GDP tăng chậm do vốn đầu tư công giải ngân chậm

Thanh Xuân Thứ năm, ngày 29/06/2017 11:51 AM (GMT+7)
Sáng ngày 29.6, tại buổi Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2017, Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT) cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm tăng 4,15% so với cùng kỳ năm 2016.
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Bích Lâm – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT) cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.2017 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,2% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,15%.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI trong tháng 6 tăng là do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,36%, chỉ số giá nước sinh hoạt cũng tăng 0,65% so với tháng trước; chỉ số giá nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,62% chủ yếu nhóm cát xây dựng do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương siết chặt việc quản lý khai thác cát và các cơ quan chức năng không cấp phép khai thác các mỏ mới; tháng 6 là thời điểm học sinh nghỉ hè, nhu cầu du lịch tăng dẫn tới chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 1,45% so với tháng trước.

Ngoài ra, viêc CPI 6 tháng đầu năm tăng còn do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng nên các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 23,44% so với cùng kỳ 2016; việc thực hiện lộ trình tăng học phí cũng làm tăng hơn 2% so với cùng kỳ 2016; mặt khác, mức lương tối thiểu vùng cũng được điều chỉnh, giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá, quần áo tăng, giá gas cũng được điều chỉnh tăng 10,3%; giá nhiên liệu trên thị trường thế giới có xu hướng tăng trở lại như nhiên liệu, chất đốt, sắt, thép…dẫn tới chỉ số giá nhập khẩu cũng tăng 3,3%...chính các yếu tố trên làm tăng CPI.

Trả lời câu hỏi GDP tăng chậm có phải do vốn đầu tư công giải ngân chậm hay không? Ông Nguyễn Việt Phong – Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê) thừa nhận là vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm giải ngân chậm tiến độ.

Theo ông Phong, trong đó 6 tháng 2017 vốn trái phiếu chính phủ giải ngân chỉ đạt hơn 18%. Tín dụng đầu tư phát triển cũng giao chậm do thủ tục bị chậm. “Vốn đầu tư nói chung của Việt Nam và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ vì nền kinh tế của Việt Nam còn phụ thuộc vào vốn đầu tư. Tuy nhiên, vào các tháng cuối năm, vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh giải ngân hết nên sẽ có tác động tới tăng trưởng và phát triển kinh tế của 6 tháng cuối năm và cả năm”, ông Phong giải thích.

Tin tưởng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ đạt 6,7%, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết thêm: Năm 2016 có thêm 110.000 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó có 87,05% đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có 60% đã có doanh thu. Đây là tỷ lệ cao, so với tỷ lệ giải thể doanh nghiệp và thành lập trên thế giới thì đây là tỷ lệ tốt của nền kinh tế. Tương tự, số doanh nghiệp 2015 thành lập mới đã có 74% số doanh nghiệp có doanh thu, qua đó cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 sẽ còn tiếp tục tăng doanh thu và phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

“Doanh nghiệp cần có độ trễ khi đi vào họat động để đóng góp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng trong 2017 là 6,7%”, ông Lâm cho biết.  

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,15%; quý II đã khởi sắc hơn tăng 6,17%). Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%, đóng góp 2 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 2,59% điểm phần trăm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem