Gặp gỡ Nguyễn Thanh Tùng - Bác sĩ “khắc tinh” của sỏi thận

Thủy Lê Thứ năm, ngày 03/08/2023 16:36 PM (GMT+7)
Trên kênh TikTok cá nhân, mỗi video chia sẻ về chủ đề bệnh sỏi thận của ThS. Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng thường nhận được hàng nghìn lượt like, hàng trăm bình luận, chia sẻ… Anh tâm sự: “Tôi mong muốn tất cả mọi người chỉ cần một chiếc điện thoại là có thể đọc, lắng nghe những tư vấn hữu ích về sức khỏe”.
Bình luận 0

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng (36 tuổi) sinh ra và lớn lên ở huyện Mỹ Đức - Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, anh chuyển tới khoa Ngoại, Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội và công tác cho đến hiện nay.

Gặp gỡ Nguyễn Thanh Tùng - Bác sĩ “khắc tinh” của sỏi thận - Ảnh 1.

Ảnh NVCC.

Anh lựa chọn theo đuổi lĩnh vực Thận - Tiết niệu bởi tại thời điểm đó, đây là một lĩnh vực khá mới ở Việt Nam và mọi người còn chưa biết nhiều các bệnh về thận. Chàng bác sĩ trẻ tuổi lúc ấy nghĩ rằng, chọn công việc này sẽ cho anh cơ hội để tìm tòi, khám phá nhiều điều mới mẻ, giá trị.

Gặp gỡ Nguyễn Thanh Tùng - Bác sĩ “khắc tinh” của sỏi thận - Ảnh 2.

Ảnh NVCC.

Là một bác sĩ làm việc tại một trong những bệnh viện ngoại khoa lớn của cả nước, bác sĩ Tùng đã chứng kiến và trực tiếp tham gia phẫu thuật cho rất nhiều người bệnh có hoàn cảnh thực sự khó khăn, không lối thoát, trong đó có rất nhiều những trường hợp "ám ảnh" anh suốt một thời gian dài...

Anh luôn đau đáu một "giải pháp" nhằm có thể hỗ trợ được phần nào những mảnh đời không may mắn, mang đến cho bệnh nhân những niềm tin được hồi sinh thêm một lần nữa, khi cơ hội y học vẫn đang còn.

Trên trang cá nhân của bác sĩ, video tư vấn hay chia sẻ nào của bác sĩ cũng nhận được cả nghìn lượt yêu thích và bình luận. Điều gì đã giúp anh được quan tâm nhiều như vậy?

Tôi chỉ mới đến với TikTok được khoảng 1-2 năm trở lại đây. Lúc đầu, tôi chỉ dùng TikTok như một nơi để giải trí sau giờ làm việc. Sau đó trong quá trình làm việc tại bệnh viện, gặp rất nhiều trường hợp các bệnh nhân mắc sỏi thận hoàn toàn có thể nhận biết sớm nhưng không ai phát hiện ra.

Ở các nước tiên tiến ít bị trường hợp như vậy bởi người ta chủ động nắm tình trạng sức khỏe của bản thân, xây dựng cho mình những thói quen ăn uống và thể dục thể thao tốt, ngoài ra còn có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đó chính là y học thường thức, y học dự phòng.

Tôi tự nhủ, tại sao mình không viết những kiến thức y học thường thức, chia sẻ trên các trang mạng để mọi người được biết? Suy nghĩ đến hành động, tôi bắt đầu viết và nhận được sự quan tâm của khá nhiều người trên mạng, có lẽ do các bài viết của tôi ít nhiều hữu ích với mọi người.

Ngoài ra có một yếu tố khác đó là, mặc dù viết về các kiến thức y học, về bệnh tật nhưng tôi sử dụng giọng văn tương đối hài hước, dễ hiểu và gần gũi kiểu trò chuyện với mọi người. Sau thời gian làm việc mệt mỏi, những video về y học có thêm một chút hài hước, "chém gió" sẽ khiến mọi người hào hứng và dễ đi vào lòng người hơn. Tôi nghĩ đó là lý do chính mọi người theo dõi trang cá nhân của tôi!.

Hiện nay, nhiều bài thuốc dân gian, gia truyền do các "bác sĩ Google, Facebook" chia sẻ tràn lan nhưng rất nhiều người tin và làm theo. Bác sĩ nhận định thế nào về những bác sĩ ảo bắt bệnh, chữa bệnh qua mạng này?

Tôi cũng biết đến nhiều người có những bài thuốc đặc biệt, nhưng tôi không có ý kiến về những bài thuốc đó. Bởi vì mình không đủ khả năng và cả thời gian để thẩm định mức độ hiệu quả của nó.

Gặp gỡ Nguyễn Thanh Tùng - Bác sĩ “khắc tinh” của sỏi thận - Ảnh 3.

Ảnh NVCC.

Nhưng với tư cách là một bác sĩ được đào tạo bài bản, các kiến thức chia sẻ, các bài viết tôi đều dựa vào sách vở hoặc dịch và tổng hợp từ các kiến thức nước ngoài.

Trên mạng xã hội, tôi chỉ chia sẻ những kiến thức y học có tính chất thường thức và mang tính dự phòng như lời khuyên nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tập thể dục thường xuyên, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh…

Anh có hay bị stress trong công việc của mình không?

Trong quá khứ, tôi cũng đã từng cảm thấy mệt mỏi khi dành cả ngày trong bệnh viện. Nhưng rồi tôi đã thay đổi cách suy nghĩ của mình. Tôi xem công việc là niềm vui và còn là một hoạt động mang tính nghệ thuật. Nghệ thuật của đôi bàn tay, của những dự liệu tính toán trước trong và sau quá trình điều trị bệnh, của những trải nghiệm với từng bệnh nhân cụ thể.

Sau những ca bệnh khó, những ca mổ lớn thành công, cảm xúc rất khó diễn tả. Mỗi ngày trôi qua, tôi luôn cố gắng biến mỗi trường hợp bệnh nhân thành niềm vui, khiến thời gian làm việc cũng là thời gian thư giãn, làm hết khả năng của mình nhưng không quá kỳ vọng vào sự hoàn hảo. 

Gặp gỡ Nguyễn Thanh Tùng - Bác sĩ “khắc tinh” của sỏi thận - Ảnh 4.

Ảnh NVCC.

Điều gì ám ảnh bác sĩ nhất trong khi làm nghề y?

Điều ám ảnh nhất sau 12 năm đi làm của tôi chính là việc người dân mình có kiến thức y học thường thức chưa cao, nếu không nói là còn thấp. Rất nhiều bệnh nhân vào viện khi bệnh đã quá nặng do không có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, chưa có kiến thức để phát hiện bệnh sớm, chưa có nhiều kiến thức về ăn uống tập luyện và dự phòng bệnh tật. Đến khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng, khó có thể cứu chữa thì mới đi bệnh viện, đó thực sự là điều đáng tiếc.

Những người có ý thức đi khám sức khỏe định kỳ thì lại chưa hiểu biết về những loại xét nghiệm, kiểm tra cần thiết phải làm để phát hiện bệnh sớm nhất.

Gặp gỡ Nguyễn Thanh Tùng - Bác sĩ “khắc tinh” của sỏi thận - Ảnh 5.

Ảnh NVCC.

Bác sĩ giỏi không chỉ là người chữa bệnh nặng giỏi mà còn là người giúp bệnh nhân phát hiện ra bệnh sớm, ngay từ khi bệnh mới xuất hiện với các dấu hiệu nghi ngờ hoặc tư vấn cho bệnh nhân những thói quen tốt trong cuộc sống hằng ngày để dự phòng bệnh tật.

Các bác sĩ hằng ngày đi mổ, đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện thực sự là đang giải quyết khúc đuôi, phần cuối của con đường bệnh tật. Y học dự phòng, nâng cao ý thức và kiến thức y học thường thức cho người dân mới là yếu tố cốt lõi để có một cộng đồng khỏe mạnh đúng nghĩa.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ hữu ích!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem