Giá cà phê hôm nay 8/7: Bất ngờ quay đầu tăng "sốc"

Nguyễn Phương Thứ bảy, ngày 08/07/2023 14:31 PM (GMT+7)
Giá cà phê hôm nay 8/7: Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới bất ngờ quay đầu tăng với cà phê Robusta. Giá cà phê hôm nay tại thị trường trong nước cũng tăng "sốc" 1.800 - 1.900 đồng/kg. Hiện, 66.800 đồng/kg là mức giao dịch cà phê cao nhất...
Bình luận 0

Giá cà phê hôm nay 8/7: Quay đầu tăng gần 2.000 đồng/kg

Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới tăng. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 9/2023 được ghi nhận tại mức 2.621 USD/tấn sau khi tăng 4,42% (tương đương 111 USD).

Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2023 tại New York ở mức 160,9 US cent/pound sau khi tăng 0,28% (tương đương 0,45 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 13h00 (giờ Việt Nam).

Trước đó, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (ngày 7/7), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe London tăng mạnh. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao hàng tháng 11 tăng 69 USD, giao dịch tại 2.475 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US New York kỳ hạn giao tháng 12/2023 tăng 0,4 Cent, giao dịch tại 160,05 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng cao.

Giá cà phê hôm nay 8/7: Bất ngờ quay đầu tăng "sốc" - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 08/07/2023 lúc 13:00:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê hôm nay 8/7: Bất ngờ quay đầu tăng "sốc" - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 08/07/2023 lúc 13:00:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê hôm nay 8/7: Bất ngờ quay đầu tăng "sốc" - Ảnh 3.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay cũng quay đầu tăng "sốc" tới 1.800 - 1.900 đồng/kg. Theo ghi nhận, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 66.300 - 66.800 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay cũng quay đầu tăng "sốc" tới 1.800 - 1.900 đồng/kg. Theo ghi nhận, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 66.300 - 66.800 đồng/kg.

 Trong đó, tỉnh Lâm Đồng duy trì mức giá thấp nhất là 66.300 đồng/kg, tăng 1.800 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với giá 66.400 đồng/kg, tăng 1.800 đồng/kg. 

Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua cà phê là 66.700 đồng/kg sau khi tăng 1.900 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 66.800 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát, sau khi tăng 1.800 đồng/kg.

Giá cà phê thế giới tăng mạnh phiên cuối tuần đối với cà phê Robusta khi lượng mua ròng trên sàn London vẫn còn quá nhiều, giá hàng thực thiết lập mức cao 15 năm. Trong khi đó, trái với dự báo của giới chuyên gia rằng giá cà phê trong nước sẽ không còn tăng quá sốc như giai đoạn trước, hôm nay (8/7) giá cà phê trong nước lại đột ngột tăng sốc lên tới gần 2.000 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm. Như đã thấy, 66.800 đồng/kg là mức giao dịch cao nhất trong các địa phương, được ghi nhận tại tỉnh Đắk Nông.

Suy đoán đà giảm trên sàn London đã bị chặn lại sau báo cáo tồn kho ICE ngày 6/7 giảm 11.820 tấn, tức giảm mạnh tới 11,98% so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 62.130 tấn (khoảng 1.035.500 bao, bao 60 kg), ghi nhận mức tồn kho giảm “khủng, hiếm thấy”.

Giá cà phê Arabica tiếp tục điều chỉnh tăng nhẹ, sau công bố biên bản họp tháng 6 cho thấy có sự đồng thuận của các nhà điều hành Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về khả năng sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ tại những phiên họp sắp tới. Ngoài ra, dự báo thời tiết lạnh có thể gây ra sương giá ở vùng núi cao của bang Minas Gerais của Brazil cũng góp phần tác động khiến thị trường New York tăng hồi phục cho dù nguy cơ sương giá sẽ không ảnh hưởng cây cà phê Arabica được trồng ở vùng thấp hơn.

Các thông tin mới nhất từ nền kinh tế Mỹ đều cho thấy, khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào cuối tháng này. Hầu hết thị trường đang dự đoán rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% trong cuộc họp sắp tới tới khiến USDX (chỉ số giá đồng USD) bật tăng trở lại thúc đẩy các nhà đầu tư Phố Wall dịch chuyển dòng vốn tìm tới các sàn hàng hóa có tính thanh khoản cao, đã làm các thị trường cà phê kỳ hạn rung lắc rất đáng kể.

Mối lo thiếu hụt nguồn cung có thể tiếp tục hỗ trợ giá cà phê

Thông tin mới về giá cà phê trên sàn quốc tế, các chuyên gia cho biết: Mặc dù giá cà phê toàn cầu tăng đột biến gần đây nhưng nông dân trồng cà phê đang phải vật lộn với lạm phát, chi phí sản xuất tăng vọt và mất mùa do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Thực tế, theo phân tích của các chuyên gia, giá cà phê trong nước và quốc tế hiện nay đều đã ở mức cao, đã phản ánh hết sự thiếu hụt hàng trong thời gian qua. Các nước sản xuất Robusta ở châu Á như Ấn Độ, Indonesia đều ghi nhận sản lượng giảm khoảng 20%. Còn ở Việt Nam thì gần như không còn hàng. Tuy nhiên, đã có hiện tượng một số nhà rang xay trên thế giới sử dụng Arabica giá thấp hoặc Robusta từ Brazil để thay thế, tránh dẫn tới việc tăng giá quá mức có thể chấp nhận được.

Giá cà phê thế giới được dự báo tiếp tục đà tăng khi nguồn cung của Việt Nam cạn kiệt. Các chuyên gia của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) ước tính tồn kho Robusta của Việt Nam còn khoảng 80.000 tấn. 

Theo đó, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 khoảng 1,5 triệu tấn, cộng thêm hàng gối từ niên vụ trước 100.000 tấn, tổng cộng nguồn cung là 1,6 triệu tấn. 

Việt Nam đã xuất khẩu 1,27 triệu tấn, tiêu thụ trong nước khoảng 250.000 tấn, tổng cộng 1,52 triệu tấn. Như vậy, hàng tồn kho còn lại chỉ còn khoảng 80.000 tấn. 

Trong khi đó, nhu cầu xuất khẩu mỗi tháng trung bình trên 100.000 tấn và Việt Nam còn tới 4 tháng nữa mới kết thúc niên vụ. 

Theo khảo sát từ một số doanh nghiệp, nhận thấy lượng hàng chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp FDI. 

Brazil, quốc gia trồng Robusta lớn thứ hai thế giới, đã bắt đầu thu hoạch từ tháng 5. Việc giá cà phê Robusta liên tục tăng mạnh thời gian qua thực tế đã kích thích người dân Brazil xuất khẩu mạnh loại cà phê này trong thời gian qua, song việc thiếu hàng vẫn xảy ra. 

Bloomberg ước tính sản lượng cà phê của Việt Nam năm nay thấp nhất trong 4 năm qua. Còn với Brazil, sản lượng dự kiến giảm 5%. Đặc biệt, sản lượng cà phê Robusta của Indonesia có thể giảm tới 20% do thời tiết bất lợi. 

Ngoài ra, nguồn cung cà phê Robusta của Brazil cũng không thể đáp ứng được nhu cầu. Bởi, không giống như hàng của Việt Nam, hạt Robusta của Brazil chỉ có thể dùng trong chế biến cà phê hoà tan mà không thể rang xay hoặc phối trộn với hạt Arabica. 

Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) lượng cà phê Robusta xuất khẩu của Brazil trong 7 tháng niên vụ 2022 - 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023) cũng giảm mạnh tới 36%. 

Với hạt Arabica, xu hướng giảm có thể vẫn tiếp diễn trong thời gian tới do kinh tế khó khăn, làm giảm nhu cầu đối với loại cà phê có giá tiền cao hơn so với hạt Robusta. Cục Xuất nhập khẩu mới đây cho rằng mối lo thiếu hụt nguồn cung cà phê Robusta trong ngắn và trung hạn tiếp tục hỗ trợ xu hướng giá tăng. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu cơ tiếp tục chảy về các thị trường hàng hóa phái sinh nhờ có tính thanh khoản cao.

Ở thị trường trong nước, một số ít nhà rang xay cần hàng phục vụ cho nhu cầu cuối năm mới chấp nhận mua giá cao, nên đôi lúc giá sẽ bị đẩy lên một chút nhưng sẽ không kéo dài. Tuy nhiên, dù giá liên tục đẩy lên nhưng người dân cũng không còn hàng. 

Sản lượng Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2022-2023 sẽ giảm 6% so với niên vụ trước, xuống còn 29,7 triệu bao (60 kg/bao). Nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới sẽ có vụ thu hoạch thấp nhất trong 4 năm do chi phí sản xuất (nhân công, phân bón) cao hơn và người nông dân có xu hướng chuyển sang trồng các loại cây có lợi nhuận cao hơn như bơ, sầu riêng và chanh dây. 

Phải đến niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê Việt Nam mới có thể phục hồi 5% lên 31,3 triệu bao, theo đánh giá của USDA.

Giá cà phê hôm nay 8/7: Bất ngờ quay đầu tăng "sốc" - Ảnh 4.

Phải đến niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê Việt Nam mới có thể phục hồi 5% lên 31,3 triệu bao, theo đánh giá của USDA.

Được biết, Việt Nam chỉ có khoảng 2 năm để chuẩn bị cho việc tuân thủ Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Trong khi đó, các vùng trồng cà phê Việt Nam đều khá manh mún, nhỏ lẻ nên việc tuân thủ sẽ đòi hỏi mất nhiều thời gian và công sức.

Ngày 16/5, Nghị viên Châu Âu đã thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bị ảnh hưởng khi Quy định này được áp dụng.

Theo Quy định này, 100% một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đặc biệt là cà phê khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.

EUDR chính thức có hiệu lực vào tháng 12/2024; đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thời hạn này được lùi xuống tháng 6/2025.

EUDR mang đến những thách thức đáng kể cho ngành cà phê Việt Nam, đặc biệt là trong việc tuân thủ tiêu chuẩn bền vững và duy trì quyền tiếp cận thị trường EU.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam cho biết, hiện cả nước có hơn 1 triệu hộ trồng cà phê trong đó 70% hộ tham gia có diện tích dưới 0,5 ha. Do vậy chi phí tuân thủ EUDR rất tốn kém.

Từ phía doanh nghiệp, áp lực trong việc tuân thủ cũng rất lớn. Doanh nghiệp cho biết, chi phí tuân thủ khá là cao, và cao hơn rất nhiều so với các chương trình đã triển khai trước đây, trong khi biên lợi nhuận ngành cà phê rất mỏng. Mặc dù vậy, doanh nghiệp kỳ vọng sau giai đoạn thử thách này hiệu suất của ngành cà phê sẽ tốt hơn. Sự ra đời của quy định EUDR sẽ là một cú hích quan trọng để tạo bước chuyển căn bản cho toàn bộ ngành hàng theo hướng minh bạch và bền vững, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem