dd/mm/yyyy

Ghi nhận đổi thay ở Mường Nhé

Lâu rồi tôi mới có dịp trở lại Mường Nhé, mảnh đất nơi cực Tây của Tổ quốc. Trong suy nghĩ của tôi, hành trình đến với Mường Nhé bao năm qua vẫn là một thách thức lớn với những con dốc: Tà Tổng, Ông Ma, những cua đường gấp khúc, uốn lượn bên vực thẳm, những vũng lầy ngập tới đầu gối… Nhưng không phải thế, Mường Nhé hôm nay đã khác nhiều.
Những khu dân cư ở Mường Tong (Mường Nhé, Điện Biên) hầu hết đã có nhà cửa kiên cố, cuộc sống ấm no hơn.
Những khu dân cư ở Mường Tong (Mường Nhé, Điện Biên) hầu hết đã có nhà cửa kiên cố, cuộc sống ấm no hơn.

Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé bảo: “Đảm bảo an toàn cho người dân là trên hết. Vì thế, mấy ngày qua chúng tôi chưa ngơi nghỉ chút nào”. Anh Lò Văn Mến, dân bản Yên, xã Mường Tong bảo: Ngay sau khi mưa lớn xảy ra, chúng tôi đã thấy những cán bộ từ cấp bản tới xã, huyện có mặt, đến từng hộ dân động viên mọi người bình tâm và nâng cao cảnh giác; vận động và hỗ trợ bà con di chuyển ra khỏi địa điểm nguy hiểm.

Cán bộ Phòng Lao động TB&XH huyện Mường Nhé hướng dẫn người dân phòng tránh mưa gió tốc mái nhà mùa mưa lũ.
Cán bộ Phòng Lao động TB&XH huyện Mường Nhé hướng dẫn người dân phòng tránh mưa gió tốc mái nhà mùa mưa lũ.

Suốt đêm ngày 24.6, cả gia đình 4 người nhà anh Lò Văn Vân ở bản Yên cũng đã rời khỏi nhà mình, phải đội mưa, ngồi trên sườn đồi nhìn lũ dữ đi qua. Sáng ngày 25.6, khi nước rút, anh cùng vợ con mới dám trở về ngôi nhà xiêu vẹo do nước lũ tàn phá để đọn dẹp rác rưởi, kê kích lại nhà cửa. Đón những túi quà đựng chăn màn, thực phẩm mà báo Nông Thôn Ngày Nay trao tặng nhằm hỗ trợ bà con vùng lũ giảm bớt khó khăn. Trước tình cảm ấm nồng, anh Vân đã khóc, kể: “Đây là lần thứ 2 tôi khóc sau trận mưa lũ này. Đêm ngày 24, khi ôm con trong lòng, tôi đã khóc vì sợ ngày mai không biết sống ra sao. Hôm nay, được báo Nông Thôn Ngày Nay và các nhà từ thiện quan tâm, tôi lại cảm nhận thêm được cái tình người bao la trong cơn lũ dữ”.

Mường Nhé đau thương là thế, hoang tàn là thế nhưng khi trò chuyện với cựu Chủ tịch UBND xã Mường Nhé – ông Chu Sâm – người đã có 60 năm gắn bó với mảnh đất này, ông bảo: “Người dân chúng tôi hiểu rõ Mường Nhé đã thay da đổi thịt từng ngày. Khi còn trẻ, mơ ước lớn nhất của tôi là làm sao có thể đi 2 ngày từ Mường Nhé đến được trung tâm tỉnh lỵ, chứ chưa bao giờ dám mơ ước có cái xe máy tay ga hay nhà xây, đường nhựa chạy vào tận nhà như bây giờ”.

Nhiều hộ dân ở vùng cao Mường Tong, Leng Su Sìn đã có đàn gia súc từ 3-5 con trâu, bò, làm nền tảng phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Nhiều hộ dân ở vùng cao Mường Tong, Leng Su Sìn đã có đàn gia súc từ 3-5 con trâu, bò, làm nền tảng phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Hiện, huyện đã có trên 700 km đường giao thông. Ngoài đường quốc lộ, tỉnh lộ phần lớn đã được nhựa hóa, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 93,5% số bản có đường dân sinh. Đề án 79 của Chính phủ trên địa bàn huyện đã bố trí, sắp xếp ổn định dân cư cho gần 1.000 hộ dân. Đến nay, toàn huyện đã có gần 60 công trình thủy lợi, đảm bảo năng lực tưới tiêu cho gần 1.000 ha lúa ruộng, trong đó diện tích cấy lúa 2 vụ 74 ha… Nhà nước chăm lo, người dân nỗ lực thì Mường Nhé sẽ thay đổi nhanh và mạnh trong thời gian ngắn thôi.

Bài, ảnh: Vinh Duy Bùi