Khối ngành nông lâm: Đảm bảo chất lượng đầu ra

Hà My Thứ tư, ngày 15/08/2018 06:00 AM (GMT+7)
Các trường đại học có khối ngành nông – lâm đều đồng loạt xét tuyển nguyện vọng bổ sung vì thiếu thí sinh, dù nguyện vọng 1 đã có điểm chuẩn “chạm sàn”.
Bình luận 0

img

Sinh viên khoa nông học Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên thực tập tại mô hình trồng rau. Ảnh:  KLH

Coi trọng chất lượng đào tạo

Việc tuyển sinh của các trường Đại học (ĐH) có các ngành liên quan tới nông, lâm nghiệp luôn là bài toán đau đầu những năm gần đây. Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã công bố điểm chuẩn của năm 2018. Cụ thể, nhiều ngành đặc thù về nông nghiệp phải lấy điểm ở mức 14 - 15 điểm như: Bảo vệ thực vật, chăn nuôi, phát triển nông thôn, nuôi trồng thủy sản, kinh tế nông nghiệp, khoa học môi trường, quản lý đất đai... Các ngành khác như công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thực phẩm, khoa học đất… lấy từ 16  -  18 điểm. Trong đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất là sư phạm kỹ thuật nông nghiệp lấy 21 điểm.

Trường cũng quy định nếu học sinh thuộc diện ưu tiên theo đối tượng và khu vực (nếu có) được cộng điểm theo quy định: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng là 1 điểm và giữa các khu vực kế tiếp là 0,25 điểm.

Tương tự, ĐH Lâm Nghiệp năm 2018 chọn cả 2 phương thức xét điểm thi THPT Quốc gia và kết quả  học tập THPT tại cả 2 cơ sở Hà Nội và Đồng Nai. Với phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT, điểm chuẩn nhà trường công bố là 15 điểm cho các ngành  thuộc chương trình tiến tiến (ngành quản lý tài nguyên thiên nhiên), ngành chất lượng cao (các ngành công nghệ sinh học, công nghệ chế biến lâm sản, lâm học, kỹ thuật cơ khí). Còn lại toàn bộ các ngành khác, trong đó có nhiều ngành đặc thù liên quan tới lâm nghiệp chỉ có mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 13.

Đối với phương thức xét tuyển theo kết quả học tập bậc THPT, điểm sàn xét tuyển tương ứng là 18 điểm (yêu cầu tiếng Anh lớp 12 đạt 7 điểm) và 15 điểm.

Tương tự, điểm trúng tuyển các ngành khối nông, lâm của ĐH Cần Thơ cũng ở mức thấp nhất so với mặt bằng chung của trường. Cụ thể, các ngành khoa học đất, toán ứng dụng, kỹ thuật vật liệu, vật lý kỹ thuật, kỹ thuật công trình thủy, kỹ thuật tài nguyên nước, công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, phát triển nông thôn, lâm sinh lấy điểm trúng tuyển 14 - 15.25 điểm.

Đối với ĐH Đà Lạt, trường có 4 ngành liên quan tới nông nghiệp, tình hình cũng không khả quan hơn là bao. Cả 4 ngành nông học, công nghệ sinh học, khoa học môi trường và công nghệ sau thu hoạch đều lấy mức điểm 14. Tại Trường ĐH Vinh, các ngành nông học, nuôi trồng thủy sản, khoa học môi trường, quản lý tài nguyên và môi trường; quản lý đất đai, khuyến nông, chăn nuôi đều lấy 13,5 điểm.

Phải có chính sách thu hút thí sinh

“Hiện tại ở quê em có nhiều người học ĐH những vẫn về quê làm giàu bằng nông nghiệp. Chính vì vậy, em cũng nuôi giấc mơ sẽ đi học để có kiến thức sâu về nông nghiệp sau này về làm giàu ở chính quê mình”, bạn Trần Quang Minh (Học sinh lớp 12, Thọ Xuân, Thanh Hóa)

Theo thạc sĩ Nguyễn Tất Thắng - Phó Trưởng Ban Công tác chính trị, công tác sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, điểm chuẩn của trường chỉ là mức để trường nhận hồ sơ theo nguyện vọng của thí sinh. 

Theo kinh nghiệm và quá trình tổ chức đào tạo, học viện có nhiều sự bổ trợ cho sinh viên khi học như kiến thức công nghệ cao, kỹ năng mềm, kỹ năng tin học - ngoại ngữ... Với 80% số giảng viên được đào tạo tại các nước tiên tiến, Học viện luôn ưu tiên đặt chất lượng giảng dạy lên hàng đầu. Sinh viên được sử dụng các cơ sở vật chất hiện đại, được học, thực tập ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ngoài ra sinh viên còn được tham gia các hoạt động định hướng nghề nghiệp. Vì vậy, có thể đảm bảo được chất lượng đầu ra của sinh viên, cho dù điểm đầu vào ở mức khá thấp.

“Trường muốn thu hút nguồn lực như các em học giỏi, thí sinh ở các vùng quê mà có đam mê trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các em sẽ là những thế hệ tiếp theo cải tạo lại nền nông nghiệp Việt Nam bằng những gì các em học được tại học viện và qua quá trình trao đổi thực tập sinh ở nước ngoài” – ông Thắng nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn – T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho rằng vẫn cần nhiều hơn nữa nguồn lao động nông nghiệp chất lượng cao.

“Trong thời kỳ nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng áp dụng công nghệ mới như hiện nay thì nguồn lao động chất lượng cao là yếu tố then chốt. Đặc biệt là các bạn trẻ hiện nay cũng không ngại việc “chân lấm, tay bùn”, sẵn sàng bỏ thành phố để về quê lập nghiệp bằng nông nghiệp. Theo tôi, đó là một tín hiệu tốt của ngành giáo dục. Tôi từng gặp nhiều bạn trẻ làm giàu bằng nông nghiệp nhờ vào sức trẻ, khả năng làm quen, tiếp thu kiến thức mới” – bà Hương chia sẻ.

Cũng theo bà Hương, hiện tại nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang tích cực đầu tư vào nông nghiệp sử dụng các ứng dụng công nghệ cao. Những đối tượng này đang “khát” nguồn lao động trẻ, có khả năng sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại. Vì vậy sinh viên nông nghiệp không sợ đầu ra, mà chỉ sợ rằng không đủ chất lượng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Nói về điểm đầu vào các ngành này thấp, bà Thanh Hương cho rằng một phần lý do các trường chưa thực sự “hút” được các thí sinh có học lực tốt. Ngành nông nghiệp Việt Nam hiện tại vẫn còn nhiều tiềm năng cần được tận dụng, tuy nhiên phải làm cho các bạn trẻ hiểu được giá trị của ngành này thì mới có hy vọng tăng chất lượng đầu vào.

Ngành nông, lâm không hề đáng sợ!

“Nhiều học sinh khi lựa chọn xét tuyển thường rất “e dè” với khối trường nông, lâm nghiệp vì tâm lý sợ sẽ phải... “chân lấm tay bùn” như bố mẹ. Tuy nhiên, vào học rồi, được định hướng nghề nghiệp, cọ sát thực tế em đã nhận ra ngành nông, lâm thực sự rất thú vị và không hề đáng sợ.  Hiện trường em cũng có nhiều chương trình phối hợp, liên kết đào tạo, tạo “đầu ra”cho sinh viên sau khi ra trường nên không sợ không kiếm được việc làm”.

Nguyễn Nhật Hiếu (Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

Thu hút thí sinh có học lực tốt

"Ngoài việc liên tục xây dựng các chương trình, chính sách thu hút thí sinh có học lực tốt, nhà trường cần phải rèn giũa đội ngũ giảng viên, nâng cao cơ sở vật chất và xây dựng các chính sách ưu đãi cho sinh viên theo học các ngành này. Đặc biệt, trong quá trình học tập, nhà trường cần đầu tư máy móc, chương trình, mô hình mới, không chỉ về mặt lý thuyết. Để khi sinh viên ra trường, có thể tiếp cận và làm việc được ngay với các máy móc, ứng dụng công nghệ cao”.

Bà Lê Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn
– T.Ư Hội NDVN

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem