Gặp người minh oan cho tử tù Trần Văn Thêm

Chủ nhật, ngày 14/08/2016 10:48 AM (GMT+7)
Hơn nửa đời người đi gõ cửa các cơ quan chức năng, tử tù Trần Văn Thêm mới được công nhận oan sai. Theo lời ông Thêm, công đầu thuộc về ông Cù Văn Tiện.
Bình luận 0

Ông Cù Văn Tiện (85 tuổi, cựu Phó ban chỉ huy cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Vĩnh Phú (cũ, nay là Phú Thọ và Vĩnh Phúc) là người trực tiếp tiếp xúc với hung thủ thực sự của vụ án và đưa đối tượng này từ Lào Cai về Vĩnh Phú để tiến hành điều tra lại.

Ông cũng là người đề xuất tại ngoại cho tử tù Trần Văn Thêm (81 tuổi, ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) sau hơn 5 năm bị giam giữ, ở tù oan.

Men theo đường đất đỏ, xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, chúng tôi đến nhà cụ Cù Văn Tiện ở khu 3 trong buổi chiều nắng nhạt. Ngôi nhà đơn sơ, mộc mạc của ông nằm nép mình dưới hàng cây keo tai tượng xanh mướt.

Ở tuổi 85 sức khỏe yếu, mắt mờ, răng rụng, trí nhớ giảm nhưng những ký ức liên quan đến tử tù Trần Văn Thêm, cụ Tiện vẫn còn nhớ rõ.

img

Ông Cù Văn Tiện chia sẻ với PV. Ảnh: V.T

Theo lời kể của cựu Phó ban chỉ huy cảnh sát hình sự, năm 1972, khi đang công tác ở Bộ Công an, ông được tỉnh Vĩnh Phú xin về đảm nhiệm chức vụ trên. Quá trình công tác, người sếp mới được cán bộ trong trại giam Phủ Đức cho biết, tử tù Trần Văn Thêm liên tục kêu oan. Ngoài kêu oan bằng miệng, phạm nhân Thêm còn dùng máu của mình viết lên chăn, màn trong trại giam.

Ít âu sau, cụ Tiện  được Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phú cho đọc lá thư trao đổi công tác của Trưởng Giám thị trại giam ở Lào Cai gửi đến.

Nội dung lá thư phản ánh có một tù nhân tên Phùng Thanh Nhàn (ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú) tâm sự với bạn tù mình từng gây ra một vụ cướp đêm 23.6.1970 ở cầu Diện, xã Đồng Tĩnh (huyện Tam Dương). Nghe xong, người bạn tù kia đã báo lại sự việc cho Ban Giám thị trại giam.

“Sau đó, tôi được giao nhiệm vụ đi xác minh sự việc trên”, ông Tiện cho biết.

Sáng hôm sau, cựu Phó ban chỉ huy cảnh sát hình sự cùng 2 cấp dưới thân chinh lên Lào Cai lấy lời khai của Phùng Thanh Nhàn. Tại đây, ông được Nhàn kể lại toàn bộ diễn biến vụ án giết người, cướp của xảy ra ở cầu Diện với hung khí là cái búa bổ củi.

img

Cụ Tiện trò chuyện cùng ông Trần Văn Năm (cháu gọi cụ Thêm bằng chú). Ảnh: V.T

Trong khi  đó, nội dung bản án thể hiện hung thủ Trần Văn Thêm dùng cọc xe thồ đánh chết ông Nguyễn Khắc Văn (em họ), sau đó tạo vết thương trên đỉnh đầu cho mình. Thấy có mâu thuẫn, ông Tiện về Bộ Công an xin hỗ trợ, khai quật tử thi xem nạn nhân Văn chết do bị đánh bằng hung khí gì.

Sau đó, ông xin Lệnh trích xuất của Bộ Công an, đưa Nhàn về Công an tỉnh Vĩnh Phú để mở rộng điều tra vụ án. Qua lời khai của đối tượng, đối chiếu với hiện trường xảy ra vụ án, tổ chức thực nghiệm lại hiện trường với hung khí búa bổ củi hung thủ dùng đánh chết anh Nguyễn Khắc Văn và bị Thương Trần Văn Thêm, ông Tiện nhận thấy Phan Thanh Nhàn là thủ phạm, Trần Văn Thêm bị bắt, xử án tử hình là oan sai.

Do đó, cựu Phó ban chỉ huy cảnh sát hình sự đã đề xuất Lệnh tạm tha đối với tử tù bị oan sai và được chấp nhận.

“Trước khi rời khỏi trại giam về với gia đình theo Lệnh tạm tha, ông Thêm đã đến gặp tôi để chào tạm biệt. Vừa nói cảm ơn, ông ấy vừa quỳ xuống đất, lạy tôi vì đã cứu sống ông ấy”, cụ Tiện nói.

30 năm sau, cụ ông 85 tuổi mới gặp lại người tù oan năm xưa khi gia đình họ lên tận nhà xin tài liệu, chứng cứ để đi minh oan. Sau một đêm hàn huyên, tâm sự, cụ Tiện viết cho ông Thêm giấy xác nhận ghi lại nội dung sự việc.

Thế nhưng phải hơn 10 năm sau, người đặt viên gạch đầu tiên trên hành trình minh oan cho tử tù Trần Văn Thêm mới nhận được tin vui.

Biết tin Liên ngành các cơ quan tư pháp Trung ương công bố Quyết định đình chỉ điều tra bị can và Xin lỗi công khai ông Trần Văn Thêm ngày 11.8 vừa qua, nhưng cụ Tiện chưa vui.

“Tôi chỉ vui khi nào ông ấy đến nhà, cho xem quyết định, lúc ấy tôi mới thật sự vui được”, cụ Tiện nói.

Theo hồ sơ tố tụng, đêm 23.6.1970, hai anh em ông Thêm mua hàng về tới địa bàn xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phú) thì trời tối nên họ vào chòi cắt tóc ven đường để ngủ. Khoảng 1h ngày hôm sau, khi đang lơ mơ ngủ thì ông Thêm thấy choáng váng vì ai đó đã đập nhát búa vào đầu ông.

Linh tính bị cướp, ông kêu lên, tên cướp cũng đã kịp đập một nhát vào đầu người em tên Văn nằm cạnh đó. Nghe tiếng kêu cứu trong đêm, người dân đưa anh em ông Thêm vào trạm xá xã Đông Tĩnh rồi sau đó chuyển lên bệnh viện huyện Tam Dương.

Khi chuyển tiếp đến Bệnh viện tỉnh Vĩnh Phú thì người em đã chết. Các cơ quan tố tụng ở Vĩnh Phú sau đó cho rằng ông là hung thủ giết người. Tháng 8.1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên tử hình ông Thêm.

Tháng 8.1973, cấp phúc thẩm cũng cũng y án sơ thẩm vì HĐXX cho rằng đủ căn cứ tuyên tử hình ông vì tội Giết người và Cướp tài sản. Sau nhiều năm kêu oan, đêm 30 Tết năm 1976, ông Thêm được bác sĩ ở Bộ Công an cấp một tờ giấy chứng nhận bị thương để miễn lao động và được về địa phương sinh sống bình thường đến nay. Khi đó, tổng thời gian ông ở trại tạm giam là 5 năm 6 tháng 7 ngày.

Vân Thanh - Hoàng Lam (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem