Kiếm hiệp Kim Dung: Vì sao Ngũ Nhạc kiếm phái bị coi là “lót đường”?

Thứ bảy, ngày 22/02/2020 06:30 AM (GMT+7)
Trong thế giới võ hiệp Kim Dung ngoài các môn phái nổi danh như Thiếu Lâm, Võ Đang, Tiêu Dao, Toàn Chân Giáo, Cái Bang với nhiều cao thủ và sở hữu các môn tuyệt thế võ công đã trở thành thương hiệu trong lòng độc giả, thì cũng có những môn phái chỉ xuất hiện với vai trò “lót đường”.
Bình luận 0

Ngũ Nhạc kiếm phái

Trong bối cảnh của tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, Ngũ Nhạc kiếm phái là tên gọi chung của năm chi phái nằm ở năm ngọn núi lớn (Ngũ Nhạc) là Đông nhạc Thái Sơn, Tây Nhạc Hoa Sơn, Nam Nhạc Hành Sơn, Bắc Nhạc Hằng Sơn và Trung Nhạc Tung Sơn. Chưởng môn phái Tung Sơn là Tả Lãnh Thiền được tôn là minh chủ của Ngũ Nhạc kiếm phái. Với công cuộc hợp nhất năm phái thành một môn phái của Tả Lãnh Thiền (Tả Lãnh Thiên) được coi là cái hồn của tác phẩm, tuy nhiên Ngũ Nhạc kiếm phái lại không được Kim Dung coi là một môn phái mạnh trong võ lâm.

img

Nhạc Bất Quần trở thành cao thủ Tịch tà kiếm pháp của nhà họ Lâm.

Bởi ngoài Phong Thanh Dương, Lệnh Hồ Xung, Tả Lãnh Thiền và Nhạc Bất Quần ra thì Ngũ Nhạc kiếm phái không còn có cao thủ nào có thể xứng tầm võ lâm. Nhưng tất cả các cao thủ trên đều nổi danh không phải do sử dụng võ công của môn phái mình. Phong Thanh Dương, Lệnh Hồ Xung nổi tiếng với Độc cô cửu kiếm do Độc Cô Cầu Bại sáng tạo ra, Tả Lãnh Thiền nổi tiếng nhờ Hàn băng thần công do mình tạo ra, Nhạc Bất Quần trở thành cao thủ đánh bại cả Tả Lãnh Thiền nhờ Tịch tà kiếm pháp của nhà họ Lâm.

Đặc điểm chung của Ngũ Nhạc kiếm phái là các môn phái đều lấy kiếm thuật làm môn võ học trung tâm. Tuy đều có điểm chung là sử dụng kiếm thuật nhưng mỗi môn phái trong Ngũ Nhạc kiếm phái đều mang trong mình những sở trường riêng, làm nên nét đặc trưng của từng môn phái.

img

Lệnh Hồ Xung – Đệ nhất cao thủ đương thời của Ngũ Nhạc kiếm phái.

Phái Hoa Sơn nổi tiếng với Hoa Sơn kiếm pháp và Tử hà thần công, cùng hai trường phái kiếm tông (lấy chiêu số kiếm thuật làm trung tâm) và khí tông (lấy việc rèn luyện nội công làm điểm mạnh). Phái Hành Sơn nổi tiếng với các cao thủ kiếm thuật đều mê âm nhạc, những chiêu thức đều gắn liền với âm nhạc. Phái Hằng Sơn là kiếm phái được sáng lập bởi những nhà nữ tu hành (hay các ni cô), đời đời đệ tử đều là nữ giới (bao gồm cả các nữ tu và đệ tử tục gia). Phái Thái Sơn nằm ở núi Thái Sơn, trung tâm của Đạo giáo, cũng là kiếm phái của những người theo đạo Giáo. Phái Tung Sơn nằm ở trên đỉnh Thái Thất thuộc dãy Tung Sơn ở tỉnh Hà Nam (cùng với phái Thiếu Lâm trên đỉnh Thiếu Thất), đứng đầu là chưởng môn Tả Lãnh Thiền. Tả Lãnh Thiền đã thu nhận nhiều nhân vật từ cả các giới hắc bạch nhằm xây dựng lực lượng hùng hậu nên lúc đó phái Tung Sơn có nhiều cao thủ nhất.

Phái Côn Luân

Côn Luân hay Côn Lôn xuất hiện khá nhiều trong truyện Kim Dung, nhưng chỉ với vai trò cao quý là "lót đường". Phái Côn Luân sáng lập bởi Hà Túc Đạo – một cao thủ võ học, vốn ban đầu là một môn phái tu tiên, luyện đan cầu trường sinh, rồi dần dần họ chuyển sang học võ. Trụ sở chính nằm trên dãy núi Côn Lôn ở cao nguyên Thanh Tạng.

Võ công Côn Luân cũng thuộc về hệ võ kỹ đạo gia, chủ về lưỡng nghi tứ tượng, ví dụ như Lưỡng Nghi kiếm pháp.

img

Hà Túc Đạo là người sáng lập phái Côn Luân.

Người sáng lập phái Côn Luân Hà Túc Đạo dù chỉ là nhân vật phụ xuất hiện ở đầu bộ truyện Ỷ thiên đồ long ký nhưng Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo cũng đã để lại ấn tượng khá đặc biệt trong lòng người hâm mộ.

Hà Túc Đạo là người ở xứ Côn Luân hay Côn Lôn giáp Tây Vực (cùng nơi với Âu Dương Phong, cách rất xa Trung Nguyên. Y được người đời tán tụng đặt cho danh hiệu Tam Thánh (Cầm Thánh – Kỳ Thánh – Kiếm Thánh ), nổi danh với chữ “Thánh” đi sau mỗi tuyệt kỹ, thế nhưng với tính tình nho nhã và cách sống ẩn dật, chàng đã xưng danh mình là Hà Túc Đạo (có gì đáng nói), thành ra cái tên Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo có là do ý khiêm nhường như vậy. Nhân sĩ võ lâm ở vùng Tây Vực thời bấy giờ đa số là bàng môn tả đạo, thô lỗ và võ công hiểm độc, thế nhưng Hà Túc Đạo lại mang trong người nhiều nét thanh thoát của hào kiệt Trung Nguyên, học rộng biết nhiều, kiếm thuật cao thâm của Hà Túc Đạo cũng là do tự mình sáng chế chứ không học theo ai cả.

Cố nhà văn Kim Dung đã tạo nên hình tượng của một vị cao thủ võ lâm. Xuất hiện chỉ với vài nét đột phá, con người không chính không tà này chỉ đơn giản là một kiếm khách ẩn cư nơi Tây Vực xa xôi hẻo lánh. Cả đời chỉ gặp vài người Doãn Khắc Tây, Tiêu Tương Tử, Quách Tương (tiểu Đông Tà) và Giác Viễn đại sư của Thiếu Lâm Tự.

img

Hà Túc Đạo được người đời tán tụng đặt cho danh hiệu Tam Thánh.

Khi Hà Túc Đạo gửi lời nhắn của Doãn Khắc Tây đến Thiếu Lâm, sẵn dịp, Hà Túc Đạo cũng muốn thử tranh tài võ công cao thấp với phái Thiếu Lâm - vốn lừng danh thiên hạ. Nên chàng ta đã bí mật đột nhập vào Đại Hùng bảo điện chùa Thiếu Lâm, dán lên tay bức tượng phật Giáng Long một bức thư khiêu chiến: “Võ công Thiếu Lâm xưng hùng Trung Nguyên và Tây Vực đã lâu. Trong 10 hôm nữa, Côn Luân Tam Thánh sẽ liều mình đến xin thỉnh giáo”.

Tiếc thay, sau khi vào chùa Thiếu Lâm tỷ đấu với sư Giác Viễn và đệ tử của ông là Trương Quân Bảo (sau này trở thành Trương Tam Phong, sáng lập ra phái Võ Đang) một người có Cửu dương thần công thiên hạ vô địch, một người có căn cơ La hán quyền vững chắc cộng với thiên chất võ học thì Hà Túc Đạo đã bị thất bại. Hà Túc Đạo đã buồn bã quay về núi Côn Luân, nhưng với tài năng hiếm có của mình, về sau Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo đã sáng lập ra phái Côn Luân, trở thành một trong những vị tôn sư được nhân sĩ võ lâm kính phục.

Phái Thanh Thành

Thanh Thành xuất hiện khá nhiều trong truyện Kim Dung, nhưng cũng chỉ có vai trò cao quý là "lót đường" cho nhiều danh môn chính phái khác như Thiếu Lâm, Nga My, Võ Đang... Các cao thủ Thanh Thành được mô tả là tu luyện kiếm, khí giống các môn võ phái Đạo gia khác, với Thôi tâm chưởng và Vô ảnh cước…

img

Tạo hình Dư Thương Hải trong phim Tiếu ngạo giang hồ 2001.

Chưởng môn phái Thanh Thành là Dư Thương Hải trong truyện Tiếu ngạo giang hồ chỉ là nhân vật phụ ít được nhắc đến. Cao thủ của phái Thanh Thành là Trường Thanh Tử (sư phụ của Dư Thượng Hải), mệnh danh là đệ nhất kiếm thuật đương thời nhưng lại bị bại về tay Lâm Viễn Đồ.

Lâm Viễn Đồ là người lập ra Phúc Oai tiêu cục, đồng thời tiến hành tập luyện các bí kíp mà mình đã học được từ bộ sách Quỳ hoa ở Hoa Sơn. Ông chỉ phát triển các kỹ năng kiếm pháp và phát triển thành Tịch tà kiếm pháp có 72 đường kiếm, và trở thành một trong những kiếm thủ xuất chúng.

Quốc Tiệp (Người Đưa Tin)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem