Fintech quan ngại về chủ trương hạn chế đầu tư nước ngoài

Huyền Anh Thứ ba, ngày 20/08/2019 13:44 PM (GMT+7)
Chuyên gia cho rằng, việc hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Fintech đặc biệt gây quan ngại do hiện nay sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech vẫn phần lớn dựa vào đầu tư nước ngoài. Chính phủ đã cho phép Ngân hàng 100% vốn nước ngoài (chi nhánh) hoạt động và xem xét nới room cho các ngân hàng thương mại. Vì vậy, không thể lấy hạn mức đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng hiện tại để làm tiền lệ cho Fintech.
Bình luận 0

Hôm nay (20/8), Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) và chuyên trang ICTnews của Báo Vietnamnet đã tổ chức buổi tọa đàm "Chính sách quản lý Fintech".

Nhiều dư địa phát triển Fintech

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ di động, những năm gần đây lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đã có sự phát triển vượt bậc, làm thay đổi diện mạo hệ thống tài chính – ngân hàng, đem lại thuận tiện cho các giao dịch kinh doanh – tiêu dùng.

Tuy nhiên, chính sách quản lý đối với lĩnh vực Fintech còn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, dẫn đến nhiều bất cập cần được khắc phục. Fintech giúp các giao dịch tài chính trở nên thuận lợi, tiện dụng với số đông người dùng, vì vậy cũng phát sinh quan ngại Fintech có thể bị lợi dụng cho các hoạt động không chính đáng.

Do đó, thời gian vừa qua cơ quan quản lý có những động thái nhằm siết chặt quản lý lĩnh vực Fintech, trong đó đáng chú ý là một số dự thảo quy định pháp luật hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán, hoặc hạn chế giá trị giao dịch và số tài khoản ví điện tử cũng như yêu cầu khai báo thông tin lại gây phiền hà cho người dùng…

img

Ông Ngô Văn Đức,  đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, vài năm qua, hoạt động Fintech phát triển ở Việt Nam nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Ngô Văn Đức - Phó Trưởng Phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, hoạt động Fintech phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung và có nhiều tiềm năng phát triển.

Dù vậy, hoạt động Fintech phát triển ở Việt Nam nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, theo thống kê không chính thức của Ngân hàng Nhà nước, có gần 150 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ đạo là lĩnh vực thanh toán, có 30 tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như cho vay ngân hàng, cung cấp giải pháp ngân hàng như xác thực điện tử, ứng dụng blockchain, dịch vụ tài chính cá nhân…

Nhằm hỗ trợ sự phát triển của Fintech, ngày 16/3/2017, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Fintech NHNN với nhiệm vụ hoàn thiện hệ sinh thái Fintech tai Viêt Nam bao gồm việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành và hoạt động của các công ty Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.

Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatoiy Sandbox) cho các doanh nghiệp Fintech, nghiên cứu và xây dựng khuôn khổ quản lý P2P Lending, xây dựng Thông tư về giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) hay sửa đổi quy định về xác thực khách hàng điện tử (E-KYC) nhằm hướng tới mục tiêu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.

Cơ chế quản lý Fintech cần phải khác với ngân hàng?

img

Nêu kiến nghị, giải pháp cho chính sách phát triển Fintech tại Việt Nam, nhiều diễn giả cho rằng, việc tăng cường quản lý là cần thiết nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao tính bảo mật, an toàn cho các giao dịch tài chính, bảo vệ quyền lợi cho người dùng.

Thế nhưng không có nghĩa rằng, không nên vì một số trường hợp cá biệt… mà áp đặt những hạn chế, ràng buộc gây bất tiện cho số đông người dùng, làm mất đi ý nghĩa tích cực của fintech đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số và chủ trương phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.

Đồng thời, Fintech không có trách nhiệm và khả năng ngăn chặn vi phạm. Cần khuyến khích việc Fintech có thể làm tốt nhất là phát hiện, theo dõi và cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý.

Ngoài ra, một số đề xuất đáng chú ý như sử dụng các cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý để thực hiện xác thực người dùng các dịch vụ Fintech, cũng như cho phép người dùng đăng ký các hạn mức giao dịch “mềm” với đơn vị cung cấp dịch vụ, có thể điều chỉnh tuỳ theo nhu cầu sử dụng cũng như đánh giá an toàn của mỗi người.

img

Ông Varun Mittal (ITC new)

Riêng đối với giới hạn đầu tư nước ngoài ở mức 30% hoặc 49% vào lĩnh vực Fintech, ông Varun Mittal, Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, đồng thời là Trưởng Bộ phận tư vấn dịch vụ Fintech tại các thị trường mới của Ernst & Young Singapore cho rằng, việc dự kiến hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Fintech cũng đặc biệt gây quan ngại, do hiện nay sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech vẫn phần lớn dựa vào đầu tư nước ngoài.

Đồng quan điểm, ông Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính (VAFI), Giám đốc Công ty Luật VCI Legal,  cũng lưu ý: “Theo Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP hay EU – VN FTA, Việt Nam đều đưa ra cam kết mở cửa lĩnh vực tài chính – ngân hàng với phạm vi cam kết rất rộng, bao gồm tất cả các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, cung cấp và chuyển giao thông tin tài chính, và xử lý dữ liệu tài chính và phần mềm liên quan bởi các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính khác; tư vấn, trung gian, và các dịch vụ tài chính phụ trợ khác.

Vì vậy, các cơ quan xây dựng chính sách cần lưu ý để tránh vi phạm cam kết quốc tế của Việt Nam, dẫn đến hệ lụy không mong muốn như các vụ kiện đầu tư tại nước ngoài thời gian gần đây”.

img

Ông Phùng Anh Tuấn

Hiệp hội VAFI cho rằng, Chính phủ đã cho phép Ngân hàng 100% vốn nước ngoài (chi nhánh) hoạt động và xem xét nới room cho các ngân hàng thương mại. Vì vậy, không thể lấy hạn mức đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng hiện tại (30%) để làm tiền lệ cho Fintech.

Được biết, việc NHNN muốn hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán là nhằm ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia, tránh sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngân hàng tài chính, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước nắm bắt cơ hội.

img

Các chuyên gia giải đáp các câu hỏi tại buổi tọa đàm "Chính sách quản lý Fintech"

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nghiêm Thanh Sơn – phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) thông tin, về tỷ lệ room nước ngoài vào lĩnh vực Fintech hiện đang được cơ quan chức năng lấy ý kiến và chưa đưa ra tỷ lệ nào chính thức. Tuy nhiên, NHNN vẫn lựa chọn 1 trong 2 khả tỷ lệ là 30% hoặc 49%.

“Chúng tôi cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác nhau, cũng như quy định của các FTA mà Việt Nam tham gia để đưa ra tỷ lệ room ngoại phù hợp với lĩnh vực này.  Nhiều khả năng sẽ áp dụng 30% hay 49%. Theo số liệu thông kê, hết quý I/2019, toàn thị trường hiện có 27 ví được cấp phép nhưng có tới 90% cả số lượng lẫn giao dịch đều nằm trong 5 công ty trung gian thanh toán lớn. Các công ty này đều có sở hữu nước ngoài từ 30% đến hơn 90%. Điều này cũng đặt ra nhiều mối quan ngại liên quan đến an toàn thông tin và cũng đủ lớn để ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, ông Sơn nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem