Năm 2023, Việt Nam bứt phá đón khách du lịch quốc tế

Huy Hoàng Thứ năm, ngày 21/12/2023 18:30 PM (GMT+7)
Thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 - 13 triệu lượt) của năm.
Bình luận 0

Đây là thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tại Hội thảo triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch năm 2023 diễn ra vào ngày 21/12.

Năm 2023, Việt Nam đón khách quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài check in tại chuyến tàu di sản tại Ga Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Huy Hoàng

Năm 2023, du lịch Việt Nam đón khách quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt

Cụ thể, năm 2023, hoạt động du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 - 13 triệu lượt) của năm. Khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% so với kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.

Hình ảnh Du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vinh dự nhận danh hiệu "Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á" lần thứ 4. Tại lễ trao giải thưởng toàn cầu, Việt Nam được Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới"; nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã nhận được các hạng mục giải thưởng danh giá khác.

Cũng tại Hội thảo, bên cạnh kết quả đạt được năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng chỉ ra những mặt hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Theo ông Ngô Hải Dương, Chánh Văn phòng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam: "Sau khi tổ chức, sắp xếp lại Tổng cục Du lịch sang mô hình, cơ cấu mới là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Cục vẫn kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Du lịch theo quy định pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. 

Tuy nhiên, trong công tác quản lý nhà nước về du lịch vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: một số quy định tại Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn về kinh doanh lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên không còn phù hợp thực tiễn; cơ chế thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch chất lượng cao chưa được quan tâm; hiện tượng người nước ngoài núp bóng Việt Nam hành nghề hướng dẫn, một số doanh nghiệp Việt Nam vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch vẫn tồn tại; chưa tổ chức được các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam có quy mô, tính chất quốc gia, tạo tiếng vang; liên kết phát triển du lịch giữa cơ quan quản lý du lịch trung ương và địa phương, giữa các khối cơ quan quản lý nhà nước - hiệp hội - doanh nghiệp vẫn chưa chặt chẽ…

Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước còn chưa theo kịp thực tiễn, nhất là với các loại hình, sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm liên quan đến tính mạng, sự an toàn của du khách; du lịch nông nghiệp, nông thôn…".

Năm 2023, Việt Nam đón khách quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt - Ảnh 2.

Du lịch Việt Nam. TS. Trương Sỹ Vinh - Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) phát biểu tại Hội thảo triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch năm 2023 diễn ra vào ngày 21/12. Ảnh: Cục DLQGVN

Cũng tại Hội thảo, dưới góc nhìn của người nghiên cứu, TS. Trương Sỹ Vinh - Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho hay: Mặc dù ngành du lịch đã đạt được những thành công nhất định trong phát triển du lịch. Nhưng du lịch Việt Nam vẫn bị đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và sự kỳ vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch vẫn chưa thực sự hấp dẫn, khả năng cạnh tranh chưa cao, chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu…

Theo TS Trương Sỹ Vinh cần có 5 giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò dẫn dắt của Cơ quan quản lý Nhà nước.

"Giải pháp đầu tiên tôi muốn nói đến đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch. Trước kia, năm 1960, các cơ quan quản lý nhà nước, có thẩm quyền ban hành khá nhiều văn bản pháp luật quy định trực tiếp và gián tiếp điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch. 

Thế nhưng hiện tại các chính sách đầu tư phát triển du lịch hậu như không có ưu tiên so với các lĩnh vực khác. Cụ thể phát triển kinh tế đêm gắn với thu hút khách du lịch còn nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề quy hoạch, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, lao động. Nhiều mô hình kinh doanh mới liên quan đến du lịch như kinh tế chia sẻ, chia sẻ kỳ nghỉ, mô hình doanh doanh condetel… chưa có các quy định chặt chẽ. Các quy định về bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản gắn với hoạt động du lịch… chưa được quy định rõ nên khó thực thi", TS Trương Sỹ Vinh nói.

Giải pháp tiếp theo mà TS Trương Sỹ Vinh nêu là phát triển nguồn nhân lực và định hướng về thị trường du lịch; Yêu cầu phối hợp liên ngành, liên vùng trong quản lý về du lịch; quản lý phát triển du lịch theo hướng bền vững; đổi mới phương thức quản lý nhà nước về du lịch thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đại diện Phòng Quản lý lữ hành, Phòng Quản lý lưu trú du lịch và đại diện các Sở quản lý du lịch Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình, Khánh Hòa cùng một số doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú đã có những ý kiến đề xuất về việc ban hành các cơ chế chính sách thuận lợi cho cho du lịch, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, địa phương. Tăng cường hoạt động quản lý doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch. Đẩy mạnh liên kết trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; tăng cường công tác chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh… nhằm tạo thuận lợi cho du lịch phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Năm 2023, Việt Nam đón khách quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Cục DLQGVN

Kết luận Hội thảo, ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, ghi nhận các ý kiến đóng góp của của đại biểu và giao Văn phòng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổng hợp, tiếp thu và trình Lãnh đạo Cục để tham mưu các cấp ban hành cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho du lịch.

Đồng thời, ông Phạm Văn Thủy cũng cho hay, nhiệm vụ cho ngành du lịch năm 2024, đề nghị các sở quản lý du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư du lịch, phát huy vai trò của nhà đầu tư chiến lược trong việc phát triển du lịch hiện đại, đẳng cấp quốc tế.

Tiếp tục nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, nâng cao chất lượng công tác hoạch định chính sách, đổi mới tư duy về quản lý và phát triển du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch theo phương châm "Nhà nước - doanh nghiệp - nhân dân đồng hành phát triển du lịch".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem