Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Lựa chọn và trọng dụng nhân tài vào bộ máy (Bài 3)

Hoàng Thành Thứ hai, ngày 17/10/2022 14:36 PM (GMT+7)
Đảng và Nhà nước ta luôn luôn trọng dụng nhân tài, song để người tài phát triển, theo các chuyên gia cần phải cải cách mạnh mẽ đội ngũ công chức, viên chức trong khu vực công, phải có giải pháp sàng lọc, loại bỏ những người không có năng lực, phải làm cho bộ máy tinh gọn và có chỗ để thu hút người có tài năng.
Bình luận 0

LTS: Trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng, công tác tổ chức, cán bộ là gốc của mọi vấn đề, công tác này tiếp tục được Đảng chú trọng đổi mới. Sinh thời Bác Hồ đã nói "cán bộ là gốc của mọi công việc", muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhắc công tác cán bộ là "then chốt của then chốt" trong công tác xây dựng Đảng.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó đổi mới công tác tổ chức, cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Báo Dân Việt đăng tải loạt bài "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Chăm lo và đổi mới từ công tác cán bộ" nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát đối với vấn đề quan trọng này.

Thế nào là nhân tài?

Trước tiên cần hiểu bản chất của nhân tài là gì để chọn thu hút và trọng dụng đúng người, đúng việc.

Theo các tư liệu lịch sử để lại cho thấy, từ xa xưa, dân tộc Việt Nam đã có truyền thống trọng hiền tài và đãi ngộ nhân tài. Đặc biệt, trong Văn bia ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám do Thân Nhân Trung soạn (năm 1484) nêu rõ: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy, các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí". Tuy nhiên, cho đến nay quan niệm về nhân tài vẫn có nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Lựa chọn và trọng dụng nhân tài vào bộ máy (Bài 3) - Ảnh 1.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Sơn - chuyên gia Chính trị học, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Để định nghĩa được người tài là người như thế nào, trao đổi với PV Dân Việt, GS –TSKH Phan Xuân Sơn, chuyên gia Chính trị học, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Nếu đi vào ngữ nghĩa thì chỉ mang tính tương đối bởi người tài xuất hiện trong từng lĩnh vực, quy mô thường khác nhau. Song, người tài có một số đặc điểm sau: Thứ nhất, về tri thức phải hiểu biết rộng rãi, toàn diện các vấn đề để giải quyết được những vấn đề của mình và của cộng đồng đặt ra. Thứ hai, về kỹ năng thao tác phải thành thạo những nhiệm vụ mình hoặc cộng đồng đặt ra. Thứ ba, về thái độ và đạo đức, phải là những người trong sáng, được cộng đồng chấp nhận và tôn vinh.

"Những người có tri thức và kỹ năng tốt nhưng đạo đức xấu, không được cộng đồng tôn trọng thì cũng không được coi là người tài mà chỉ là người có năng lực chuyên môn", GS-TSKH Phan Xuân Sơn lưu ý và tóm lại: "Người tài là người có khả năng giải quyết các nhiệm vụ mà cộng đồng, đất nước đặt ra một cách hiệu quả nhất, mang tính quy mô".

Nêu ý kiến về vấn đề trên, GS -TS Lê Minh Thông, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: "Đừng trừu tượng hóa nhân tài, vẽ nhân tài là người có đầy đủ áo, mũ, ô và mọi thứ thì rất khó. Hãy quan niệm nhân tài ở từng cấp độ khác nhau để trân trọng và bồi dưỡng từng người".

Nhân tài được đầu tư, trọng dụng nhưng chưa mặn mà cống hiến

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta thực hiện nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích, động viên, thu hút người tài vào làm việc ở mọi ngành, lĩnh vực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: "Người tài đức có thể làm những việc ích nước lợi dân" nhằm nhấn mạnh công cuộc xây dựng đất nước luôn cần có nhân tài. Điều 61 Hiến pháp năm 2013 khẳng định, phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài… Nhà nước ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài.

Trong Văn kiện Đại hội XIII cũng nhấn mạnh: Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Lựa chọn và trọng dụng nhân tài vào bộ máy (Bài 3) - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.

Bàn về trọng dụng hiền tài ở nước ta, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhìn nhận, đó là truyền thống trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, luôn được xem là nét văn hóa chính trị đặc trưng. Cũng nhờ truyền thống đó, chúng ta đã có nhiều thế hệ nhân tài ở các giai đoạn lịch sử có tính chất bước ngoặt, không chỉ xuất chúng về bình trị - cai quản đất nước mà còn giỏi chống giặc ngoại xâm…

Đến thời đại Hồ Chí Minh, ngay sau khi giành độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã có chính sách minh bạch, rõ ràng về trọng dụng hiền tài đăng trên Báo Cứu quốc. Quan điểm chung, hễ ai là người thực đức, thực tài, yêu nước thương nòi thì đều được trọng dụng, không cần quy hoạch, độ tuổi hay ràng buộc gì.

Cùng với việc xây dựng thể chế, chính sách pháp luật dần ổn định và đi vào thực chất hơn, chính sách trọng dụng nhân tài của Đảng cũng có chuyển biến tích cực qua từng giai đoạn. Tuy vậy, theo ông Lê Thanh Vân, việc thể chế hóa chủ trương trọng dụng nhân tài bằng quy định pháp luật còn chậm nên các địa phương, bộ, ngành mỗi nơi vận dụng một kiểu, chưa có tính chất bắt buộc chung với toàn xã hội. Nhiều nơi có chính sách chiêu dụng nhân tài nhưng đã trọng dụng được ai, hiệu quả ra sao, tác động đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Đảng, chính quyền như thế nào còn chưa thấy tổng kết…

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Lựa chọn và trọng dụng nhân tài vào bộ máy (Bài 3) - Ảnh 3.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Phân tích thêm, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, Chính phủ đã có Nghị định số 140/2017/NĐ-CP và nhiều địa phương cũng có các chính sách về thu hút, tạo nguồn lực cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ… Nhiều địa phương đã xây dựng một số chính sách về tiền lương hoặc chính sách đãi ngộ khác, thậm chí có tỉnh cấp luôn cho cán bộ, công chức khi về làm việc một khoản tiền nhất định hoặc có thể dùng ngân sách để cho đi đào tạo, sau đó trở về làm việc tại địa phương đó… nhưng trong thực tiễn có nhiều trường hợp không trụ lại được.

Điển hình như Hà Nội, hàng năm đều tổ chức gặp mặt và có chính sách để thu hút các thủ khoa, người tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học về làm việc, nhưng sau đó một thời gian họ vẫn ra đi, chỉ có 10% ở lại Hà Nội. Hay như ở Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác, khi cán bộ được đi học, đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước, mặc dù đã có những cam kết nhưng khi trở về họ không làm ở khu vực công mà về khu vực tư, bắt buộc họ phải trả lại số tiền mà Nhà nước đã cấp cho đi đào tạo.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Lựa chọn và trọng dụng nhân tài vào bộ máy (Bài 3) - Ảnh 4.

GS -TS Lê Minh Thông, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

GS-TS Lê Minh Thông phân tích, nhân tài tùy thời điểm, có thể "rơi rụng", có những người hôm nay là nhân tài, ngày mai không còn là nhân tài nữa thì cũng là chuyện bình thường. Ví dụ: "Muốn có 1 cầu thủ tài năng là phải tốn kém, phải nâng niu, bồi dưỡng từ bé. Đầu tư bồi dưỡng để có nhân tài là tốn kém nhưng mang lại hiệu quả. Đừng có bảo bỏ bao nhiêu tiền mãi chả được gì. Đầu tư nhân tài là đầu tư rủi ro".

Dẫn câu chuyện thực tế vừa qua khi có đến gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc, chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, ông có cảm giác giới trẻ, những người có tài không thích vào khu vực công và cho rằng trong khu vực công đang có nhiều bất ổn về chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc và uy tín thấp. Điển hình như hàng loạt vụ bê bối diễn ra, từ cấp cơ sở trở lên, rồi tiêu cực, tham nhũng, tình trạng nhiều công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", hoạt động không hiệu quả...

Cải cách mạnh mẽ, làm sạch bộ máy, tạo cơ hội để người tài "có đất dụng võ"

Phân tích việc dùng chính sách đãi ngộ như tiền lương để giữ chân người tài, TS Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, việc dùng chính sách đãi ngộ về vật chất, trong đó có tiền lương hoặc một số phụ cấp khác thì cũng chưa hẳn đã giữ chân được người tài mà còn liên quan đến môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến, phát triển. Vì vậy, phải giải quyết một cách đồng bộ chứ không phải chỉ chú ý một giải pháp, ở khu vực tư không phải không có các quy định riêng, tuy nhiên thu nhập nhận về của cán bộ, người lao động tương xứng, cao hơn hẳn đối với nhà nước.

"Do vậy, theo tôi, muốn giữ được cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công thì phải cải cách mạnh mẽ về chính sách tiền lương và chế độ khen thưởng, phải đảm bảo thu nhập của người lao động có mức sống khá đối với công sức bỏ ra. Đồng thời phải có biện pháp đánh giá công chức, viên chức một cách khách quan, minh bạch dựa trên kết quả họ đạt được trong quá trình làm việc và có chế độ khen thưởng xứng đáng, không cào bằng", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định.

Nêu ý kiến về việc làm sao để thu hút được người tài, GS-TS Lê Minh Thông nhấn mạnh, cần phải cải cách mạnh mẽ đội ngũ công chức, viên chức trong khu vực công, phải có giải pháp sàng lọc, loại bỏ những người không có năng lực, phải làm cho bộ máy tinh gọn và có chỗ để thu hút người có tài năng.

Lấy ví dụ các nước xem công chức nhà nước là tinh hoa, vào công chức là vô cùng vinh dự, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, cần phải đổi mới cơ chế chính sách thu hút nhân tài, làm sạch bộ máy để người ta thấy vào khu vực công có thể nỗ lực, cống hiến và phải có người đứng đầu uy tín, có tâm, có tầm, phải xây dựng được hình tượng người đứng đầu có nhân cách, có tố chất lãnh đạo, có khả năng quy tụ để thu hút được nhân tài.

Thi tuyển lãnh đạo góp phần xóa bỏ tư duy "sống lâu lên lão làng"

"Công tác tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều năm nay với các chức danh như vụ trưởng, vụ phó, giám đốc sở, phó giám đốc sở, tổng giám đốc... Có thể nói, chủ trương thí điểm thi tuyển hoàn toàn đúng với xu hướng hiện nay để nâng cao chất lượng đội ngũ. Bởi qua thi tuyển sẽ tạo ra sự cọ sát, khẳng định một cách khách quan về năng lực cán bộ. Điều quan trọng là công tác tổ chức thi phải được thực hiện khách quan, công bằng và tạo cơ hội cho thí sinh thể hiện tốt nhất năng lực của mình; bộc lộ hết được tố chất lãnh đạo. Đến nay, kết quả thực tiễn cho thấy, việc tổ chức thi tuyển đã góp phần xóa bỏ tư duy "sống lâu lên lão làng", hạn chế tình trạng "xin - cho"; những người trúng tuyển đã phần nào chứng minh được năng lực thực sự của mình ở từng vị trí công tác", TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem