Hà Nội: Lợi ích lớn từ dồn điền đổi thửa

Thứ ba, ngày 14/08/2012 11:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những địa phương có đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, mỗi hộ có nhiều ô, thửa ruộng trên nhiều cánh đồng... sẽ ảnh hưởng đến phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới (NTM).
Bình luận 0

Việc dồn điền đổi thửa có tác động tích cực tới hầu hết 19 tiêu chí trong xây dựng NTM.

Tác động đến tất cả các tiêu chí

Trước hết, với tiêu chí quy hoạch (tiêu chí số 1), nếu dồn điền đổi thửa (DĐĐT) thành công từ nhiều ô thửa của mỗi hộ, ở nhiều vị trí phân tán sẽ giúp cho địa phương tiến hành công tác quy hoạch xã NTM rất thuận tiện như quy hoạch đồng ruộng, điểm dân cư, quy hoạch thủy lợi (tiêu chí 3), giao thông nội đồng (tiêu chí 2)...

img
Dồn điền đổi thửa sẽ giúp cho sản xuất nông nghiệp Hà Nội có quy mô lớn hơn.

Do có ô thửa lớn, giao thông, thủy lợi nội đồng đảm bảo sẽ giúp cho công tác cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giải phóng sức lao động, từ đó hỗ trợ nâng cao thu nhập của người nông dân (tiêu chí 10) và góp phần hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp (tiêu chí 12). Kết quả DĐĐT hỗ trợ công tác xây dựng NTM thời gian qua ở một số địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội khá thuận lợi, điển hình như các xã Đại Thắng (Phú Xuyên), Tân Hưng, Minh Trí (Sóc Sơn), Hợp Thanh (Mỹ Đức)...

Việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và hình thành tổ dịch vụ cơ giới phục vụ sản xuất trong hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, cùng với việc quy hoạch lại đồng ruộng sẽ giúp cho công tác tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông thôn diễn ra thuận lợi, hình thành các HTX chuyên canh, hỗ trợ cho hoạt động của HTX nông nghiệp (tiêu chí 13). Mặt khác, nếu trước đây, một doanh nghiệp muốn đầu tư vào một địa phương phải bàn bạc với nhiều hộ, thì nay chỉ cần thỏa thuận với một hoặc vài hộ là có diện tích đủ để thực hiện một dự án sản xuất. Như vậy, DĐĐT còn tạo điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Trước đây, khi triển khai đo ruộng chia cho các hộ, chủ yếu là dùng phương pháp thủ công, nên sai số lớn. Một số nơi có hiện tượng đo đất không công bằng. Còn hiện nay, nhờ thực hiện DĐĐT, chia lại bằng thước dây và vằn máy, nên đã đảm bảo sự chính xác, công bằng, được nhân dân đồng tình, từ đó hỗ trợ cho tiêu chí an ninh trật tự xã hội nông thôn (tiêu chí 19). Những diện tích đất dôi dư trong các hộ và diện tích có được do bỏ bờ vùng, bờ thửa đã giúp cho các địa phương có thêm quỹ đất công thực hiện quy hoạch điểm dân cư mới, cũng như các công trình phúc lợi, mà không phải giải phóng mặt bằng.

Năng lực cán bộ được nâng cao

Tuy nhiên, công tác DĐĐT sẽ gặp khó khăn do đụng chạm tới quyền lợi của các hộ dân. Trong thời gian ngắn thực hiện nhiều công việc (xây dựng phương án, kế hoạch triển khai, tuyên truyền, hội họp), nhiều nội dung (đo đạc, chia đất, xây dựng bản đồ, hồ sơ cấp giấy chứng nhận), nên cán bộ địa phương không muốn triển khai thực hiện. Cho nên, khi công tác DĐĐT thành công, thì năng lực tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng NTM của cán bộ được nâng lên rõ rệt (tiêu chí 18).

Công tác DĐĐT đã hỗ trợ tích cực cho triển khai thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn như: Giao thông nông thôn (tiêu chí 2), thủy lợi (3), điện nông thôn (4), trường học (5), nhà văn hóa, sân thể thao (6), chợ nông thôn (7), bưu điện nông thôn (8), nhà ở dân cư (9), trạm y tế xã (15), bãi xử lý rác thải, hệ thống cấp thoát nước (17), trụ sở UBND xã (18)... Đặc biệt là có quỹ đất để địa phương đấu giá quyền sử dụng đất, huy động nguồn lực thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM.

Bài học thực tế tại xã Hợp Thanh (Mỹ Đức) là một ví dụ điển hình. Trong suốt 11 năm (1997-2008), mặc dù tỉnh Hà Tây (cũ) đã có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ DĐĐT gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở đây, nhưng nhiều xã không thực hiện được DĐĐT, số thửa trung bình vẫn còn lớn 7-8 thửa/hộ. Khi xã Hợp Thanh triển khai thực hiện xây dựng NTM, đã xác định khâu đột phá là DĐĐT. Lãnh đạo địa phương đã gương mẫu, đi đầu, cùng với sự ủng hộ của toàn dân, chỉ trong 2 tháng cuối năm 2011, xã đã DĐĐT xong, mỗi hộ chỉ còn 1- 2 thửa, thu được 22,9ha đất dôi dư...

Như vậy, có thể khẳng định lại rằng: Với những địa phương ruộng đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, nếu tổ chức thành công công tác DĐĐT sẽ có tác động rất tích cực cho Chương trình xây dựng NTM hiện nay.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem