Đức 'nổi đóa' lên án Mỹ bán khí đốt giá 'trên trời', hưởng lợi từ xung đột Nga-Ukraine

Minh Nhật (theo CGTN) Thứ năm, ngày 06/10/2022 19:53 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Các vấn đề Kinh tế và Hành động vì Khí hậu của Đức, Robert Habeck vừa lên tiếng chỉ trích mức giá khí đốt "trên trời" mà các nước cung cấp "thân thiện" với Đức chẳng hạn như Mỹ áp đặt, cho thấy những nước này đang thu lợi lớn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Bình luận 0
Đức 'nổi đóa' lên án Mỹ bán khí đốt giá 'trên trời', hưởng lợi từ xung đột Nga-Ukraine - Ảnh 1.

Một đoạn đường ống Nord Stream 1 ở Đức. Ảnh: Reuters.

Theo CGTN, tuyên bố trên tờ Neue Osnabruecker Zeitung (NOZ) của Đức, ông Habeck nhấn mạnh: "Một số quốc gia, ngay cả những quốc gia thân thiện đang bán khí đốt với giá cao ngất ngưởng. Tất nhiên, điều đó kéo theo các vấn đề chúng ta phải bàn tới".

Xung đột Nga-Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng ở Đức. Trước cuộc chiến, Nga từng cung cấp 55% khí đốt cho Đức. Để giải quyết tình trạng thiếu khí đốt, Berlin đang đầu tư vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ hơn.

Do đó, Đức và các nước châu Âu khác đã chuyển sang dựa vào Mỹ - quốc gia hiện cung cấp 45% lượng LNG cho châu Âu - tăng 28% so với năm 2021.

Ông Habeck cho rằng Liên minh châu Âu (EU) nên làm nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của khu vực và kêu gọi khối này "tăng cường sức mạnh thị trường đồng thời điều chỉnh hành vi mua hàng thông minh và đồng bộ".

Mỹ đã chưa phản hồi về những bình luận của ông Habeck.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết bà muốn thảo luận về giới hạn giá khí đốt.

"Giá khí đốt cao đang thúc đẩy giá điện tăng. Chúng ta phải hạn chế tác động lạm phát này của khí đốt đối với điện - ở khắp mọi nơi thuộc châu Âu", bà Ursula von der Leyen cho biết trong một bài phát biểu tại Strasbourg, Pháp hôm 5/10.

Không có giọt khí đốt nào chảy từ Nga sang Đức qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) kể từ tháng 9. Tuần trước, sự cố rò rỉ lớn đã được phát hiện sau loạt vụ nổ được Cơ quan động đất Na Uy thông báo. Nga và Mỹ đã cáo buộc nhau thực hiện hành vi phá hoại.

Tuần trước, Đức đã công bố một quỹ trị giá 200 tỷ Euro (199 tỷ USD) để bảo vệ người tiêu dùng khi giá năng lượng tăng vọt.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp chỉ trích từ Pháp và các thành viên chủ chốt của Ủy ban châu Âu vốn đang kêu gọi các giải pháp trên toàn EU cho cuộc khủng hoảng năng lượng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem