Được, mất khi sáp nhập tỉnh: Ông Dương Trung Quốc nêu yếu tố quan trọng sau sáp nhập

Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 22/07/2021 09:50 AM (GMT+7)
Ông Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, văn hoá là yếu tố quan trọng cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Bình luận 0

Mới đây chủ trương sáp nhập tỉnh của Bộ Nội vụ mặc dù mới chỉ ở bước đầu của việc nghiên cứu, xem xét nhưng đã gây sự chú ý lớn của dư luận. PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cựu đại biểu Quốc hội khoá XIV xoay quanh vấn đề này.

Được, mất khi sáp nhập tỉnh: Câu chuyện dung hoà văn hoá sau sáp nhập - Ảnh 1.

Ông Dương Trung Quốc - cựu đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Hoàng Phong

Theo ông Dương Trung Quốc, đơn vị hành chính có rất nhiều thay đổi qua từng chế độ chính trị, từ thời kỳ phong kiến đến thời kỳ thuộc địa. Từ 31 tỉnh thời Nguyễn độc lập, người Pháp tách và đặt thêm 26 tỉnh nữa trong thời gian cai trị Việt Nam là Hà Nam, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh, Thái Bình, Bắc Giang, Kiến An, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Kạn, Hải Ninh, Đồng Nai Thượng, Lâm Viên, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, Gò Công, Sa Đéc, Bến Tre, Trà Vinh, Châu Đốc, Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Long Xuyên, Bạc Liêu. Tính tổng số Việt Nam thời Pháp thuộc có 55 tỉnh.

Khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986 đã tiến hành sáp nhập còn 44 tỉnh, thành nhưng nay đã lên 63 tỉnh, tăng so với thời Pháp thuộc.

"Chia thành 63 tỉnh thành rõ ràng quá manh mún. So với quốc gia khác có nước diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số lớn hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh; có nước được hình thành bởi gần 70.000 hòn đảo, dân số 120 triệu cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính... Việc sáp nhập đơn vị hành chính sẽ giúp thu gọn đầu mối, giảm biên chế, bộ máy hoạt động hiệu quả hơn", ông Quốc nêu quan điểm.

Tuy nhiên, vị cựu đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, khi sáp nhập, một trong những yếu tố quan trọng cần tính đến trước tiên đó là sự thích nghi về văn hóa giữa các địa phương. 

Ông Quốc dẫn chứng lần sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Tuy nhiên, thực chất Hà Tây không chỉ một đơn vị hành chính mà còn là cả một không gian văn hoá xứ Đoài, khi nhập lại tạo ra sự chênh lệch.

Ông cho rằng, các thành tựu về kinh tế - xã hội sau hơn 10 năm sát nhập có thể nhìn ra dễ hơn nhưng với văn hóa thì nên cẩn trọng. Bởi lẽ, văn hóa Thăng Long – Hà Nội là văn hóa kinh kỳ. Văn hóa Hà Tây là văn hóa của người lao động chất phác. Mỗi nền tảng văn hóa đều có sự khác biệt, đặc sắc riêng, không thể trộn lẫn. Thủ đô càng lớn mạnh về kinh tế, càng hiện đại thì càng cần đầu tư, giữ lấy văn hóa cơ bản, nét đặc sắc riêng.

"Sáp nhập phụ thuộc rất nhiều vào tổ chức và năng lực. Tổ chức là không gian, năng lực trước hết là năng lực cán bộ, tôi thấy hiện có rất nhiều cái không thoả mãn, rất nhiều bất cập. Nếu nghĩ đến sự thay đổi cần thận trọng, rất cần thiết có những cuộc tổng kết, đánh giá xem những mặt được và chưa được để rút ra những bài học, đừng để nhập vào rồi lại tách ra", ông  Quốc nói.

Được, mất khi sáp nhập tỉnh: Câu chuyện dung hoà văn hoá sau sáp nhập - Ảnh 3.

Văn hóa xứ Đoài từng bị lo lắng sẽ lụi tàn khi Hà Tây sát nhập vào Hà Nội. Ảnh: Vietnamguide

Trước những thông tin về vấn đề sáp nhập tỉnh đang được dư luận quan tâm, mới đây, Bộ Nội vụ đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí về tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 và tổng kết việc thực hiện tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm chuẩn bị tài liệu phục vụ kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung này mới chỉ là bước đầu, còn một số nội dung tiếp tục phải thực hiện ngoài 2 tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số còn một số vấn đề như vị trí địa chính trị, lịch sử, văn hóa, truyền thống và lối sống của cộng đồng dân cư, yếu tố về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quy hoạch vùng và quốc gia, yêu cầu phát triển kinh tế, lối sống cộng đồng dân cư.

Do đó, vấn đề này rất cần phải lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cũng như ý kiến của người dân để tổng hợp đầy đủ thông tin làm cơ sở hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Trên cơ sở tiêu chuẩn của đơn vị hành chính được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua, Bộ Nội vụ tiếp tục đề xuất đẩy mạnh việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022-2026 kết hợp với tiếp tục sắp xếp thôn, tổ dân phố theo chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về việc "tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu triển khai thực hiện ở cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp"; Nghị quyết số 18-NQ/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 50/2021 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Nội vụ có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét, chuẩn bị xây dựng đề án thực hiện thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo đúng đường lối chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, việc đề xuất thí điểm mới chỉ ở bước đầu của việc nghiên cứu, xem xét, hoàn thiện, bổ sung cơ sở pháp lý nhất là sửa đổi Nghị quyết 1211/2016 vì đây là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, cần được chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, công phu và phải đánh giá tác động nhiều chiều nhằm bảo đảm tính khả thi.

Việc này cũng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia (hiện nay quy hoạch này chưa được cấp có thẩm quyền ban hành) và điều kiện thực tiễn của từng địa phương bảo đảm phù hợp với diện tích tự nhiên, quy mô dân số, vị trí địa chính trị, lịch sử, văn hóa, truyền thông và lối sống của cộng đồng dân cư, yếu tố về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quy hoạch vùng và quốc gia, yêu cầu phát triển kinh tế, lối sống cộng đồng dân cư... trên tinh thần phải bảo đảm mục tiêu ổn định và phát triển.

Vì vậy cần phải có đủ thời gian để khảo sát, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện đề án rất toàn diện, kỹ lưỡng, thận trọng, cụ thể và hợp lý. Vì thế đến nay chưa có danh sách cụ thể các địa phương thuộc diện xem xét bị sáp nhập như dư luận lo lắng.

Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem