Chuyện tình giới giang hồ khét tiếng (Kỳ 1): Tấm chân tình của thiếu nữ sơn cước

Thứ ba, ngày 20/02/2018 18:36 PM (GMT+7)
Khi ngồi trong phòng biệt giam, Sơn bảo rằng, cuộc đời gã nếu không có tình yêu chân thành của hai người phụ nữ thì có lẽ đã hoàn toàn vô nghĩa...
Bình luận 0

Sau vụ bắn chết một chiến sĩ công an xảy ra vào đầu năm 2012, Đỗ Văn Sơn phải nhận bản án tử hình. Chính vì dám làm cái việc mà ngay cả nhiều “đại ca” cộm cán cũng không dám thực hiện này nên Sơn mới được “thế giới ngầm” “xướng” tên.

Khi ngồi trong phòng biệt giam, Sơn bảo rằng, cuộc đời gã nếu như không có tình yêu chân thành của hai người phụ nữ thì có lẽ đã hoàn toàn vô nghĩa...

img

Tử tù Đỗ Văn Sơn.

Cuộc hôn nhân nhiều bi kịch

Đỗ Văn Sơn có lẽ là tên giang hồ có bản lý lịch trích ngang đơn giản nhất trong số những tay "đao búa" ở đất Hải Phòng. Không đàn em, không tổ chức băng nhóm, người ta biết đến Sơn chỉ trong khoảng thời gian chừng 2 năm. Sinh năm 1984 ở xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, Sơn trưởng thành trong một gia đình nghèo, thiếu thốn trăm bề.

Bố mẹ đều là những người nông dân hiền lành, chất phác. Khi còn là một đứa trẻ, Sơn có tiếng là hiền lành, chẳng bao giờ biết gây gổ đánh nhau, phá phách làng xóm, điều này trái ngược với những "đại ca" giang hồ khác khi máu côn đồ bộc lộ ngay từ khi còn rất nhỏ...

Chỉ có điều, tính tình hiền lành thường đi kèm với cục tính và lầm lì. Sau một thời gian va chạm xã hội, Sơn dần trở nên lì lợm hơn.

Học xong cấp 2, Sơn bỏ học rồi theo đám bạn tụ tập, chơi bời. Gã theo chúng bạn ra Quảng Ninh xin việc làm và được nhận vào làm tại một Công ty khai thác than ở huyện Đông Triều. Với khoản lương và phụ cấp khá cao, Sơn có được cuộc sống cơ bản ở vùng đất Mỏ.

Cũng chính trong khoảng thời gian này, Sơn đã gặp và yêu sâu đậm một cô gái đất Yên Tử tên Nhàn - người mà sau này trở thành người vợ đầu tiên của gã.

Nhìn bề ngoài, Sơn cao ráo, trắng trẻo và có nét rất nam tính, chính vì vậy mà gã thường dễ dàng gây được thiện cảm đối với người khác giới. Nhàn là con bà chủ hàng tạp hóa ở gần chùa, Sơn vô tình tạt vào quán hàng uống nước trong một lần đi chơi cùng đám bạn.

Quen nhau chừng nửa năm sau thì Sơn và Nhàn kết hôn khi Nhàn vừa tròn 18 tuổi. Được sự hỗ trợ của mọi người xung quanh, vợ chồng Sơn mua được một mảnh đất nhỏ ở huyện Đông Triều làm ăn. Đứa con đầu lòng ra đời cùng khoản nợ từ việc mua đất xây nhà là động lực để Sơn cố gắng tu chí làm ăn.

Thế nhưng số phận dường như lại chẳng cho gã cơ hội được làm người lương thiện. Một người bạn của gã trong quá trình làm việc tại mỏ than bị một nhóm côn đồ truy sát. Lo lắng cho bạn, Sơn lao ra giải cứu và quyết ăn thua với đám đông lăm lăm dao kiếm.

Trong cuộc hỗn chiến, Sơn lĩnh một vết chém dài trên mặt và cái tên Sơn "sẹo" theo gã từ đó... Nếu Sơn biết kiềm chế bản thân và dừng lại ở đó thì có lẽ cuộc đời gã đã không đến mức đen tối như sau này. Sau trận chiến đó, Sơn ngày càng sa đà vào cuộc sống của một gã giang hồ.

Tụ tập với những đối tượng bất hảo, Sơn trở thành một tay "đao búa" có hạng ở đất Mỏ sau cả tá những vụ chém giết đẫm máu. Cũng từ sự thay đổi này của Sơn khiến cho cuộc sống vợ chồng gã bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt, mâu thuẫn ngày càng trở nên căng thẳng khi Sơn vì lún quá sâu vào con đường của một kẻ "đâm thuê chém mướn" mà quên mất nghĩa vụ của một người chồng, người cha.

Đứa con thứ 2 của vợ chồng Sơn ra đời chỉ có một mình vợ Sơn chăm sóc và lo liệu tất cả. Cuộc sống gia đình với những mâu thuẫn không thể hóa giải và những nỗi buồn của một người vợ quanh năm không bao giờ biết chồng đi đâu làm gì, chỉ biết khi về nhà là những vết máu dính đầy trên người.

Vợ chồng Sơn Nhàn ra tòa ly dị. Mỗi người nhận nuôi một đứa con. Sau ngày chia tay, Sơn càng lún sâu hơn vào con đường giang hồ, gây ra không ít những vụ chém giết đẫm máu, đỉnh điểm là vụ giết một chiến sĩ công an khi người này đang trong quá trình thi hành nhiệm vụ.

Sơn bị Công an tỉnh Quảng Ninh, Công an thị xã Cẩm Phả phát lệnh truy nã. Hết cửa sống ở Quảng Ninh, Sơn về lại Hải Phòng tìm cách lẩn trốn. Mang đứa con trai về gửi bố mẹ chăm sóc, Sơn rời Hải Phòng tìm đến các tỉnh vùng núi phía Bắc, có địa thế hiểm trở, hẻo lánh vắng người qua lại, gã chọn Tuyên Quang làm vùng đất mới của mình.

Sống chui lủi khắp nơi, Sơn đánh mất quyền được làm một con người đàng hoàng của mình, nhưng cái số đào hoa dường như cứ đeo bám gã mãi không nguôi khi một lần nữa gã lại có được một tình yêu chân thành và đích thực ở nơi "thâm sơn cùng cốc".

Mối tình lãng mạn với cô sơn nữ

Là trai miền xuôi lên miền ngược, tiếp xúc với các đồng bào dân tộc, Sơn tỏ rõ sự hoạt bát, thông minh cộng với vẻ ngoài ưa nhìn nên rất dễ chiếm được tình cảm quý mến và niềm tin của bà con nơi đây. Trong đó, không ít cô gái nhìn Sơn bằng ánh mắt ngưỡng mộ.

Và tình yêu lại một lần nữa đến với Sơn trong một lần đi làm rừng thuê cho một người trong bản, cô gái miền sơn cước dịu dàng, xinh đẹp là con gái của người chủ thuê Sơn đã trót đem lòng yêu gã. Bố mẹ cô sơn nữ cũng hết sức yêu quý Sơn vì gã có vẻ của một con người chăm chỉ, hiền lành.

Sau lần đổ vỡ hôn nhân, Sơn dường như chưa sẵn sàng mở lòng để yêu thêm một lần nữa nhưng tình yêu thuần khiết không chút gợn đục của cô sơn nữ trong trắng, ngây thơ đã làm trái tim lạnh giá của gã dần "tan chảy". Và gã cũng đáp lại bằng một tình cảm chân thành xuất phát từ tận đáy lòng.

Yêu nhau một thời gian thì gia đình cô gái bàn đến chuyện kết hôn. Họ không hề biết "con rể tương lai" lại là một tên giang hồ trốn nã. Sơn đưa người yêu về Hải Phòng ra mắt gia đình trước sức ép từ gia đình cô gái và nỗi lo sợ bị bắt bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, vì muốn người mình yêu có được danh phận đàng hoàng nên Sơn vẫn "mạo hiểm" sự tự do của bản thân và can đảm nói rõ hết thân phận thật của mình với người yêu. Cô gái sau khi biết sự thật chẳng những không quay lưng bỏ đi mà lại khẳng định: "Em sẽ theo anh đến bất kỳ nơi đâu, dù anh có làm gì đi nữa em cũng vẫn luôn ở bên cạnh anh".

Tình yêu quá lớn của cô sơn nữ đã khiến Sơn cảm động vô cùng, gia đình Sơn lúc này đành ngậm ngùi chào đón cô con dâu thứ hai bằng một đám cưới đơn giản hết mức, và không hề có sự ràng buộc pháp lý vì lúc này Sơn đang là một tên tội phạm bị tuy nã.

Cả Sơn và vợ đều chấp nhận và bỏ qua điều này vì với họ bây giờ, chỉ cần yêu thương nhau thì có thể bỏ qua tất cả...

Lời hối lỗi muộn màng

Mãi đến sau này, khi đã khoác lên mình tấm áo của một tử tù, nghĩ đến cảnh người mẹ già lọm khọm mang đồ thăm nuôi lên cho mình cùng cô vợ trẻ luôn mang vẻ cam chịu trên khuôn mặt, nghĩ đến đứa con nhỏ bé đang mang trọng bệnh của mình, Sơn day dứt và ân hận vô cùng.

Gã nghĩ bản thân mình có chết cũng đáng vì gã đã gây tội với quá nhiều người, nhưng những người thân của gã cũng phải chịu quả báo vì những việc làm độc ác của gã chính là nhát dao đâm thấu tâm can gã giang hồ này. Đau đáu trong lòng gã là ý định sẽ "giải thoát" cho cô vợ trẻ.

Nếu không trót yêu gã đến mức mù quáng như vậy thì có lẽ giờ đây cô đã có một cuộc sống yên ả với một gia đình nhỏ hạnh phúc và người chồng tử tế. Gã tâm sự rằng dù vẫn còn yêu vợ nhiều vô cùng nhưng vợ gã còn trẻ, tương lai còn dài phía trước, gã không thể ích kỉ bắt cô đánh đổi tuổi trẻ của mình cho một kẻ tử tù như hắn.

Cuộc hôn nhân thứ hai của gã kết thúc bằng một lá thư tay giãi bày hết những tâm tư, suy nghĩ cũng như ý muốn của mình cùng những chuỗi ngày dài gã từ chối gặp người vợ trẻ, rồi lại cắn răng nuốt nước mắt vào trong khi biết được người vợ ấy đã khóc hết nước mắt và cảm thấy đau khổ, suy sụp như thế nào...

Thùy Chi (Pháp Luật Plus)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem