Đờn ca tài tử thắm đượm tình người, tình đất phương Nam

Thứ bảy, ngày 26/04/2014 17:45 PM (GMT+7)
Trước “sức hút” của bộ môn nghệ thuật ĐCTT không khí ở TP.Bạc Liêu sôi sục hơn bao giờ hết, hàng nghìn người mộ điệu ở khắp mọi miền đất nước đã tề tựu về Bạc Liêu để háo hức cùng hòa quyện vào ngày lễ hội văn hóa đặc sắc...
Bình luận 0
Tối qua, 25.4, tại Quảng trường Hùng Vương, sự kiện văn hóa Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014 đã chính thức khai mạc với nhiều tiết mục ấn tượng, đặc sắc tôn vinh các giá trị của loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ làm nức lòng giới mộ điệu ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Đến dự lễ khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành, T.Ư, các tỉnh, thành ĐBSCL và các nghệ nhân của 21 tỉnh, thành phố khu vực Đông và Tây Nam Bộ…

Đêm tôn vinh các giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử


Những ngày qua, theo ghi nhận của phóng viên NTNN trước “sức hút” của bộ môn nghệ thuật ĐCTT không khí ở TP.Bạc Liêu sôi sục hơn bao giờ hết, hàng nghìn người mộ điệu ở khắp mọi miền đất nước đã tề tựu về Bạc Liêu để háo hức cùng hòa quyện vào ngày lễ hội văn hóa đặc sắc, một ngày hội mang đậm dấu ấn đất phương Nam.

Một không gian trình diễn đờn ca tài tử trong khuôn khổ Festival.
Một không gian trình diễn đờn ca tài tử trong khuôn khổ Festival.

Bà Lê Thị Ái Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Phó Trưởng Ban tổ chức Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I cho biết: Festival quốc gia lần thứ I có chủ đề “ĐCTT, tình đất - tình người phương Nam”, diễn ra từ ngày 24 - 29.4. Điểm nhấn của Festival là chương trình nghệ thuật khai mạc, qua đó nhằm tôn vinh các giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ; tôn vinh những tổ chức, cá nhân, nghệ nhân, nghệ sĩ có công đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ…

Chương trình khai mạc được cách điệu, sâu khấu hóa giới thiệu một cách cô đọng và dễ hiểu nhất về lịch sử hình thành và phát triển ĐCTT, sự ra đời và phát triển bản Dạ cổ hoài lang, bản vọng cổ và sân khấu cải lương; giới thiệu truyền thống lịch sử và vẻ đẹp độc đáo của đất và người phương Nam nói chung, đất và người Bạc Liêu nói riêng; gợi mở một không gian văn hóa ĐCTT gắn bó với mảnh đất và con người Nam Bộ.

Nghệ sĩ Lâm Ngọc Hoa chia sẻ: “Chưa bao giờ Bạc Liêu lại rộn ràng như thời điểm này, đi đến đâu cũng bắt gặp hình ảnh mọi người ai vui tươi, hồ hởi vì ngay chính trên quê hương mình có một sự kiện văn hóa hoành tráng như thế này. Là lớp hậu bối trong lĩnh vực nghệ thuật ĐCTT, hơn bao giờ hết tôi cảm thấy vô cùng hãnh diện vì cái “nghiệp” mà mình theo đuổi bấy lâu nay đã được toàn thể nhân loại ngợi ca”.

Mãn nhãn giới mộ điệu

Sáng qua, trong khuôn khổ festival đã diễn ra nhiều hội nghị, hoạt động sôi nổi gồm: Liên hoan ĐCTT Nam Bộ toàn quốc; triển lãm nhạc cụ dân tộc; khánh thành di tích lịch sử quốc gia Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; thả diều nghệ thuật.

"Thông qua Festival, chúng tôi muốn góp phần tôn vinh, quảng bá nghệ thuật ĐCTT không chỉ cho người dân Việt Nam mà cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè thế giới”.
Bà Lê Thị Ái Nam

Nằm trong chuỗi 21 hoạt động của festival, lúc 16 giờ ngày 24.4, Không gian ĐCTT đã chính thức khai mạc với sự góp mặt của 21 tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ. Mỗi địa phương góp mặt được bố trí trong không gian có mái che cách điệu nón lá Việt Nam. Vào lúc 20 giờ ngày 24.4, tại nhà thi đấu đa năng tỉnh Bạc Liêu đã diễn ra chương trình nghệ thuật giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của 2 soạn giả Trọng Nguyễn và Yên Lang, 2 người con của đất Bạc Liêu, nhằm tri ân và ghi nhận công lao của họ. Chương trình đã thu hút, tạo được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, học giả, các nhà văn hóa và giới thiệu độ khắp nơi.

Chương trình được dàn dựng dưới hình thức sân khấu hóa với sự tham gia của các nghệ sĩ tài danh tái diễn trích đoạn một số vở cải lương đi vào lòng người và một số bài vọng cổ nổi tiếng của 2 soạn giả tài danh. Ngoài ra, khán giả mộ điệu còn được giới thiệu về quá trình phát triển bài Dạ cổ hoài lang đi từ nhịp 2 tới nhịp 32 và trở thành “bài ca vua” trong các làn điệu của sân khấu cải lương.

Trong đêm diễn, khán giả mộ điệu được xem lại trích đoạn vở cải lương “Đêm lạnh chùa hoang”. Đây là một trong các vở cải lương nổi tiếng trước năm 1975 của soạn giả Yên Lang, từng khiến hàng triệu khán giả thổn thức, say mê.

Bảo tồn, phát huy ĐCTT

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bạc Liêu trong việc giữ gìn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Phó Thủ tướng cho rằng, vừa qua Việt Nam đón nhận danh hiệu di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đối với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Đây là niềm tự hào cũng trách nhiệm lớn lao của chúng ta đối với việc phát huy và gìn giữ những di sản quý báo, tốt đẹp mà cha ông đã trao truyền lại. Chúng ta phải giữ gìn và cổ vũ cho sự phát triển của loại hình nghệ thuật này.

Bà Lê Thị Ái Nam nhấn mạnh: Festival ĐCTT quốc gia lần I - Bạc Liêu 2014 có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Thông qua Festival nhằm tăng cường quảng bá về đất nước và con người Nam Bộ nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng; thu hút khách du lịch đến với vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là cơ hội để xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại du lịch, nhất là lĩnh vực du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững của Nam Bộ và tỉnh Bạc Liêu.

Ông Võ Văn Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết: Sau khi kết thúc festival, địa phương sẽ triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ giai đoạn 2014 -2020. Theo đó, Bạc Liêu đang tích cực xây dựng nội dung tham gia dự thảo đề án chi tiết bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ gửi về Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch.

“Trước mắt, để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, nhất là của thế hệ trẻ. Gắn phong trào ĐCTT ở địa bàn cơ sở với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, nhất là ở nông thôn” – ông Dũng nhấn mạnh.

Rộn ràng Festival

Festival ĐCTT có 21 hoạt động, các hoạt động chính gồm: Hội chợ Thương mại - Du lịch; Chương trình nghệ thuật nghệ thuật giới thiệu soạn giả Trọng Nguyễn và Yên Lang; Tổ chức không gian ĐCTT - Nam Bộ; Triển lãm nhạc cụ dân tộc; Liên hoan nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ; chương trình biểu diễn nghệ thuật và bế bạc Liên hoan ĐCTT Nam Bộ; Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT Nam Bộ”, chủ đề “Di sản văn hóa - hội nhập và phát triển”; Lễ hội ẩm thực Nam Bộ; Tổng kết và trao giải cho các cuộc thi: Sáng tác ca khúc, vọng cổ và sáng tác lời mới 20 bản tổ ĐCTT - Nam Bộ..

.
Trong khuôn khổ festival nhiều công trình văn hóa nghệ thuật được đưa vào sử dụng, như hình tượng cây đờn kìm cách điệu và cụm công trình Nhà hát Cao Văn Lầu, Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật tỉnh với hình tượng 3 chiếc nón lá. Hai công trình này nằm trong quần thể kiến trúc văn hóa Quảng trường Hùng Vương - TP.Bạc Liêu, sau khi đưa vào hoạt động đã được Tổ chức Sách kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập kỷ lục quốc gia ở hạng mục: Đờn kìm và nón lá cách điệu lớn nhất Việt Nam.
HOÀNG HẠNH - ĐỨC KHÁNH


Đức Khánh - Hoàng Hạnh (Đức Khánh - Hoàng Hạnh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem