Khám phá nghệ thuật chiến tranh trong trận Bình Giã

Thứ năm, ngày 15/08/2019 12:33 PM (GMT+7)
Chiến dịch Bình Giã được xem là trận đánh điển hình quân ta sử dụng thành công nghệ thuật tạo thế chiến dịch tiến công bằng trận đánh then chốt.
Bình luận 0

Tạo thế chiến dịch tiến công bằng trận đánh then chốt là vấn đề vô cùng quan trọng, là nội dung có tính quyết định nhằm giành thế chủ động tiến công và tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong mỗi chiến dịch. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân đội ta đã vận dụng linh hoạt việc tạo thế chiến dịch tiến công bằng những trận đánh then chốt rất hiệu quả và thu được thắng lợi lớn. Điển hình cho nghệ thuật sử dụng trận đánh then chốt tạo thế trong chiến dịch tiến công là trận đánh địch trên Đường số 2 trong Chiến dịch Bình Giã, ngày 9/12/1964.

img

 Hỏa lực súng máy phòng không 12,7mm của ta trong Chiến dịch Bình Giã. Ảnh tư liệu

Diễn biến chiến dịch

Chiến dịch Bình Giã được chia làm hai đợt gồm: Đợt 1 từ ngày 2 đến ngày 17/12/1964; Đợt 2 từ ngày 27/12/1964 đến ngày 3/1/1965. Lực lượng tham gia chiến dịch của ta gồm 2 trung đoàn bộ binh (761 và 762); Đoàn pháo binh 563 của Miền (Tiểu đoàn 35 súng cối 81mm và ĐKZ 75mm, Tiểu đoàn sơn pháo 75mm, Tiểu đoàn 41 súng máy phòng không 12,7mm); 2 tiểu đoàn bộ đội tập trung (800 và 500) của Quân khu 7; Tiểu đoàn 186 bộ đội tập trung của Quân khu 6, Đại đội 445 và một số trung đội của các huyện thuộc tỉnh Bà Rịa.

Trận tiến công Đường số 2 diễn ra ngày 9/12/1964 sau khi ta đã dùng lực lượng đánh ấp chiến lược Bình Giã. Vào lúc 6h30 phút cùng ngày, một đoàn xe thiết giáp, có cả xe lội nước của địch di chuyển từ Bà Rịa lên Thượng Đức. Ta nhận định, địch đi giải tỏa bằng đường bộ xong sẽ quay về tất sinh chủ quan, ít đề phòng.

img

 Hỏa lực ĐKZ 75mm của ta trong Chiến dịch Bình Giã. Ảnh tư liệu

Lúc 12 giờ, Trung đoàn 762 đã lệnh cho Tiểu đoàn 602 chiếm lĩnh trận địa, chặn đầu địch ở vị trí cách đầu Bắc sông Cầu 600m. Tiểu đoàn 606 tổ chức một lực lượng khóa đuôi ở bìa rừng cao su, cách đường khoảng 1.400m. Đến 13 giờ, khi cao xạ chiếm lĩnh trận địa xong thì 14 chiếc xe của địch tổ chức thành hàng dọc, chạy luồn phía trong sở cao su rồi ra Đường số 2, cách bộ phận chặn đầu 400m. Khi địch đến dốc, cách Đại đội 1 chặn đầu 150m thì ta nổ súng, nhưng chiếc số 1 chạy thoát. Ta tập trung hỏa lực diệt chiếc số 2, đồng thời tổ chức lực lượng diệt bộ binh địch ẩn nấp trên đường. Thấy chiếc số 2 bị diệt, chiếc thứ nhất quay đầu bắn mạnh vào đội hình chiến đấu của ta, nhưng cũng nhanh chóng bị hỏa lực của ta chế áp, buộc phải tháo chạy và bị lật nhào xuống phía Tây đường.

Lúc này, Đại đội 3 tổ chức tiến công vào sườn bên phải đội hình địch, phối hợp với Đại đội 1 chặn đầu, nhanh chóng diệt địch. Tiếp đó, các xe thiết giáp của địch co cụm, dùng hỏa lực quyết liệt ngặn chặn các mũi tiến công của ta, sau đó tổ chức phản kích. Sau 2 đợt phản kích bị ta đẩy lùi, địch quay về co cụm. Các đại đội 2 và 3 của ta nhanh chóng tập trung hỏa lực, hình thành các tổ diệt xe thiết giáp, khiến đội hình địch rối loạn. Các lực lượng của Tiểu đoàn 606 đã nhanh chóng phối hợp với Tiểu đoàn 602 hình thành thế bao vây cụm địch ở phía Nam và phía Bắc Đường số 2.

Đúng lúc này Đoàn pháo binh 563 pháo kích mãnh liệt vào các căn cứ Vạn Kiếp, Hòa Long, Đức Thạnh của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Địch cho máy bay trực thăng đến vị trí để đổ quân, giải cứu lực lượng bị bao vây, nhưng bị lực lượng phòng không của ta bắn rơi 3 chiếc, làm bị thương 3 chiếc khác, không thực hiện được ý định. Sau 20 phút bao vây, chia cắt, các lực lượng dưới mặt đất của ta đã tiêu diện các bộ phận địch co cụm. Đến 15h15 phút cùng ngày trận đánh kết thúc. Kết quả, ta diệt gọn chi đoàn thiết xa vận số 3 của thiết đoàn 1 địch gồm 14 chiếc xe M113; loại khỏi vòng chiến đấu 107 tên địch, trong đó có 9 cố vấn Mỹ; bắn rơi tại chỗ 3 máy bay, làm bị thương 3 chiếc khác và thu nhiều vũ khí, quân dụng.

Trận đánh then chốt Đường số 2 trong Chiến dịch Bình Dã đã đạt được 3 vấn đề quan trọng, đóng góp vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam đó là: Lựa chọn đúng hướng tiến công, dự kiến chính xác mục tiêu; tạo lập được thế vững chắc và vận dụng chiến thuật phù hợp trong trận đánh then chốt.

img

 Chào cờ, xuất quân trong Chiến dịch Bình Giã. Ảnh tư liệu

Áp dụng cách tạo thế chiến dịch tiến công bằng trận đánh then chốt thế nào?

Thường việc lựa chọn hướng tiến công xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chiến lược, mục đích của chiến dịch và trên cơ sở tình hình địch, khả năng tác chiến của ta... Trong trận đánh này, do nhận định và phán đoán đúng quy luật hành động của địch, Bộ chỉ huy chiến dịch đã chọn đoạn trên Đường số 2 (từ Bắc sông Cầu đến Ngọc Khai) để phục kích, đón đánh khi chúng cơ động từ Đức Thạnh về thị xã Bà Rịa. Bởi hai bên trên đoạn đường này có rừng cao su già, kín đáo, bằng phẳng. Tại đó có một số mỏm đồi tiện cho đơn vị chiếm lĩnh, triển khai đội hình chặn địch. Bên cạnh đó, ta đã dự kiến chính xác mục tiêu. Bởi nơi đây có cầu nên muốn qua sông địch phải di chuyển với vận tốc chậm và dồn đội hình. Tuy địa hình vị trí này giúp cho bộ binh và cơ giới địch triển khai thế trận chiến đấu nhanh, dễ phát huy ưu thế hỏa lực, song tại đây ta lại có điều kiện thực hiện chiến thuật phục kích, bí mật cơ động lực lượng đến tiếp cận, hình thành thế bao vây, bất ngờ tiến công, liên tục áp sát, đánh gần, hạn chế chỗ mạnh của địch tiến tới tiêu diệt chúng.

Thành công thứ hai trong trận đánh then chốt này là ta đã tạo lập được thế trận vững chắc cho trận đánh then chốt. Thực hiện mục đích tiêu diệt từ 1 đến 2 tiểu đoàn bộ binh và các đơn vị thiết giáp tổng trù bị tinh nhuệ nhất của địch, ta đã đề ra phương thức tác chiến đánh địch ngoài công sự với phương pháp là khêu ngòi, diệt viện, vận dụng chiến thuật phục kích. Ta chọn Ấp chiến lược Bình Giã là nơi diễn ra trận đánh khêu ngòi bởi nó nằm sát chi khu Đức Thạnh, án ngữ Đường số 2, là một mắt xính trong hệ thống phòng thủ Đông Sài Gòn của quân Ngụy, bảo đảm an toàn cho khu vực Bà Rịa, Vũng Tàu. Ta dự đoán, nếu khu vực này bị tiến công, địch sẽ phản ứng bằng cả đường bộ và đường không. Trận đánh đã diễn ra đúng như dự đoán ấy. Khi ta đánh điểm Bình Giã để khêu ngòi, địch đã điều ngay lực lượng lên ứng cứu và đã sa vào đúng khu vực ta chuẩn bị đón lõng.

Một vấn đề quan trọng trong tạo thế trận chiến đấu then chốt ở trận Đường số 2 trong Chiến dịch Bình Dã là ta đã sử dụng lực lượng và bố trí đội hình chiến đấu hợp lý. Trên hướng chủ yếu, ở khu vực tác chiến chủ yếu, ta bố trí Trung đoàn 762 ở Đông Nam Núi Nghệ, phía Tây Đường số 2, sẵn sàng đánh địch ứng cứu, giải tỏa cho Bình Giã bằng đổ bộ đường không và đường bộ. Trung đoàn 761 bố trí ở phía Nam ấp Xuân Sơn, phía Đông ấp Bình Giã đã kết hợp chặt chẽ với công binh tổ chức trận địa, sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không. Đoàn pháo binh 563 và lực lượng vũ trang địa phương đảm nhiệm đánh khêu ngòi và tổ chức tốt hoạt động phối hợp kéo căng địch. Với cách bố trí như vậy nên ta đã tạo được thế trận đánh địch rộng khắp, đồng thời tập trung được lực lượng chủ lực trên khu vực tác chiến chủ yếu, sẵn sàng đánh quân cứu viện của địch. Thêm nữa, trong diễn biến của trận đánh then chốt này, khi lực lượng địch xuất hiện trên Đường số 2, Bộ chỉ huy chiến dịch đã tập trung lực lượng tương đối hợp lý, một mặt kiềm chế được không quân của chúng, đồng thời luôn có lực lượng dự bị mạnh, sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không và tham gia đánh địch giải tỏa đường bộ khi cần thiết.

img

 Bộ đội chủ lực trong Chiến dịch Bình Giã. Ảnh tư liệu

Vấn đề xương sống, cốt lõi nhất trong trận đánh then chốt mở màn nhằm tạo thế cho Chiến dịch Bình Dã là ta đã vận dụng chiến thuật phục kích phù hợp để đập tan phương pháp cơ động nhanh bằng trực thăng và thiết giáp, nhằm thực hiện thủ đoạn tác chiến “trên đe dưới búa”, “phượng hoàng vồ mồi” của quân địch. Đội hình trong trận địa phục kích này được ta tổ chức bố trí phù hợp, phân chia thành khu vực. Trong đó có bộ phận chính diện, chặn đầu, khóa đuôi, hỏa lực chi viện mặt đất, lực lượng phòng không. Trên cơ sở ấy, khi thực hành chiến đấu, các đơn vị đã chủ động đánh địch, phối hợp tương đối chặt chẽ, vận dụng linh hoạt các thủ đoạn chiến đấu, nhanh chóng cơ động, áp sát, hình thành thế bao vây chia cắt tiêu diệt cụm quân định, tiến tới tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch co cụm.

Tạo thế chiến dịch tiến công bằng các trận đánh then chốt thường diễn ra trong giai đoạn tổ chức thực hành chiến dịch. Tùy vào quy mô, địa hình, thời gian, lực lượng, phương tiện, vũ khí trang bị của ta và lực lượng, trình độ, khả năng tác chiến của địch... cũng như tính chất gay go quyết liệt của chiến dịch mà người chỉ huy và cơ quan tham mưu quyết định sử dụng trận đánh then chốt tạo thế vào thời điểm phù hợp.

Trận đánh Đường số 2 trong Chiến dịch Bình Giã là một điển hình trong nghệ thuật tạo thế chiến dịch tiến công, tạo đà cho các lực lượng trên khắp chiến trường có phương pháp và cách đánh hợp lý, tiến tới làm thất bại biện pháp chiến lược “tìm diệt” và “bình Định” của Mỹ, ngụy ở miền Nam.

(*) Tổng hợp và phân tích từ cuốn Tổng kết những trận then chốt chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước – Nxb Quân đội nhân dân.

Mạnh Thắng (Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem