Là phụ nữ, đừng bao giờ nói: Tôi khổ hơn nhiều!

Thu Hà Chủ nhật, ngày 13/08/2017 15:32 PM (GMT+7)
Bởi vì những khó khăn, những khổ đau và mệt mỏi, là thứ chẳng bao giờ có thể đo được.
Bình luận 0

“Tao cũng bị thế mà tao có sao đâu!”; “Chuyện có gì đâu!”“Tao còn khổ hơn mày nhiều!”; "Sướng vậy rồi còn kêu!"

Đong đếm thế nào được nhỉ? Nếu nói tao ít tiền hơn mày, tao bị té gẫy nhiều xương hơn mày... thì còn đếm được, chứ khổ hơn, hay đau hơn, thì ai mà đo đếm được.

Chuyện chả có gì với người này, nhưng nó lại rất là gì với người khác. Việc đó chả là gì lúc này nhưng nó lại rất là gì lúc khác.Câu nói đó chả là gì giữa 2 người này, nhưng lại rất là gì với 2 người khác.

Thường thì ai càng nhạy cảm, càng thông minh, càng tinh tế, thì càng đau đớn hơn.

Những người càng thương yêu nhau, càng dễ dằn vặt và hành hạ nhau hơn.

Đo những điều đó, tôi không tin vào con số.

img

Hình minh họa

Nhớ tháng trước, một người bạn tôi hỏi các con tôi - bé Xu Sim thích nhận quà gì vào sinh nhật? Xu trả lời thích một đôi giày thể thao adidas. Sim trả lời thích cuốn Harry Potter tập 6.

Xu Sim được tôi tặng 2 món quà mà 2 nàng mơ ước, quà Xu giá hơn 3 triệu, quà Sim giá 200 ngàn. Bạn tôi bảo: “Phải tìm mua thêm cho Sim thứ gì đó có giá tiền tương đương của Xu chứ. Con cái là phải công bằng!"

Ồ, tất nhiên con cái là phải công bằng! Nhưng công bằng đâu phải là bằng nhau về tiền?

Tôi biết lúc này, Xu và Sim đều đang hạnh phúc. Thậm chí sự hài lòng với cuốn Harry Potter của Sim có khi còn lớn hơn sự hài lòng của Xu với đôi giày hơn 3 triệu. Và tôi biết Sim cũng hài lòng về mẹ nhiều hơn cả Xu nữa.

Cái ngưỡng đau khổ và hạnh phúc trong mỗi người nó khác nhau.

Tôi nhớ ngày xưa, tôi cũng đi dạy, đứng lớp quản 30 – 40 học sinh ngon ơ. Cháu chắt, anh em trong họ hàng có điều gì, tôi thủ thỉ tâm sự, thấu tình đạt lý. Bạn đọc gửi cho tôi hàng ngàn email, điện thoại, rất nhiều những chuyện không bao giờ dám kể với bố mẹ thì các em nói được dễ dàng với tôi.

Tôi nghĩ tôi ngon. Tôi nghĩ, ồ mình sẽ dạy con được.

Cho tới khi tôi sinh Xu, Xu khó ăn, khó nuôi, và Xu rất hay làm tôi điên tiết nổ tung ra.

Chỉ một câu nói, chỉ một ánh mắt, Xu có thể làm tôi mất hết lý trí và không còn mẩu bình tĩnh nào trong người. 

Đôi lúc, tách ra, ngồi nghĩ lại, thật ra Xu đâu có hỗn hơn những đứa teen teen ẩm ương khác? Chỉ là Xu biết nhấn đúng vào cái nút để kích hoạt tất thảy những lo lắng, tức giận trong tôi.

Ví dụ đêm Xu ho vài tiếng, tôi sẽ bật tỉnh giấc, tôi nhào qua sờ trán nó, tôi nghĩ tới việc mai phải đi bệnh viện nào? Hôm qua Xu làm gì? Tháng trước Xu đã uống thuốc gì? Mình còn việc nào chưa xong? Còn ngày phép không? Nói với sếp thế nào...

Còn Sim, nếu Sim ho 1 tràng, tôi nhỏm dạy nhắc: “Nếu ói, con nhớ ói vào hộp nha!” Rồi trùm chăn, bịt tai lại ngủ thêm môt chút.

Cũng như chồng tôi ngày xưa vậy. Tụi bạn không hiểu tại sao ra ngoài tôi cư xử và làm ăn cũng cứng cỏi lắm. Mà sao ở nhà, tôi sợ ổng một cách kỳ quặc. Có lẽ cũng do át vía! 

Rồi với bố mẹ cũng thế. Bố tôi hay thở dài. Chỉ là thở dài. Nhưng một tiếng thở dài của bố, lập tức tôi thấy lo lắng cần làm thêm cái gì, cần điều chỉnh cái gì. Tôi thấy giận mình vì bất lực không biết làm gì cho cụ vui. Rồi thậm chí tôi thấy giận bố, sao tôi cố gắng đến thế mà bố vẫn chưa hài lòng!

Mãi sau mới thấy, khi ở với những người khác, bố cũng vẫn thở dài sườn sượt vậy đó, mà chả ai làm sao, chả ai stress gì. Cả bố và họ đều vui!

Mẹ tôi thì hơi lẫn. Tôi thấy, mẹ có quyền lẫn chứ! Nhưng anh trai tôi lại rất stress. Anh hay chỉnh sửa lại, và tất nhiên là chỉnh hoài không được, và cáu! 

Vậy đó, cùng một tiếng thở dài của bố, hay một câu nhầm lẫn cuả mẹ, anh em tôi có cảm giác và phản ứng hoàn toàn khác nhau.

Chúng ta có thể đo được số ký đường, nhưng ko đo được cảm giác ngọt ngào của mỗi người. Chúng ta có thể đếm được tiền, nhưng ko đếm được cảm giác gìau nghèo. Cùng một câu nói, cùng một sự việc, nhưng cái ngưỡng chịu đựng và đau đớn của mỗi người mỗi khác. Cùng trong một nhà, cùng ăn một mâm, cùng "trong chăn", nhưng người thấy sướng, người thấy khổ, người thấy "có rận", người không.

Thế nên, đừng nói: “Có gì đâu! Tao còn khổ hơn mày nhiều!”. Bởi vì, chẳng bao giờ có thể đo được!

Nhà báo Thu Hà (mẹ Su - Xim) là một trong những tác giả có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên mạng xã hội Facebook với các bài viết giá trị về gia đình và trẻ em. Chị cũng là tác giả cuốn sách nổi tiếng: "Con nghĩ đi, mẹ không biết!".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem