Gặp "ông già gân" Phạm Văn Hạng ở Quy Nhơn

Huỳnh Dũng Nhân Thứ năm, ngày 11/08/2022 16:12 PM (GMT+7)
"Bây giờ, tôi đã hiểu vì sao bạn bè dành cho nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đủ tên gọi, đủ biệt danh thân thương: kẻ lao lực, gã rong chơi số 1, ông già gân, người chạy sô không mỏi, gã khổng lồ hồn nhiên, người của hoa và đất…", nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ với Dân Việt bài viết nhân chuyến gặp "ông già gân" này.
Bình luận 0

Tôi gặp nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng trong một chuyến đi Quy Nhơn. Ông đang ở Quy Nhơn để thực hiện tác phẩm Biểu tượng "Từ trái tim đến trái tim" kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Sư phạm Quy Nhơn.

Ông vẫn thế, như tôi đã gặp, đã đọc, đã xem, đã biết. Mái tóc bạc như cước để dài ngang vai và bay bồng bềnh trong gió. Quần áo bụi bặm nhưng nếu nhìn kỹ thì đó là một gu ăn mặc rất thẩm mỹ, mộc mạc và bụi đời. Ông uống chừng mực nhưng rất vui, nói chuyện hào sảng với bất kể ai, từ chàng thi sĩ tuổi cháu ông đến những bạn già cùng thời.

Gặp "ông già gân" Phạm Văn Hạng ở Quy Nhơn - Ảnh 1.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. (Ảnh: Huỳnh Dũng Nhân)

Gặp ông, tôi luôn nhớ đến những tư chất gì đó của các bậc tiên sinh hiền triết, dân chơi giang hồ, nghệ sĩ lãng du, thi sĩ bay bổng.

Cũng dễ hiểu, ông đã trải qua đủ thứ nghề, chạy xe thồ, bán hàng dạo, phóng viên chiến trường, họa sĩ, thi sĩ… và dừng lại ở cái nghề cực nhọc nhưng đầy sáng tạo, đầy thăng hoa là nghề điêu khắc.

Ông nổi tiếng bắt đầu từ khi rời chiếc máy ảnh của một phóng viên chiến trường thời trẻ để bước vào cái nghề điêu khắc.

Ông nổi bật ngay với sự sáng tạo độc đáo và bất ngờ, khi có những công trình điêu khắc bằng các vật liệu chiến trường như mảnh đạn bom, vỏ đạn, dây thép gai và đôi khi bằng cả… xương thịt nạn nhân chiến tranh.

Ngay sau 1975, ông liên tục được mời thực hiện các công trình đài tưởng niệm, kỷ niệm, tượng mẹ dũng sĩ, tượng danh nhân. Gần đây là một công trình làm tên tuổi ông càng thêm vang dội, đó là công trình Cầu Rồng (Đà Nẵng) mà ông là đồng tác giả phần quan trọng nhất là đầu Rồng và đuôi Rồng. Công trình Cầu Rồng cũng vừa được báo chí quốc tế tôn vinh là một trong 8 cây cầu trang trí đẹp nhất trên thế giới.

Mới đây, ông vừa được giải nhất trong cuộc thi biểu tượng kiến trúc ở Công viên Phú Tài (Quy Nhơn) khi ông vừa… 80 tuổi.

Tin vui lan tỏa tin vui. Theo một nguồn tin tôi được biết, ông cũng mới vừa được mời làm tượng Danh nhân văn hóa Nguyễn Du tại Hà Nội.

Gặp "ông già gân" Phạm Văn Hạng ở Quy Nhơn - Ảnh 2.

Hình ảnh Biểu tượng "Từ trái tim đến trái tim".

Công trình nối tiếp công trình. Công trình, tác phẩm của ông liên tục được khai trương, khánh thành. Những chuyến đi giục giã những chuyến đi. Người ra mới thấy ông ở Hà Nội, đã thấy ông ở Đà Nẵng, rồi lại thấy ông vào Quy Nhơn, lên Đà Lạt, vào Sài Gòn. Ban ngày mới thấy ông mặt đỏ gay khi cặm cụi tạc tượng ngoài trời thì ban đêm đã thấy ông ha hả nói cười với ly bia cùng bạn bè trên quán vỉa hè. Và tất nhiên trên đầu ông không bao giờ thiếu chiếc mũ phớt huyền thoại.

Hôm tôi gặp ông ở Quy Nhơn cũng rất vui. Vẫn dáng vẻ và tác phong nghệ sĩ, vẫn khí chất lãng tử khi giao tiếp và nghiêm cẩn trong công việc. Đã uống bia cùng ông thì bao giờ ông cũng giành quyền được trả tiền. Khi có việc là ông đứng lên đi ngay. Khi có hẹn là ông đúng giờ. Khi đã làm thì ông làm quên mệt mỏi, xong việc mới thôi.

Và thật đặc biệt, ông không làm thì thôi, đã làm thì phải sáng tạo, độc đáo, không đụng hàng, không lặp lại chính mình. Trước đây, ông còn có tác phẩm thơ độc đáo nhất Việt Nam: cuốn thơ làm bằng kỹ thuật gò trên đồng, với 29 "trang" khổ 50 x 65cm, nặng 220kg, khắc 29 bài thơ của ông bằng các ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Hoa.

Gặp "ông già gân" Phạm Văn Hạng ở Quy Nhơn - Ảnh 3.

Biểu tượng "Từ trái tim đến trái tim" của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng.

Và hôm nay là Biểu tượng "Từ trái tim đến trái tim" trong khuôn viên Đại học Quy Nhơn. Ông đến Quy Nhơn, ở một căn phòng trên lầu cao của nhà công vụ để hàng ngày đi lắp đặt Biểu tượng "Từ trái tim đến trái tim". Đây là công trình do các cựu giáo sinh Trường Sư phạm Quy Nhơn xây dựng sau gần ba năm trao đổi và thể hiện. Tượng được làm bằng chất liệu đá hoa cương, kim loại, kính cường lực. Xung quanh sân tượng là các dãy nhà, lớp học, nhà lưu niệm và hội trường, có đặt nhiều ghế đá và trang trí đèn để tạo thành một nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa cho sinh viên, hứa hẹn thành một điểm du lịch mới cho du khách.

Tượng cao: 2,75 m, chiều rộng: 1,2 m

Chiều dài: 1,8 m Bệ tượng, cao: 1,1 m

Đường kính khu đặt tượng: 10,5 m.

Trên tượng có 13 cánh chim tượng trưng cho 13 khóa đào tạo từ khi thành lập đến khi đổi tên trường trước 1975. Dưới chân tượng, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã cho rải sỏi để thể hiện câu hát nổi tiếng "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau" của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

img
img

Tranh nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng (ảnh trái) do nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẽ. (Ảnh: NVCC, Dân Việt)

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng - người được bạn bè đặt biệt danh là "kẻ lao lực" cho biết, ông rất vui khi được thực hiện công trình này và ông không đặt vấn đề tiền bạc nhiều ít, vì ông từng là một người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mặt khác, ông cùng nhóm thực hiện dồn hết trí tuệ và tâm huyết cho công trình vì cảm nhận được tình cảm và sự quyết tâm của Ban giám hiệu Trường Đại học Quy Nhơn cũng như người dân Quy Nhơn dành cho Biểu tượng "Từ trái tim đến trái tim".

Bây giờ tôi đã hiểu vì sao bạn bè dành cho ông đủ tên gọi, đủ biệt danh thân thương nào là: kẻ lao lực, gã rong chơi số 1, ông già gân, người chạy sô không mỏi, gã khổng lồ hồn nhiên, người của hoa và đất…

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng sinh năm 1942 tại Nam Ô, Đà Nẵng. Triển lãm chính của ông gồm: Trừu tượng (sơn dầu) tại Huế 1967; Siêu thực tại Nhà Văn hóa Pháp (Sài Gòn 1971); Tranh tượng tại Hội Việt - Mỹ (Sài Gòn 1973); Tự họa tại Hội Kiến trúc sư Việt Nam (Hà Nội, 1989); Mộng và Thực tại Gallery Tự Do (TP. Hồ Chí Minh, 1999).

Những Giải thưởng chính của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng: 10 năm Điêu khắc Việt Nam (1984-1994); 10 năm Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng (1985-1995); 2 năm Kiến trúc Việt Nam (1994-1996); Tượng đài 23-9 TP. Hồ Chí Minh (1997); Giải nhất tượng Bác sĩ Yersin Đà Lạt (2003); Văn học - Nghệ thuật Sài Gòn, Hội họa (1973).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem