Dự báo 20 năm nữa, dân số Việt Nam càng ngày càng... giảm

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 10/11/2023 13:17 PM (GMT+7)
Mức sinh thay thế của Việt Nam đang giảm, có nơi ở mức rất thấp. Nếu không "kích sinh" dự báo, hơn 20 năm nữa, dân số Việt Nam sẽ giảm dần.
Bình luận 0

Ngày 10/11, tại hội thảo "Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp", ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, với mức sinh càng ngày càng thấp như hiện nay, dự báo, dân số Việt Nam sẽ tăng lên lên "đỉnh điểm" 107 triệu vào năm 2044, sau đó "tụt dần đều" và hạ xuống 72 triệu vào năm 2100. 

Mức sinh thấp như hiện nay đang góp phần đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số ở nước ta. 

"Khi dân số già, chi phí chăm sóc và các chi phí xã hội khác cao hơn; Ít nhân công hơn, giảm khả năng cạnh tranh kinh tế, cơ sở tính thuế thấp hơn, ít người tiêu dùng hơn. Hậu quả là tăng trưởng kinh thế thấp hơn và mức sống giảm", ông Đức nhận định.

Bên cạnh đó, Việt Nam đối mặt với vấn đề "già trước khi giàu" vì có tốc độ già hóa "thần tốc". Nếu như Pháp mất 15 năm để chuyển từ dân số vàng sang dân số già mất 115 năm, còn Việt Nam chỉ mất 19 năm. 

Với thời gian "già hóa" quá ngắn, nền kinh tế còn đang phát triển, chúng ta chưa kịp chuẩn bị các mạng lưới an sinh xã hội phù hợp để đón một xã hội nhiều người già. Do đó, hệ lụy về kinh tế xã hội khi dân số già hóa nhanh chóng cũng cao hơn. 

Dự báo năm 20 năm nữa, dân số Việt Nam càng ngày càng... giảm - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương; Mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số. Ảnh CTV

Việt Nam cũng chỉ mất 19 năm từ dân số vàng sang dân số già, trong khi Pháp mất đến 115. Với tốc độ già hóa "thần tốc" này, Việt Nam chưa giàu đã già.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho biết, Việt Nam đạt mức sinh thay thế với trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15-49 tuổi) có 2,1 con từ năm 2006 đến nay. 

Tuy nhiên, mức sinh lại chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, tỉnh, thành phố, đặc biệt là xuất hiện xu hướng mức sinh ngày càng thấp, các cặp vợ chồng trẻ ngày càng "lười" có con. 

Theo Tổng cục Thống kê năm 2021, mức sinh của khu vực thành thị, toàn bộ các tỉnh, TP Đông Nam bộ (trừ Bình Phước) và vùng đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Trong đó, một số tỉnh TP có mức sinh rất thấp tới 1,48 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. 

Ngoài ra, ước tính mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, với tỷ lệ khoảng 7.7% dân số. Trong số này, khoảng 50% là các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau 1 lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. 

"Mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số. 

Đồng thời tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa- xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội", bà Hương nhấn mạnh.  

Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Cục Dân số, Bộ Y tế) cũng chia sẻ, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng thời gian tới cơ cấu dân số sẽ thay đổi nhanh. 

Theo ông Sơn, hiện nay, Việt Nam vẫn đang đạt mức sinh thay thế nhưng mức sinh thay thế giữa các vùng có sự chênh lệch đáng kể. Trong đó có 9 tỉnh, TP đạt mức sinh thay thế (chiếm 19% dân số); 33 tỉnh, TP có mức sinh cao (chiếm 42% dân số) và 21 tỉnh TP có mức sinh thấp (chiếm 39% dân số). 

Các tỉnh có mức sinh cao và mức sinh thay thế và mức sinh cao bao gồm các tỉnh ở Trung và miền Đông núi phía Bắc (2,43 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ), Đồng bằng sông Hồng (2,35 con), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (2.,32 con); Tây Nguyên (2.43 con), Đông Nam Bộ (1,56 con), Đồng Bằng sông Cửu Long (1.80 con). 

"Đã có năm, mức sinh thay thế của TP.HCM xuống tới hơn 1,2 con, ở mức "siêu thấp". Do đó, đối với các tỉnh có mức sinh thấp, chúng ta cần có giải pháp để "kích sinh" ngay từ bây giờ. 

Bởi kinh nghiệm các nước có mức sinh thấp trên thế giới cho thấy, nếu mức sinh dưới 1,3 thì không có khả năng khôi phục", ông Sơn nhận định. 

Ông Sơn cũng phân tích, việc các gia đình trẻ "lười" có con có nhiều nguyên nhân. Phụ nữ hiện nay càng độc lập, muốn học hành cao, muốn có sự nghiệp của riêng mình nên không muốn dành quá nhiều thời gian cho việc "bỉm sữa" nên trì hoãn sinh con hoặc chỉ sinh 1 con. 

Ngoài ra, gánh nặng kinh tế khi sinh nở, tiền ăn học, viện phí, vui chơi... cho một đứa trẻ ngày càng cao khiến cho các cặp vợ chồng không dám sinh nhiều con. 

Tại Hội thảo, Bộ công cụ chính sách can thiệp thực tiễn mức sinh cho các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do tổ chức Economist Impact nghiên cứu được công bố.

Dự báo năm 20 năm nữa, dân số Việt Nam càng ngày càng... giảm - Ảnh 2.

Gánh nặng knh tế khi phải cho trẻ ăn học, khám chữa bệnh... khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ sợ có con (Thăm khám cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh BVCC)

Bộ công cụ là một phần chính sách quan trọng trong dự án Fertility Count- một sáng kiến nhằm giải quyết các thách thức về kinh tế và xã hội liên quan đến mức sinh thấp ở khu vực Châu Á- Thái Bình dương với sự tài trợ của Merck Healthcare.

Bốn nhóm chính sách được đề cập trong bộ công cụ này là: Chăm sóc trẻ em, Chính sách tại nơi làm việc, Ưu đãi tài chính và Hỗ trợ sinh sản. Các chính sách này nhằm hỗ trợ các cặp vợ chồng trẻ, nâng cao mức sinh.

Theo đó, chính sách chăm sóc trẻ em sẽ tăng tính sẵn có của dịch vụ chăm sóc trẻ em, hỗ trợ phí chăm sóc trẻ em. 

Chính sách tại nơi làm việc cần cải thiện chế độ nghỉ sinh cho người mẹ và người bố, thiết kế giờ làm việc linh hoạt (rút ngắn hoặc làm việc bán thời gian), cho phép nghỉ không lương có đảm bảo công việc khi quay lại. 

Chính sách hỗ trợ tài chính là có tiền thưởng khi sinh con, hỗ trợ thuế, hỗ trợ tiền mặt hàng tháng với từng trẻ. 

Chính sách hỗ trợ sinh sản nhằm cải thiện ngân sách hỗ trợ cho thụ tinh nhân tạo, bảo hiểm vô sinh bắt buộc, tăng tính sẵn có của dịch vụ thụ tinh nhân tạo. 

"Khi việc mang thai, nuôi con không còn là gánh nặng thời gian, kinh tế, không xung đột giữa vai trò làm mẹ và người lao động, sẵn sàng cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh sản... thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều bà mẹ muốn sinh con hơn", ông Đức chia sẻ. 

Hội thảo "Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" do Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) chủ trì, phối hợp với Cục Dân số (Bộ Y tế) và Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam tổ chức.

Các đại biểu đều nhấn mạnh, nếu Việt Nam không sớm có các giải pháp để "khuyến sinh" ở các vùng có mức sinh thấp, khiến xu hướng này lan rộng thì nguy cơ sẽ đối mặt với nhiều hệ lụy như Hàn Quốc hay Nhật Bản...

Hàn Quốc có tổng tỷ suất sinh (TFR) thấp nhất thế giới ở mức 0,8, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế là 2,1, trong khi đó Singapore và Nhật Bản cũng không cao hơn nhiều, lần lượt ở mức 1,1 và 1,3.

Với thực tế này, người cao tuổi (trên 60 tuổi) trong khu vực dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2010 đến 2050. Xã hội sẽ toàn người già, thiếu lao động, nhiều người lệ thuộc, gánh năng chăm sóc, an sinh xã hội lớn.






Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem