Mùa khô bất ổn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Giải pháp điều tiết mặn-ngọt nằm trong vốn sống của nông dân (Bài 6)

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 19/04/2024 06:09 AM (GMT+7)
Trong mùa khô năm 2024, nhiều địa phương ở ĐBSCL kiến nghị, đề xuất các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ làm loạt dự án cống ngăn mặn, vận chuyển nước, trữ nước sinh hoạt với nguồn kinh phí rất lớn.
Bình luận 0

Địa phương kiến nghị xây dựng loạt dự án ngăn mặn

Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về tình hình bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, phòng chống xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL được tổ chức tại Tiền Giang, trong phần phát biểu của mình, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh mong muốn làm thêm các cống ngăn mặn đi qua địa bàn.

Mùa khô bất ổn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Giải pháp điều tiết mặn-ngọt nằm trong vốn sống của nông dân (Bài 6)- Ảnh 1.

Tỉnh Tiền Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí 887 tỷ đồng để làm 3 cống, gồm Trà Tân, Ba Rài và Phú An. Những cống này cùng với 6 cống trên đường tỉnh 864 đã đầu tư và cống âu Nguyễn Tấn Thành chuẩn bị hoàn thành sẽ khép kín vùng dự án Bảo Định. Trong ảnh là cống âu Nguyễn Tấn Thành khi đang thi công. Ảnh: Huỳnh Xây

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ sớm hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện. Cụ thể là tỉnh muốn làm các cống còn lại trên tuyến Nam Sông Hậu thuộc địa bàn huyện Kế Sách, các cống trên tuyến Quản Lộ Phụng Hiệp để bảo vệ trên 100.000ha đất sản xuất vùng trũng.

Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng cũng mong muốn được bổ sung kinh phí khoảng 10 tỷ đồng để cấp nước sinh hoạt nông thôn các huyện ven biển.

Liên quan đến tình trạng hạn mặn trong mùa khô năm 2024, ông Đỗ Minh Điền - Chi Cục phó Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, UBND tỉnh Cà Mau đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cho sửa chữa Âu thuyền Tắc Thủ và các cống trên Quốc lộ 1A.

Đồng thời, xây dựng hệ thống thủy lợi dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau thông qua hệ thống trạm bơm. Việc tiếp ngọt này sẽ thực hiện vào cuối tháng 12 năm trước và đầu tháng 1 năm sau.

UBND tỉnh Cà Mau còn kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí gần 242 tỷ đồng để đầu tư dự án cấp nước sạch sinh hoạt khu vực nông thôn, dự kiến có khoảng 13.900 hộ dân được hưởng lợi.

Chưa dừng lại ở đó, tỉnh Cà Mau cũng muốn xây dựng 5 hệ thống thủy lợi để chủ động trong việc điều tiết trong nội vùng nước ngọt, với kinh phí khoảng 197 tỷ đồng.

"Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định chi 10 tỷ đồng cho 3 huyện thiếu nước nghiêm trọng. Anh em đang triển khai quyết liệt để hỗ trợ bà con vùng thiếu nước với khoảng 13.900 hộ dân thiếu nước. Đặc biệt tại địa phương có 2.620 hộ dân không được tiếp cận nguồn nước phải mua nước sinh hoạt 40.000-50.000 đồng/m3" - ông Điền thông tin.

Ông Điền nói thêm, Cà Mau là tỉnh có 3 bên giáp biển, là tỉnh duy nhất trong 13 tỉnh ĐBSCL không có nguồn nước ngọt bổ sung, hạn hán khốc liệt qua các năm qua và năm nay ảnh hưởng rất lớn với đời sống người dân.

Theo phóng viên tìm hiểu, UBND tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí 887 tỷ đồng để làm 3 cống, gồm Trà Tân, Ba Rài và Phú An. Những cống này cùng với 6 cống trên đường tỉnh 864 đã đầu tư và cống âu Nguyễn Tấn Thành chuẩn bị hoàn thành sẽ khép kín vùng dự án Bảo Định, bảo vệ khoảng 130.000ha, trong đó có 70.000ha diện tích cây ăn trái giá trị kinh tế cao của tỉnh Tiền Giang.

Mùa khô bất ổn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Giải pháp điều tiết mặn-ngọt nằm trong vốn sống của nông dân (Bài 6)- Ảnh 2.

Trong mùa khô 2024, người dân xã Phú Tân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đi kiếm nguồn nước sinh hoạt trở về nhà. Ảnh: Huỳnh Xây

Tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí 160 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng các ao trữ nước sinh hoạt tại huyện Tân Phú Đông và hỗ trợ dự kiến 300 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng các ao trữ nước sinh hoạt tại huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công.

Để tiền không "đổ sông đổ biển" rồi phải khắc phục hậu quả ở những năm sau

Trao đổi với phóng viên Dân Việt về vấn đề mùa khô năm 2024 với những điểm nóng, TS Dương Văn Ni - chuyên gia đa dạng sinh học vùng ĐBSCL chia sẻ, khi nói đến nguồn nước, phải phân biệt 4 loại nước gồm nước dùng để uống, nước dùng tắm giặt, nước dùng cho sản xuất và nước sinh thái.

Mùa khô bất ổn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Giải pháp điều tiết mặn-ngọt nằm trong vốn sống của nông dân (Bài 6)- Ảnh 3.

Nguời dân nuôi tôm vùng nước mặn ở tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Huỳnh Xây

Về nước sản xuất, nếu nước nhiễm mặn quá cao, từ trước đến nay, người dân ĐBSCL dùng làm muối, nếu nước mặn nhẹ hơn thì nuôi tôm sú, nếu nước lợ nuôi tôm càng xanh, không mặn thì trồng lúa.

Trong trường hợp, nước mặn xâm nhập sớm làm cho lúa chết, người dân cũng sử dụng nguồn nước mặn để thả tôm, gỡ được thất bại từ cây lúa. 

Như vậy, sinh kế của người dân rất đa dạng, theo các cấp độ của nguồn nước. Nếu ngăn mặn bằng cách nào đó, tức là bắt người dân chỉ đi theo sinh kế của nguồn nước ngọt. Cũng vì vậy mà mùa khô năm nào không có nước ngọt thì người dân không có phương án tiếp tục, sinh kế bị giới hạn.

Về nước tắm giặt, trong mùa khô, nhiều năm trước đây, người dân xuống dưới sông tắm khi có nguồn nước mặn, rồi lên dội lại lượng ít nước ngọt là xong (ngay cả nước sinh hoạt, người dân cũng đã dung hòa giữa mặn với ngọt). Nếu không cho nước mặn vô, lượng nước trong nội đồng khô cạn, người dân muốn tắm bằng nước mặn cũng không có nữa.

Về nước dùng để uống, người dân đã có thói quen trữ bằng lu mỗi khi mùa mưa đến. Vì vậy, ở vùng nông thôn, thường thấy nhà nào cũng có lu chứa nước và thông thường gia đình có mấy người, sẽ có số lượng lu tương ứng.

"Vì sao mỗi lu chứa 200 lít nước mưa. Bởi mùa khô gay gắt nhất chỉ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6, tức là 3 tháng. Trung bình, mỗi người dùng 2 lít/ngày thì 3 tháng dùng 180 lít, 20 lít còn lại để bốc hơi' - ông Ni nói.

Về nước sinh thái là loại nước cần để bốc hơi, làm nhiệt độ không khí hạ xuống, giữ tầng đất ổn định, không co ngót. Vì lý do nào đó, thiếu lượng nước này, nhiều nơi ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) và vùng đệm U Minh Thượng (Kiên Giang) sụt lún, sạt lở nhiều nơi.

Ông Ni nói: "Tôi phân tích ra các vấn đề trên là vì muốn nói người dân ở ĐBSCL đã biết nước mặn phải làm gì, nước lợ và nước ngọt cần làm gì. Vấn đề này đã có sẵn, giải pháp không đâu xa, nằm trong vốn sống của người dân. Riêng người dân bắt cá cũng biết mùa nào dùng dụng cụ gì và bắt loại cá nào".

Theo ông Ni, hạn mặn xảy ra ở ĐBSCL cách nay khoảng 6.000 năm. Trong khoảng thời gian này, người dân đã hình thành nên vốn kinh nghiệm sống chung rất hay đang được lưu giữ trong cộng đồng, sau khi trả giá qua nhiều thất bại, qua nhiều đời mới có được. Do vậy, rất cần phát huy vốn kinh nghiệm trên.

"Nếu muốn chuyển ngọt hoàn toàn mà đến mùa khô không còn giọt nào thì chuyển ngọt làm gì. Và đến lúc nào đó, khi cho nước mặn trở lại thì người dân không còn thích nghi nữa, không biết sống sao bởi quen dần với nguồn nước ngọt quanh năm" - ông Ni nhấn mạnh.

Chuyên gia đa dạng sinh học vùng ĐBSCL nói thêm: "Nên nhớ, về kỹ thuật, không có giải pháp này thì còn giải pháp khác, còn tri thức bản địa không thể thay thế được, không thể lấy tri thức chỗ này thay thế tri thức chỗ kia. Bởi vậy mới có câu "lão nông tri điền", chỉ có ông nông dân mới biết thửa ruộng của mình hơn những người khác".



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem