàng cho công tác tổ chức thi theo hướng khách quan, công bằng.

GS.NGND Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT: Để các trường ĐH tự lo đề thi

Với kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT chỉ nên thực  hiện nhiệm vụ hướng dẫn việc tổ chức và ra đề thi. Bộ nên giao cho các Sở GDĐT ở địa phương chỉ đạo các trường tự lo khâu tổ chức thi. Học sinh học ở trường nào thì sẽ đến trường đó thi, không phải đi đâu xa. Việc công nhận tốt nghiệp THPT sẽ do Sở GDĐT địa phương xác nhận.

Còn các trường ĐH, CĐ sẽ thực hiện việc tự chủ trong tổ chức thi, xét tuyển để chọn lọc thí sinh phù hợp với nhu cầu đào tạo của mình. Học sinh muốn thi vào trường nào thì tự nộp đơn vào trường đó. Riêng đề thi vào các trường ĐH, CĐ thì Bộ GDĐT nên để cho các trường tự lo vì mỗi một trường có những đặc thù, cần tuyển sinh theo nhu cầu đào tạo khác nhau.

PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội: Cần cân nhắc kỹ

Việc có nên duy trì tiếp kỳ thi “2 trong 1” hay không cần phải được xem xét, cân nhắc và có sự thống nhất kỹ lưỡng từ địa phương, trường học. Nếu việc thi, công nhận tốt nghiệp THPT và giao về cho các địa phương được thực hiện nghiêm túc và đơn giản thì chúng ta chỉ còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Kỳ thi này chắc chắn cũng sẽ phải thực hiện nghiêm túc để chọn lọc thí sinh giỏi vào trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem