Giàn khai thác "Biển sâu số 1" khổng lồ - "vũ khí mềm" để Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông?

Tiến sỹ Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban Ban Biên giới Chính phủ Thứ năm, ngày 10/06/2021 17:07 PM (GMT+7)
Trung Quốc đã hoàn tất lắp đặt thiết bị lên giàn khai thác "Biển sâu số 1" lớn gấp 3 lần giàn Hải Dương 981 và dự định đưa ra một khu vực rất nhạy cảm trên Biển Đông, gây quan ngại và cảnh giác về một "cuộc chiến xâm lược" mới do Trung Quốc bài binh bố trận,
Bình luận 0

 Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tin từ Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết, việc lắp đặt các thiết bị lên giàn "Biển sâu số 1" đã hoàn tất hôm 29/5/2021. Giàn sẽ được kéo ra khu vực mỏ khí Lăng Thủy ngoài khơi đảo Hải Nam trong tháng 6 và bắt đầu khai thác trong cùng tháng; ước tính mỗi năm giàn "Biển sâu số 1" có thể khai thác 3 tỉ m3 khí tự nhiên. Đây là giàn khai thác dầu khí cơ động, nửa nổi nửa chìm, lớn nhất thế giới, có trọng lượng gần 100.000T, lớn gấp 3 lần giàn HD-981 nặng 30.000 tấn.

Việc Trung Quốc dùng 3 tàu kéo để lôi giàn "Biển sâu số 1" xuống Biển Đông  khiến dư luận đặc biệt quan tâm, với nhiều ý kiến bình luận  khác nhau, không chỉ về  kết cấu nửa nổi nửa chìm, có khả năng cơ động trên biển của nó, mà cái chính là về tình trạng  pháp lý của vùng  biển  nơi giàn khai thác đang hiện diện.

Giàn khoan "Biển sâu số 1", loại "vũ khí mềm" để Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông? - Ảnh 1.

Trung Quốc đã hoàn thành lắp đặt giàn khoan Biển sâu số 1. Ảnh: CNOOC.

Chúng tôi xin  cung cấp thông tin, đồng thời nêu một số nhận xét có liên quan đến thực trạng pháp lý của khu vực giàn "Biển sâu 01" đang hoạt động:

Vùng chồng lấn và trung tuyến được sử dụng như thế nào trong đàm phán phân định ranh giới vùng chồng lấn?

Để xác định giàn khai thác dầu khí này đang hoạt động ở vùng biển nào không thể chỉ nhìn vào một vị trí được minh họa trên sơ đồ mà nên xem xét mối liên hệ của vị trí này trong tổng thể của một khu mỏ khí có tên gọi là "Lăng Thủy". Thực chất đây là vị trí của một trong các lô dầu khí không thể  tách rời của  khu  mỏ  khí, bao gồm các  lô Lăng Thủy 17-2, Lăng Thủy 25-1, Lăng Thủy 18-1 và Lăng Thủy 18-2  được Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động thăm dò, nghiên cứu  đánh giá trữ lượng từ trước, nhất là từ sau năm 2015.

Phạm vi khu mỏ khí Lăng Thủy nằm trong phạm vi biển ở cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam tuyên bố năm 1982 khoảng 120 hải lý; cách đường cơ sở ven bờ đảo Hải Nam Trung Quốc khoảng 70 hải lý; cách đảo Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp khoảng 84 hải lý.  

Với khoảng cách địa lý như vậy thì  phạm vi khu mỏ Lăng Thủy  có thể hoàn toàn hay từng phần có liên quan đến  phạm vi vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải do Trung Quốc và Việt Nam công bố. Trong trường hợp này, nếu sử dụng cái gọi là "trung tuyến giả định" để phân chia quyền  và nghĩa vụ của hai bên trong khi đang đàm phán phân định vùng chồng lấn ở ngoài của vịnh Bắc Bộ  có phải là phương án phù hợp với quy định của UNCLOS1982 không?

Theo quy định của UNCLOS 1982, vùng chồng lấn được tạo thành bởi phạm vi của Lãnh hải, vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa giữa 2 quốc gia ven biển nằm đối diện hay liền kề nhau. Các bên cần cùng nhau tiến hành  đàm phán  phân định ranh giới vùng chồng lấn này.  Khi đang  đàm phán mà chưa thống nhất được ranh giới cuối cùng thì không bên nào được tự ý đơn phương tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác hay bất cứ hành động nào để khẳng định chủ quyền,  quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trong toàn bộ các vùng biển chồng lấn đó. 

Nếu muốn có hoạt động thăm dò, khai thác hay các hoạt động kinh tế - khoa học… trong vùng chồng lấn, nhất thiết phải được thỏa thuận giữa 2 bên về một "giải pháp tạm thời có tính thực tiễn", và khi áp dụng giải pháp này, không được làm ảnh hưởng đến quá trình đàm phán phân định theo nguyên tắc công bằng mà hai bên có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, quy định việc hoạch định vùng lãnh hải chồng lấn khác với vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn.

Tại  Điều 15 của UNCLOS1982 đã quy định về việc hoạch định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau:"Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có sự thỏa thuận ngược lại,  quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần phải hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia một cách khác". Trong khi đó, viêc hoạch định vùng  đặc quyền kinh tế chồng lấn thì UNCLOS 1982  không có quy định nào đề cập đến đường trung tuyến theo nghĩa được coi là giới hạn tạm thời để phân biệt vùng biển của bên này hay bên kia.

Tại  Điều 74 của UNCLOS1982, đã quy định về việc  hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau:

       1. Việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng  pháp luật quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng.

        2. Nếu không đi tới được một thỏa thuận trong một thời gian hợp lý thì các quốc gia hữu quan sử dụng các thủ tục nêu ở phần XV.

        3. Trong khi chờ ký kết thỏa thuận ở khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoán quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến hoạch định cuối cùng.

         4. Khi một điều ước đang có hiệu lực giữa các quốc gia hữu quan, các vấn đề liên quan đến việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế được giải quyết theo đúng điều ước đó.

Cho đến nay, trong đàm phán phân định vùng biển chồng lấn  ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, Việt Nam và Trung Quốc chưa thống nhất áp dụng đường trung tuyến, dù là một đường tạm thời hay một đường phân định cuối cùng. Cho nên, nếu đơn phương dùng "trung tuyến giả định" để phân biệt phạm vi biển thuộc bên này hay bên kia khi xử lý các quan hệ xẩy ra trong vùng chồng lấn, thì có thể được hiểu đó là sự áp đặt đơn phương về  đường phân định mà trong đàm phán cả 2 bên chưa đưa ra hoặc đã đưa ra mà một bên chưa chấp nhận. Điều này  trái với quy định của Điều 74, UNCLOS1982;  sẽ gây khó khăn, bất lợi, kể cả trong khi đang đàm phán, lẫn  ứng xử trên thực tế… Tuy vây, trong thực tế, nhiều  người vẫn sử dụng "trung tuyến giả định" để khi đánh giá và đề xuất phương án xử lý các hoạt động có liên quan đế khu mỏ Lăng Thủy ở ngoài cửa vịnh  Bắc Bộ.

Vấn đề xác định phạm vi các vùng biển có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa

Vị trí giàn khai thác được kéo xuống  phạm vi cách Đá Bắc khoảng  84 hải lý có nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) không, nếu tình từ đảo Đá Bắc, một điểm cơ sở của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã quy định  hệ thống đường cơ sở cho quần đảo theo tiêu chuẩn "Quốc gia quần đảo"? 

Câu trả lời là không thể. Bởi vì, theo quy định của UNCLOS1982  về hiệu lực của các thực thể địa lý thuộc quần đảo xa bờ, không phải là quốc gia quần đảo, khi thiết lập đường cơ sở để xác định các vùng biển của từng thực thể, nếu đáp ứng đúng tiêu chuẩn của một đảo theo Điều 121, UNCLOS1982, thì quốc gia có chủ quyền có quyền vạch đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của từng đảo đó; và nếu các đảo đó quá nhỏ bé, không thích hợp cho đời sống con người và không có đời sống kinh tế riêng thì chúng không có vùng đặc quền kinh tế và thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý tính từ đường cơ sở của chúng.

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam không phải là "Quốc gia quần đảo", và xét từ nguồn gốc sơ khai, các thực thể địa lý ở đây đều rất bé nhỏ, không thích hợp cho đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư và không có đời sống kinh tế riêng, nên chúng không có hiệu lực để có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý theo cách giải thích và áp dụng sai UNCLOS1982 của Trung Quốc nhằm biện minh cho yêu sách phi lý mang tên "lưỡi bò".

Chọn vị trí này để kéo "Biển sâu 01" vào hoạt động  khai thác khí đốt, một lần nữa, Trung Quốc đã  giăng bẫy pháp lý hòng tìm cách  giành lấy sự công nhận trên thực tế quan điểm pháp lý sai trái của mình giống như vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 mà chúng tôi đã có dịp phân tích cảnh báo khi Trung Quốc hạ đặt tại một vị trí cách đảo Tri Tôn (một đảo đá nằm về phía cực Nam của quần đảo Hoàng Sa) 18 hải lý, với tính toán cho rằng đảo đá này không chỉ có lãnh hải 12 hải lý  mà  còn có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa ở phía ngoài ranh giới lãnh hải 12 hải lý đó.

 Tình hình Biển Đông có những diễn biến ngày càng phức tạp bởi những toan tính và hành xử của các bên có liên quan, nhất là trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay. Sự kiện giàn khai thác dầu khí "Biển sâu 01"có thể cơ động trên biển tại một khu vực rất nhạy cảm, khiến người ta không thể không quan ngại và  cảnh giác về một"cuộc chiến xâm lược" mới do Trung Quốc bài binh bố trận, với việc đưa vào sử dụng một loại "vũ khí mềm" mang tên "Biển sâu số 1" hết sức nguy hiểm…

Cảnh giác, thận trọng, khách quan  khi xem xét, đánh giá các hoạt động trên Biển Đông, nhất là ở những khu vực nhạy cảm, các vùng biển, đảo đang có nhận thức khác nhau hay đang có tranh chấp là điều hết sức cần thiết, không thể xem nhẹ, càng không thể dựa theo cảm tính. Đúng như phát biểu của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 11, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: "…phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua…" 

Tuy nhiên, phân tích, dự báo có căn cứ  khoa học, khách quan, thận trọng, không đồng nghĩa với thái độ né tránh, hời hợt, chủ quan, "dĩ hòa vi quý", chỉ để phục vụ cho động cơ chính trị không trong sáng nào đó khi mà Trung Quốc đang  lợi dụng khó khăn do đại dịch gây ra cho nhân loại  để triển khai cuộc "xâm lược mềm" tiến xuống Biển Đông bằng việc sử dụng các "vũ khí mềm", thông qua hoạt động dân sự, kinh tế, thăm dò, nghiên cứu khoa học, khai thác tài nguyên biển…; kết hợp với những chiến  thuật ngoại giao, pháp lý, để giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh địa-chính trị, địa- kinh tế, địa- chiến lươc tại  khu vực Biển Đông.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem