Đời sống nội tâm phức tạp của các xạ thủ bắn tỉa

Thứ ba, ngày 25/09/2018 20:33 PM (GMT+7)
"Trong giây phút ấy, điều duy nhất xuất hiện trong tâm trí của tôi là hạ gục càng nhiều mục tiêu càng tốt. Tôi trông thấy những gương mặt hoảng loạn. Họ cố gắng tìm nơi ẩn náu".
Bình luận 0

img

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, Chris Kyle hạ sát 160 mục tiêu và trở thành tay súng thiện nghệ nhất trong lịch sử quân đội nước này. Ảnh: Quotessays

Lựa chọn

Từ một chàng cao bồi tới từ bang Texas, Chris Kyle gia nhập lực lượng hải quân SEAL và trở thành xạ thủ cừ khôi nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Trong cuốn sách American Sniper, ấn phẩm bán chạy nhất tại Mỹ trong năm 2012, Kyle đã cung cấp một góc nhìn sâu sắc về đời sống tâm lý của một xạ thủ và những lúc anh ta chờ đợi, ngắm bắn và bóp cò.

Theo BBC, khi quân đội Mỹ tăng quân tại Iraq vào năm 2003, Kyle nhận nhiệm vụ bảo vệ một tiểu đoàn hải quân khi họ tiến vào một thị trấn. Qua kính ngắm, anh phát hiện một người phụ nữ khả nghi với quả lựu đạn sẵn sàng phát nổ trên tay ở giữa đám đông chào đón tiểu đoàn. Bên cạnh người phụ nữ là một đứa trẻ.

Kyle đã bị bắn chết tại trường bắn Rough Creek Lodge, hạt Erath, bang Texas vào chiều ngày 2.2.2013. Eddie Ray Routh, một cựu lính thủy đánh bộ, đã bắn Kyle, khi đó 34 tuổi, cùng một người đàn ông mang tên Chad Littlefield bằng khẩu súng ngắn bán tự động rồi lái xe tải của nạn nhân để trốn.

“Đây là lần đầu tiên tôi buộc phải giết một ai đó. Tôi không biết liệu tôi sẽ phải thực hiện nhiệm vụ này ra sao? Tôi sẽ bắn hạ ai. Người phụ nữ? Gã đàn ông? Hay bất kỳ ai khác? Việc tôi sắp thực hiện là đúng và hợp lý? Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, liệu tôi có thể trở về nhà hay các luật sư sẽ tới và nói với tôi rằng ‘bạn đã giết chết một người phụ nữ. Bạn sẽ phải vào tù’. Tất cả mọi chuyện chạy qua tâm trí tôi trong cùng một lúc”, Kyle kể.

Tuy nhiên, những câu hỏi ấy chỉ kịp xuất hiện vài giây trong tâm trí Kyle bởi tình thế nguy cấp lúc đó buộc anh phải lựa chọn: những đồng đội phải chết hoặc anh bắn hạ người phụ nữ cầm lựu đạn. Cuối cùng, Kyle đã bóp cò.

Kyle ở lại Iraq đến năm 2009. Trong American Sniper (tên tiếng Việt: Hồi ức của một tay súng bắn tỉa), Kyle cho biết anh đã tiêu diệt 255 đối tượng nhờ khả năng bắn từ cự ly 1.900 m. Tuy nhiên, con số thống kê chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy Kyle hạ sát 160 mục tiêu và trở thành tay súng thiện nghệ nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Theo giới tình báo quân sự Mỹ, những phần tử nổi dậy ở Iraq gọi Kyle là "ác quỷ" bởi khả năng bắn tỉa của anh. Họ từng treo giải thưởng 20.000 USD cho ai có thể lấy mạng Kyle.

Những sang chấn tâm lý

img

Cựu xạ thủ của Liên Xô Ilya Abishev (thứ hai từ phải sang) tại chiến trường Afghanistan năm 1988. Ảnh: BBC

Trong số các lực lượng quân sự, học viên phải trải qua các bài kiểm tra và quá trình đào tạo nghiêm ngặt trước khi trở thành xạ thủ. Tại Anh, họ phải hoàn thành một khóa đào tạo trong 3 tháng. Trung bình, cứ 4 học viên, chỉ một người có thể vượt qua khóa học này. Trong khi đó, khóa đào tạo lính bắn tỉa là quy trình khó khăn nhất trong quân đội với tỷ lệ thất bại hơn 60%.

Theo một nghiên cứu ở Canada, các tay súng bắn tỉa có chỉ số chấn thương tâm lý thời hậu chiến thấp hơn, nhưng chỉ số về độ hài lòng với công việc lại cao hơn binh sĩ trong các đơn vị khác. Tuy nhiên, dựa trên các nghiên cứu tại Israel và Canada về lính bắn tỉa đang tại ngũ, nhà tâm lý học Neta Bar nghi ngờ rằng, nhiều người trong số họ có thể đối mặt với những về đề về tâm lý sau khi hoàn thành nhiệm vụ và trở về với cuộc sống bình thường.

Ilya Abishev, cựu xạ thủ của Liên Xô từng chiến đấu tại chiến trường Afghanistan vào năm 1988 nhớ lại một lần thực hiện nhiệm vụ khi 20 tay súng hộ tống một đoàn xe vận tải. Hầu hết trong số họ đều nằm trong tầm ngắm của ông.

"Trong giây phút ấy, điều duy nhất xuất hiện trong tâm trí của tôi là hạ gục càng nhiều mục tiêu càng tốt. Tôi trông thấy những gương mặt hoảng loạn. Họ cố gắng tìm nơi ẩn náu. Chúng tôi giết gần như hết bọn họ, trừ ba hay bốn người bị thương hoặc bị bắt. Sau đó, tôi tự trách bản thân không đủ bình tĩnh để có thể giết thêm nhiều người. Tôi từng tin rằng chúng tôi đã bảo vệ người dân Afghanistan. Nhưng bây giờ, tôi không cảm thấy tự hào, thay vào đó là sự hổ thẹn. Nếu bây giờ người ta yêu cầu tôi thực hiện nhiệm vụ đó, tôi có thể nói đó là điều rất khó. Nhưng 20 năm trước, tôi còn quá trẻ", Abishev tâm sự.

img

Nhiều tay súng bắn tỉa phải chịu những sang chấn tâm lý sau thời gian tại ngũ. Ảnh minh họa: Wordpress

Ngày nay, sự ngờ vực hoặc thậm chí những chấn thương về mặt tâm lý có thể xuất hiện sớm hơn ở những tay súng bắn tỉa hoạt động trong ngành cảnh sát.

Brian Sain, một lính thiện xạ tại phòng cảnh sát bang Texas, Mỹ nói rằng, nhiều người trong số họ phải đấu tranh với nhiệm vụ hạ sát đối tượng theo cách mà họ đang làm.

"Đó không phải là điều bạn có thể tâm sự với vợ hay kể trước vị linh mục. Chỉ những người đồng nghiệp mới có thể thấu hiểu cảm giác của nhau", Sain, một thành viên của Spotter, một hiệp hội đảm nhận việc hỗ trợ những xạ thủ bị chấn thương, cho biết.

Riêng với Kyle, tay súng cừ khôi nhất của Mỹ, cảm giác hối hận không phải là vấn đề gây khó với anh. Trong cuốn sách American Sniper, Kyle từng chia sẻ anh không hối tiếc về những việc đã làm và cho rằng, những kẻ mà anh hạ sát đều "tàn độc".

"Với những kẻ mà tôi đã hạ sát, tôi tin rằng đó đều là những người xấu", Kyle nói.

Hải Anh (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem