Gặp người thợ may đầu tiên của “Em ơi Hà Nội... váy“

Hoài Thu Thứ tư, ngày 10/12/2014 12:37 PM (GMT+7)
Chịu khó mày mò, học hỏi với phương châm luôn luôn đón đầu và "đi trước thời đại" là bí quyết khiến cho người thợ may này luôn thành công ở hầu hết mọi lĩnh vực anh từng thử sức.
Bình luận 0

Căn nhà nhỏ của người thợ may nằm gọn trên tầng 2 của một khu tập thể lâu đời, sâu trong con ngõ nhỏ. Vắt sợi thước dây gập đôi trên cổ, anh đang tỉ mỉ đo đo, cắt cắt sửa lại cho khách một chiếc áo vest bị rộng. Anh là Lê Đức Trung, 51 tuổi, một thợ may gạo cội của đất Hà Thành.

Không mở cửa hàng ngoài mặt đường sầm uất, cũng không treo biển rầm rộ, nhưng bao năm nay anh chưa có lúc nào vãn khách. Anh thường nhận sửa những bộ đồ lên tới vài chục, vài trăm triệu đồng từ các hãng thời trang lớn.

img

Để có những đường may hoàn hảo, anh đầu tư đến 4, 5 loại máy may riêng biệt cho
từng công đoạn

Người đầu tiên "cho Hà Nội mặc váy"

Ai đã từng sống ở Hà Nội những năm 90 chắc hẳn còn nhớ một thời mà đi đâu người ta cũng nghe "Em ơi Hà Nội váy". Đó là khi phụ nữ Hà Nội đua nhau du nhập mốt mặc váy thay cho những kiểu quần công nhân đơn điệu. Sau một thời gian rất dài, khi chiếc váy đụp thuở xưa đã đi vào dĩ vãng cũng là lúc chiếc váy cách tân bắt đầu được ưa chuộng.

Ít ai biết rằng, căn nhà nhỏ bình dị này chính là nơi "khai sinh" ra chiếc váy cách tân đầu tiên được sản xuất và đem bán tại Hà Nội. Anh bồi hồi nhớ lại, đó là đầu những năm 1990, khi cơ chế bao cấp bị xóa bỏ. Anh rời khỏi công ty Cơ khí Hà Nội - Bộ Nội thương theo chế độ 176 sau 9 năm làm thợ gò tôn.

Rời công ty, với niềm đam mê thời trang sẵn có, anh bắt đầu mày mò tự mua sách về đọc để học cắt may. Và ít ai biết rằng, những hình ảnh đầu tiên về chân váy lại bắt nguồn từ chính cấu trúc của những chiếc xô đã gắn bó với công việc của anh gần chục năm trời. Theo anh lý giải, cái xô úp ngược chính là phác thảo cơ bản và chính xác nhất của chân váy.

Mẫu chân váy đầu tiên với tà váy xòe tròn, không bị hớt, võng đã được đông đảo khách hàng ưa chuộng và diện đi khắp mọi nơi. Mốt mặc váy của phụ nữ Hà Thành thời "Em ơi Hà Nội... váy" cũng bắt đầu rộ lên từ đó.

“Cha đẻ” của chiếc áo bu dông đầu tiên được sản xuất trong nước

Tiếp sau thời kỳ xóa bỏ bao cấp, hàng thùng bắt đầu xuất hiện như một "cơn sốt". Những chiếc áo bu dông đầu tiên bắt đầu du nhập vào Việt Nam và trở thành mốt mới. Có khi cả một lô hàng chỉ có một chiếc duy nhất, được bán với giá tương đương gần 2 chỉ vàng thời bấy giờ (giá áo bu dông lên tới 350.000đ/chiếc, trong khi giá vàng vào khoảng 185.000đ/chỉ).

Nắm bắt nhanh nhu cầu của đông đảo tín đồ thời trang Hà Thành, anh lập tức đi nhập vải kiện Nhật về, tháo rời một chiếc áo bu dông mẫu ra nghiên cứu từng đường kim, mũi chỉ để tìm cách may theo.

Thật đáng mừng là chiếc áo bu dông anh tự tay may đầu tiên vừa được gửi bán, "dừng tay hút chưa xong điếu thuốc đã có khách đến mua ngay với giá 350.000đ như hàng nhập." - Anh kể lại bằng một giọng đầy hồ hởi, phấn chấn y như câu chuyện chỉ vừa mới xảy ra.

Thời gian đó, "xưởng may" tại gia của anh chính là nơi cung cấp nguồn hàng quần áo cho khắp các cửa hàng trên phố Triệu Quốc Đạt, Hàng Thùng, Hàng Bông, Hai Bà Trưng... Khó ai tin được rằng, "tác giả" của những thiết kế ấy chưa từng học qua một trường lớp nào về thời trang, may mặc.

Khi lượng khách mua quá lớn, không còn tìm được đủ vải để may, anh lại tự mày mò tìm cách dệt, nhuộm để có được chất vải dày và bền như mong muốn.

Yêu nghề và đam mê thời trang bất tận

Cái duyên với nghề đến với anh hoàn toàn từ niềm đam mê, yêu thích đặc biệt đối với thời trang. Anh tự nhận từ hồi còn học phổ thông đã là một anh chàng biết đỏm dáng.

Vừa kể chuyện, anh vừa mở tủ quần áo lấy ra hàng loạt những món đồ của đủ các thương hiệu bậc nhất thế giới mà anh thường mặc. Cẩn thận, khẽ khàng nâng niu từng thứ, anh hồ hởi kể những câu chuyện thú vị về các thương hiệu bằng giọng kể của một tín đồ đầy đam mê chứ không phải một kẻ huênh hoang khoe về giá tiền đắt đỏ. Với anh, mỗi cái áo sơ mi, mỗi đôi giày đều là những kiệt tác kỳ diệu của nhà thiết kế.

img

"Cúc áo của hãng này được làm từ vỏ ốc biển, và chỉ có 3 lỗ luồn chỉ thôi" - Anh kể

img

img

Để chứng minh vải áo vest của hãng này có thể kháng nước, anh vẩy luôn vài hạt nước lọc vào áo

img

Đây là chiếc áo da khâu tay được mua từ Pháp một khách nhờ sửa. Anh cũng sẽ phải khéo léo khâu tay sao cho đều và đẹp như cũ

Hơn ai hết, anh am hiểu tường tận từng đường kim mũi chỉ, nét đặc trưng của từng nhãn hàng thời trang. Anh được nhiều nhà phân phối của các hãng lớn tin tưởng hợp tác.

Đồ may sẵn của hãng thường hợp với số đo của người phương Tây. Người Việt mua về hay phải sửa lại, hạ size (kích cỡ). Sửa đồ hiệu rất khó, nếu người thợ không có tay nghề rất dễ làm mất phom dáng cũ, và sẽ phải đền oan một số tiền không hề nhỏ. Bởi vậy mà tiền công sửa đồ ở đây cũng không hề rẻ, có khi tương đương tiền may một bộ vest thông thường tầm 2, 3 triệu.

 

Anh Đức, một khách hàng quen của anh chia sẻ: "Có lần, tôi đặt may vest của một thương hiệu nước ngoài với giá gần 80 triệu nhưng không vừa nên phải gửi ra Bắc nhờ anh Trung sửa giúp.

Vì không tận mắt xem tôi mặc thử mà chỉ sửa theo số đo nên rất khó. Khi anh gửi vào, tôi thử thấy khá ổn, chỉ còn vài chi tiết nhỏ chưa ưng ý lắm. Anh nhiệt tình gọi lại bảo tôi gửi ra cho anh sửa bằng được thì thôi, vì khi nào khách chưa ưng thì anh chưa thấy thoải mái. Anh làm việc không chỉ vì tiền mà là một người thợ yêu nghề và rất có tâm với nghề. Tôi càng mến anh hơn từ đó."

Trong góc phòng nhỏ là chiếc bàn gỗ dựng đầy ảnh kỷ niệm anh từng chụp chung với Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, ca sĩ Hồng Nhung, Tùng Dương, các nhà thiết kế nổi tiếng trong nước và quốc tế... Họ đều là khách hàng thân thiết của anh.

img

Trên giá để đồ ngay phòng khách là album nhạc và tấm ảnh do ca sĩ Tùng Dương ký tặng

MC Ngọc Trinh, "hot girl" nổi tiếng của Đài truyền hình Việt Nam - người được đánh giá là có gu thời trang sành điệu, thanh lịch bậc nhất trên các kênh truyền hình trong nước cũng là một trong những khách quen của anh. Ngọc Trinh nhận xét: "Anh có thể làm cho chiếc áo hoàn toàn vừa vặn với người mặc trên từng chi tiết. Người ta sẽ không thốt lên khen cái áo mà chỉ thấy người mặc nó đẹp vô cùng.

Lần đầu tiên sửa đồ, thấy phải đợi khá lâu nên tôi cũng thắc mắc sao anh không thuê thêm thợ cho nhanh. Anh chỉ cười: "Vì anh muốn tận tay làm đồ cho khách từng tí một"."

Anh tâm sự: "Quanh năm, lúc nào tôi cũng có khách đợi, khách giục sửa đồ. Nhưng cái nghề này không ẩu được. Có những người nhờ sửa nhiều quá, tôi làm trước cho xong 1, 2 chiếc để mặc, rồi phải để lại mà quay sang làm cho người khác. Đã là khách của tôi thì ai cũng quan trọng như nhau cả." 

 

img

Trang phục diễn của Tùng Dương thường rất "độc" và khó kiếm.

img

 Ít ai ngờ rằng chiếc vest dáng dài cách điệu mà chàng ca sĩ mặc trong live show "Tùng Dương hát tình ca" đã được "độ" qua bàn tay biến hóa của người thợ may tài tình.

img

 

img

img

Với mỗi công đoạn của việc cắt may, anh đều đầu tư những loại máy móc chuyên dụng riêng biệt: máy vắt sổ, máy may đường thẳng, máy may chỉ tết...

Đã 4 rưỡi chiều, chuông điện thoại liên tục reo. Nhân viên một nhãn hàng thời trang tại Tràng Tiền Plaza (Hoàn Kiếm, HN) gọi anh tới xem khách mặc thử và lấy số đo để sửa. Anh tất tưởi thu dọn đồ đạc, mang theo vài bộ vest tiện đường đem trả cho khách, tháo chiếc thước dây vắt gập đôi trên cổ nhét vội vào túi đồ rồi tất tưởi lên xe "đi ngay không khách đợi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem