Thế giới sẽ ra sao nếu cá mập biến mất?

Thứ ba, ngày 01/10/2019 12:33 PM (GMT+7)
Cá mập là loài động vật ăn thịt với quá trình tiến hóa đầy ấn tượng. Xuất hiện trên đại dương từ hơn 400 triệu năm trước, cá mập đã tiến hóa để thích nghi với cả môi trường sông, hồ. Đến nay, thế giới ghi nhận khoảng 500 loài cá mập và vẫn tiếp tục phát hiện thêm các loài mới.
Bình luận 0

Có kích cỡ đa dạng, từ cá mập voi khổng lồ (Rhincodon typus), đến loài cá mập bỏ túi (Mollisquama parini) chỉ bằng bàn tay người, tuy nhiên hình ảnh đại diện cho loài cá mập vẫn là cá mập trắng khổng lồ (Carcharodon carcharias), được con người khắc họa (chủ yếu qua phim ảnh) với tính cách hung dữ, nguy hiểm. Song, điều gì sẽ xảy ra khi cá mập biến mất hoàn toàn?

img

Một đàn cá nhám búa (Sphyrna lewini) tại Trung tâm Bảo tồn Hải dương học Galapagos. Chúng tập hợp thành các đàn lên tới hàng trăm cá thể. Ảnh: © Shutterstock

Hệ sinh thái và đa dạng sinh học

Cá mập góp mặt trong vô số hệ sinh thái vòng quanh thế giới, bất kể môi trường lớn hay nhỏ. Là loài ăn thịt nên nguồn thức ăn có vai trò vô cùng quan trọng với sự tồn tại của quần thể cá mập. Các cá thể ốm yếu hoặc bệnh tật đều sẽ bị loại bỏ để đảm bảo nguồn tài nguyên đủ cung cấp cho sự duy trì của cả đàn. Bên cạnh đó, cá mập đôi khi còn đóng vai trò sống còn với chất lượng hệ sinh thái xung quanh chúng. Ví dụ, loài cá mập hổ (Galeocerdo cuvier) sống trong cỏ biển và giữ không cho loài rùa ăn hết toàn bộ thảm thực vật tại đây.

Sự tồn tại của cá mập còn đóng vai trò điều hòa lượng oxy sản sinh trong đại dương bằng việc đi săn, không cho các loài cá khác ăn hết những loài sinh vật phù du sản sinh oxy.

img

Loài cá mập chanh (Negaprion brevirostris) sống chủ yếu ở các rừng ngập mặn, vùng vịnh và rặng san hô. Nguồn: Shutterstock

Tầm quan trọng của cá mập với hệ sinh thái và đa dạng sinh học còn thể hiện ở các môi trường khác, bao gồm rặng san hô. Nếu cá mập biến mất, sẽ xuất hiện sự “bùng nổ” số lượng cá thể ở các loài cá nhỏ và thức ăn của chúng là các loài sinh vật phù du, vi sinh vật và tôm biển nhỏ sẽ bị ăn sạch. Sớm muộn, các loài cá cũng sẽ cạn kiệt nguồn thức ăn và biến mất theo. Khi đó, các loài tảo và vi khuẩn sẽ xâm chiếm, bao phủ khiến các rặng san hô không thể quang hợp được và chết. Xác san hô không phân hủy mà sẽ biến thành đá vôi, để loài sao biển, nhím biển sẽ chui vào sống trong đó. Nếu trường hợp này xảy ra, không còn quần thể đa dạng các loài như trước, rặng san hô sẽ biến thành rặng “chết” nếu chỉ với bốn, hay năm loài sinh sống.

Chuỗi thức ăn

Cá mập còn nắm vai trò không thể thiếu trong chuỗi thức ăn đại dương: không chỉ săn mồi, chúng còn là thức ăn cho các loài ăn thịt khác. Các cá thể cá mập trắng khổng lồ dạt vào bờ biển Nam Phi bị mất gan xuất hiện trong một video gần đây được cho là nạn nhân của hoạt động săn cá mập do con người gây ra. Một cảnh quay cũng ghi lại hình ảnh loài squalus clarke đang đi săn dưới đáy biển Atlantic bị một con cá nhám nuốt gọn. Thậm chí, bạch tuộc cũng được tính là kẻ thù của cá mập, theo một video đăng tải trên Youtube của National Geographic vào năm 2009.

Các loài cá mập di cư, ví dụ như cá mập sọc trắng (Carcharhinus amblyrhynchos) cũng đóng vai trò nuôi dưỡng các sinh vật tại những môi trường chúng đi đến bằng nguồn nitơ dồi dào (từ phân) mà chúng để lại. Trên thực tế, cá mập sọc trắng di chuyển liên tục giữa các thềm nước biển và những vùng nước sâu thuộc đảo Palmyra Atoll trên Thái Bình Dương cung cấp cho rặng san hô nơi đây đến 95 kg nitơ mỗi ngày.

Nguy cơ tuyệt chủng

Có vai trò sinh thái quan trọng như vậy, song đến 25% các cá thể cá mập đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, theo thống kê của Khoa Hải dương thuộc Viện nghiên cứu Smithsonian. Do tập tính sinh ít con và thời gian trưởng thành dài, sự gia tăng số lượng cá mập vẫn chưa đủ để bù cho số đã bỏ mạng do hoạt động đánh bắt của con người.

Trong thập kỷ qua, một số quần thể cá mập có tỷ lệ suy giảm lên tới 90%, từ đó phản ánh xu hướng săn bắt quá mức các loài sinh vật hải dương. Một số nguyên nhân khác có thể kể đến như môi trường sống (rừng ngập mặn, thềm đại dương hay rặng san hô) bị phá hủy bởi sự gia tăng dân số và các phương pháp đánh bắt không bền vững (ví dụ: quăng lưới mắt nhỏ) của con người.

Vậy tương lai của cá mập sẽ đi về đâu? Luật pháp từ các nước và các hiệp định quốc tế đã ban hành các văn bản bảo vệ các quần thể cá mập có nguy cơ tuyệt chủng, song hiệu quả vẫn chỉ hạn chế ở các loài đã được phát hiện. Chính phủ các nước, những viện nghiên cứu hải dương học và các tổ chức phi lợi nhuận cũng đã nỗ lực nâng cao ý thức về đa dạng các loài cá mập và tầm quan trọng của chúng với hệ sinh thái hải dương. Song, những nỗ lực trên cần được lan rộng kịp thời hơn nữa để phòng tránh những hậu quả to lớn trong tương lai.

PV (Khoa học Phát triển)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem