ĐT Việt Nam: Chấp nhận mạo hiểm mới có thành công

Phạm Trần Oánh Thứ sáu, ngày 16/06/2023 09:10 AM (GMT+7)
Để xưng hùng, xưng bá ở khu vực với đối thủ lớn nhất là Thái Lan, ĐT Việt Nam chỉ việc phòng ngự chặt, phản công nhanh cho quen thuộc, an toàn. Còn nếu muốn hơn thế, chúng ta phải thay đổi và phải đối diện với khó khăn, rủi ro.
Bình luận 0

ĐT Việt Nam đang thay đổi

Nhìn vào đội hình các cầu thủ chính thức của ĐT Việt Nam khởi động trước trận đấu, ta thấy những khuôn mặt quen thuộc, những cầu thủ tốt nhất của bóng đá Việt Nam. Đặc biệt là sau pha pressing thành công ở ngay phút đầu tiên, hẳn người xem đã hình dung ra 1 trận thắng tưng bừng của ĐT Việt Nam.

Thực tế, nếu đây là 1 trận có tính chất knock-out quan trọng, trước 1 đội Hong Kong (Trung Quốc) dâng cao đá tấn công, kiểm soát bóng như thế, với những cầu Việt Nam có mặt trên sân, nếu đá với lối đá phòng ngự phản công quen thuộc, hẳn các cầu thủ Hong Kong đã không thể cầm cự được như vậy, tỷ số cũng có thể đã khác nhiều.

ĐT Việt Nam: Chấp nhận mạo hiểm mới có thành công - Ảnh 1.

ĐT Việt Nam giành chiến thắng với pha lập công từ chấm phạt đền của Quế Ngọc Hải. Ảnh: 24h

Nhưng chúng ta đều biết đó không phải là mục đích của ĐT Việt Nam trong trận đấu này cũng như trong chiến lược phát triển của đội bóng.

Có một thực tế là việc triển khai lối đá phối hợp kiểm soát bóng, làm chủ thế trận, chắc chắn trong phòng ngự, linh hoạt trong tấn công, qua đó tạo ra các cơ hội cho đội bóng của các cầu thủ Việt Nam trong trận này là không hiệu quả. Đã có khá nhiều điểm bất ổn trong việc triển khai chiến thuật của các cầu thủ Việt Nam.

Đầu tiên, lối đá kiểm soát bóng đòi hỏi các cầu thủ có khả năng chuyển đổi trạng thái từ phối hợp tấn công sang phòng ngự khi mất bóng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Họ phải tổ chức tranh cướp bóng ngay khi vừa bị mất bóng. Nhưng như ta thấy, các cầu thủ Việt Nam chưa làm được điều này, đặc biệt là ở hiệp 2.

Cũng trong khâu tổ chức phòng ngự, các cầu thủ Việt Nam thực hiện phối hợp chưa tốt, thể hiện ở nhiều tình huống, kể cả trong các tình huống cố định như các pha chống phạt góc. Ở quả phạt góc đầu tiên của Hong Kong (Trung Quốc), việc bắt người tuyến dưới của đối phương lao vào chưa tốt, may mắn là tình huống đó đã bóng tới chân cầu thủ Hong Kong (Trung Quốc), nhưng anh này không tận dụng được cơ hội. Không thể nói 1 hàng phòng ngự tổ chức chống đá phạt góc tốt khi để bóng bay từ điểm phạt góc rơi xuống đất ngay gần vạch 5m50 trước cầu môn như vậy.

Việc tổ chức thoát pressing chưa tốt, điển hình là các tình huống để mất bóng dẫn đến nguy hiểm cho cầu môn của Văn Lâm.

ĐT Việt Nam: Chấp nhận mạo hiểm mới có thành công - Ảnh 2.

ĐT Việt Nam chơi chưa thực sự ấn tượng vì cần có sự đổi mới. Ảnh: 24h

Trong tổ chức tấn công, các cầu thủ Việt Nam cầm bóng, phối hợp chuyền ban nhiều, nhưng rất ít các pha tiếp cận cầu môn. Tình trạng này khá giống với các cầu thủ U22 của ông Troussier ở những trận đấu đầu tiên. Có thể do thận trọng, chắc chắn quá trong giữ bóng trong khi cần các tình huống phiêu lưu hơn để tạo đột biến. Kiểu như trong pha bóng ở hiệp 1, Quang Hải bỏ bóng qua chân cho cầu thủ đứng sau rồi chạy thẳng vào khu trung lộ để nhận quả bật tường của đồng đội, một miếng phối hợp khá quen thuộc của Quang Hải. Nhưng cầu thủ đứng sau anh đã không hiểu ý và dẫn đến tình huống mất bóng.

Điều này cũng dễ hiểu, chỉ khi nào các cầu thủ thực sự tự tin vào khả năng cầm bóng, thoải mái trong việc phối hợp kiểm soát bóng, họ mới có thể chuyển sang trạng thái phối hợp ngẫu hứng tạo đột biến. Cũng như khi họ tự tin vào khả năng chuyển đổi trạng thái của mình, từ đang cầm bóng phối hợp, chuyển sang bắt người, săn bóng khi mất bóng một cách có hiệu quả, kiểu như cho dù có bị mất bóng cũng không quá đáng ngại, họ mới dễ dàng đưa ra quyết định thực hiện những pha ban đập thọc sâu vào khu vực cầu môn đối phương hơn, những pha bóng mà khả năng thành công luôn thấp hơn rất nhiều so với khả năng mất bóng.

Để thành công trong việc thoát pressing lẫn phối hợp tấn công đều đỏi hỏi việc chạy chỗ hợp lý của các cầu thủ xung quanh đồng đội cầm bóng. Nhưng do chưa thực sự nhuần nhuyễn và hiểu ý nhau, nên có rất nhiều pha để mất bóng hoặc phối hợp luẩn quẩn, không hiệu quả. Những pha bóng nguy hiểm mà đội Hong Kong (Trung Quốc) có được đều xuất phát từ các tình huống này.

Có thể có nhiều lý do cho những bất ổn trong màn thể hiện của các cầu thủ Việt Nam ở trận đấu này, như các cầu thủ mới tập hợp, chưa thực sự hiểu ý nhau. Nhưng thực ra đây là 1 cuộc thử nghiệm, không chỉ là thử nghiệm kiểm tra phong độ từng cá nhân trong đội bóng. Mọi ý tưởng chiến thuật cần được đưa vào vận hành để qua đó phát hiện ra các khiếm khuyết. Ví dụ như việc đẩy các trung vệ lên tham gia tấn công ở 2 cánh. Ta đều thấy ở hiệp 1, cả Nguyễn Thanh Bình và Quế Ngọc Hải đều leo biên, lật bóng như 1 hậu vệ cánh. Quế Ngọc Hải còn đảo cánh sang biên phải để leo lên lật bằng chân thuận. Chính từ 1 tình huống như vậy, khi anh không kịp về vị trí, đội Hong Kong (Trung Quốc) đã có 1 pha bóng đối mặt nguy hiểm với thủ môn Văn Lâm ở hiệp 1. Thực tế, nếu trong 1 trận đấu mà phải đá để thắng bằng được, sẽ không đội bóng nào dại dột làm xáo trộn hàng phòng ngự bằng việc đẩy các trung vệ trung vệ đảo cánh lên tấn công khi tỷ số trận đấu vẫn đang thuận lợi. Lợi ích của việc áp dụng các thử nghiệm về mặt chiến thuật ở trận đấu này là giúp bộc lộ các sơ hở trong quá trình thực hiện các miếng đánh, qua đó đội bóng sẽ tìm được nguyên nhân và cách khắc phục cho các sơ hở có thể xảy ra.

Có 1 điểm yếu bộc lộ trong trận này mà các cầu thủ Việt Nam cần cải thiện ngay, yếu tố tác động tới mọi khía cạnh kỹ thuật và chiến thuật của đội bóng, đó là vấn đề thể lực. Thể lực của các cầu thủ ĐT Việt Nam chưa sẵn sàng cho lối chơi áp đặt, kiểm soát bóng, một lối chơi đòi hỏi rất nhiều thể lực để di chuyển, tạo khoảng trống. Sẽ không chính xác nếu nói rằng lối đá kiểm soát bóng sẽ làm cho đối phương phải đuổi theo bóng dẫn đến tiêu hao nhiều thể lực hơn. Thực tế, để duy trì lối đá kiểm soát bóng đòi hỏi các cầu thủ phải di chuyển và tiêu hao thể lực rất nhiều.

Chắc chắn, với những diễn biến trên sân, mặc dù có chiến thắng 1-0, nhưng rất nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam cảm thấy thất vọng. Đạo diễn hình đã cho chúng ta thấy khá nhiều cổ động viên Hải Phòng bỏ về khi trận đấu còn khoảng 10 phút, đó là điều bình thường khi không ít người hâm mộ là những người đam mê bóng đá chiến thắng.

Nhưng đây là trận đấu đầu tiên của 1 đội bóng, giống như những trận đầu tiên của U22 Việt Nam của ông Troussier. Cần có thời gian cho cả HLV và các cầu thủ. Với U22 Việt Nam, rõ ràng các cầu thủ đã chơi hay hơn sau từng trận. Chắc chắn các cầu thủ ĐT Việt Nam cũng vậy.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem