Đọc sách cùng bạn: "Một chút hư không một chút đầy"

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 13/10/2020 08:15 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đọc cùng bạn "Thơ Việt Phương tuyển tập". Ông sinh 1928, mất 2017. Tuyển tập này là chung đúc từ mười tập thơ đã xuất bản sinh thời ông, được in ra sau ngày ông mất.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: "Một phút hư không một chút đầy"  - Ảnh 1.

Việt Phương là một chuyên gia cao cấp kinh tế chính trị. Ông từng nhiều năm là thư ký cho một người đứng đầu chính phủ. Nhưng ông lại bất ngờ nổi tiếng về thơ từ thập niên 1970 khi đã mở trước và mở sớm, bằng ý nghĩ, cảm xúc và vần điệu, cánh "cửa mở", cho xã hội, và cho thơ.

Năm mới tặng ta điều gì mới 

Hình như gió lộng thổi từ mây  

Ta tặng điều gì cho năm mới  

Một chút hư không một chút đầy 

Bây giờ thì ông đã về hư không, nhưng cõi thế vẫn còn một chút đầy ông để lại. Trong những bài thơ ông đã viết. Viết khi còn ở vị thế và tâm thế của một người làm chính trị, từng nhiều năm gần cận các lãnh đạo cấp cao của đảng và nhà nước. Viết khi đã về lại cuộc sống của một người bình thường, một người dân, trong "cõi nhân gian bé tí" như một nhà văn đã từng ngẫm ngợi. Và chính thơ đã cho ông một chút đầy để lưu lại dấu vết mình trong cuộc làm người chín mươi năm vào một thế kỷ khốc liệt của nhân loại ở nước Việt Nam nhiều biến động dữ dội. Để không tan biến vào chốn hư không mịt mù với những chức này tước nọ. 

Thơ đã giúp một người có tên Trần Quang Huy trở thành nhà thơ Việt Phương sẽ còn được nhắc đến trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại với 10 tập thơ đã xuất bản: "Cửa mở" (1970), "Cửa đã mở" (2008), "Bơ vơ đông đảo" (2009) và "Cỏ dọc đường trần" (2010), "Nhặt nắng trong sương" (2011), "Cát dưới chân người" (2011), "Sống" (2012), "Nắng" (2013), "Lan" (2013), "Gió" (2014). Đặc biệt, cái tên Việt Phương gắn liền với với tập thơ Cửa mở, một hiện tượng văn học đột xuất ở thập niên bảy mươi thế kỷ hai mươi.

THƠ VIỆT PHƯƠNG TUYỂN TẬP

Nhà xuất bản Văn Học, 2017

Số trang: 450

Số lượng: 500

Giá bán: 250.000

"Những khung cửa mở ngày mai" mà gần nửa thế kỷ trước ông đã mong muốn và dự báo, đó là làm sao cho ở cuộc sống này, trần gian này, CON NGƯỜI được thực là CON NGƯỜI chứ không bị xáo tung, đảo lộn thành NƠI GỪ. "Chữ NGƯỜI bị phá tung ra và chắp lại thành NƠI GỪ, nơi tiếng nói thống trị chưa phải là tiếng nói chân chính của con người mà hiện còn là tiếng gầm gừ của bầy thú dữ" (Chú thích của tác giả trong bài "Ta nhìn trời đêm nay và ta đọc" ở tập Cửa mở). Bởi làm người thì "mặc kệ được sao một nỗi đau người" và gộp lại những nỗi đau người đó là "nỗi đau trái đất". Hễ con người còn biết đau và đồng cảm nỗi đau người, chứ không bao giờ mặc kệ trước nỗi đau của đồng loại, thì hành tinh này, cuộc đời này còn đáng sống. 

Nhưng "trần ai hạnh phúc cái khi làm người!". Cho đến tuổi tám mươi ông vẫn thấy dằng dặc con đường trước mặt: "Sẽ đến thời khắp bốn phương tử tế / Cuối con đường có lẽ gặp con người". Biết "sẽ" và "có lẽ" đến khi nào! Cho nên trong tập thơ thứ hai có cái tên ngỡ trái ngược nhưng rất biện chứng tâm tình Bơ vơ đông đảo ông đã thổ lộ, bộc bạch, giãi bày những chiêm nghiệm và tình cảm của một người đã sống một đời thấy nhiều, hiểu nhiều, để cuối cùng ngộ ra "Có lẽ tôi đã làm xong việc sống hỏng đời mình".

Ai có thể tự nhận và dám nhận đời mình được như nhà thơ này? Người đã thấy từ sớm "trời" còn xanh hơn "trời xanh", và biết từ sớm cái ý nghĩ "Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ" là "Sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao". Người về già vẫn đau đáu nỗi niềm thế sự đất nước, nhân dân. Thời gian, thời đại, thời cuộc đã chứng thực cho những câu thơ nói thật, nghĩ thật của nhà thơ: "Năm xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin / Nay ta càng thêm tin mà không cần tô gì nữa cả / Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kỳ lạ / Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn." Câu khẩu hiệu "Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật" của thời đổi mới đã được nói trước bằng thơ của Việt Phương.

Thơ đó sẽ thay ông hiện diện trong đời sống tinh thần của xã hội và của mọi người. Một chút đầy của ông sẽ làm đầy thêm một chút trong lòng người những ai chia sẻ cùng ông cái đau cái vui và lòng yêu này được ông viết thành thơ từ năm 1969:

Ta đau lắm những nỗi đau sinh nở  

Cuộc đời thân như hơi thở ta ơi  

Ta vui lắm những niềm vui cởi mở  

Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi...

Đây là bốn câu kết của một bài thơ nổi tiếng nhất trong tập Cửa mở. Anh thanh niên Việt Phương bốn mươi tuổi ngày ấy đã sớm nhìn ra và nhìn thấy, đã dám nói ra và nói được, rằng: chỉ có cuộc đời là đáng sống, chỉ có sự sống là đáng quý, mọi tín điều có thể chao đảo, lung lay, đổ sụp, nhưng còn là người, còn sống đời con người thì còn những niềm vui nỗi khổ trần thế, và hạnh phúc thay được sinh ra là người và được sống làm người. Cố nhiên, bốn mươi năm trước, tác giả chỉ mới bắt đầu chiêm nghiệm điều này từ và dưới góc độ chính trị - xã hội. Năm tháng qua đi, ông trải nghiệm hơn mọi lẽ nhân sinh trên tuổi tác của mình.

Sáu mươi tuổi, ông thấy cuộc đời như vừa mở lại trước mắt mình, và dõng dạc ông ném ra câu tuyên bố: "Sự thật ơi ta đã tỏ mặt mình". Sự thật nào đây? Đó là "Cái chất người hơn tất cả thần linh / Ngạo ngược lắm khi so mình với chó". Đó là "Cái cuộc đời như chiếc lá thật mềm" nhưng cũng là "cái cuộc đời như một gã giả điên", "như một miền ngộ nhận", "như một người lận đận". Nghĩa là "cái cuộc đời đừng chỉ thấy một bề" vì cuộc đời là không hề phản trắc. Chỉ con người phản trắc với con người thôi. Ý này là của tôi nói ra, luận ra, không phải ý của nhà thơ. Nhà thơ đến tuổi này muốn "hứng một dòng mưa", chắc là để tẩy rửa bụi trần, xóa trôi những cặn ghét đời bám vào mình, thanh sạch lại mình, đặng sống tiếp đúng mình.

Bảy mươi tuổi, ông lại có thêm độ lùi mười năm để thức ngộ về mình, về đời. Bài thơ làm năm này có tên gọi "Vậy" như một sự đúc kết khẳng định, như một thấu triệt lẽ đời, qua một cái nhếch môi cười. Nhà thơ tự cười mình đã một đống tuổi "đè người", tưởng oai vệ lắm, nhưng thực ra mình chỉ "đang sắm vai hề" thôi, mình chỉ "khờ khạo như bóng mây" thôi, mình chỉ là kẻ "nghĩ vay" thôi (nhưng không phải "thương vay", may thay Việt Phương). Ngẫm lại, đời là nước chảy mây trôi. Và ông lại xác quyết "sống cứ thật lòng mà sống đấy" để bật ra cái câu chính hiệu Việt Phương "Thì là như vậy chứ còn sao".

Bảy mươi lăm tuổi, Việt Phương đi tiếp "con đường người" của mình về bến. Đây là bến nhân sinh. Ở chính hôm nay ông thấy "Cuộc đời bao giờ cũng cuối cùng cũng đầu tiên", và ông tha thứ cho tất cả khi soi mình vào hồi quang tháng năm vụt qua loang loáng như một cuốn phim đời, để nhẹ nhõm sung sướng "tôi là tôi đầy đủ đến dâng tràn". Đây là bước dọn mình để con người nhập trời đất, nhập hư vô, thấy tất cả trong mình và mình trong tất cả. Vòng đời tuần hoàn trong tuần hoàn vũ trụ. 

Năm năm nữa trôi qua, và nhà thơ của chúng ta thanh thản đến hồn nhiên: "Tám mươi tuổi tập ú tim / Cõi thiền gần lắm lặng yên vẫn chờ". Xin hãy ngừng lại ở chỗ "ú tim" với cõi thiền của con người đã sống tám phần mười thế kỷ. Trò nghịch này là của tuổi nhỏ, tuổi đang vào đời, thế nghĩa là Việt Phương muốn mình là một ông-trẻ-tám-mươi, nghĩa là nhà thơ còn ham sống, vui sống, nghĩa là Việt Phương không muốn lánh đời. Ông vẫn còn căng buồm ra khơi (bài thơ về tuổi tám mươi tên gọi là "Buồm"), được như ông lão giữa biển của E. Hemingway thì mới đáng sống.

Bởi vì tuổi càng cao ông càng thấy:

Tranh cãi ồn ào quanh chiến lược

Bên hồ nườm nượp gái trai đi

Bấy nhiêu lý luận bao nhiêu nước

Chảy dưới cầu kia để lại gì

                                         (Vậy)

Bởi vì sống là để nói lời yêu, nhưng đôi khi cũng mệt mỏi vô cùng.

Người thủ trưởng mấy chục năm tuổi Đảng ấy

                                 sao mà hèn hạ hống hách 

                                       toan tính cưỡi đầu dân

Người lãnh đạo cao giọng 

                         thuyết lý công minh chính trực ấy 

       sao mà ngập ngụa trong thủ đoạn gian hùng

Những chàng trai cười hề hề ca điệp khúc

                               cả nước đi buôn lòng vòng

Những cô gái hãnh diện khoe

                               bồ Úc bồ Thụy Sĩ

 

Ai anh hùng chuồng cọp bỗng sát phạt bon chen

Ai dày dạn hy sinh bỗng xoay tiền kiếm gái

Ta lại gặp trong ta con thú người thảm hại

Lồng lộn giành ăn và hưởng khoái

                                         (Lời)

Cho nên, đi hết con đường, lại thấy "làm người là khó".

Sẽ đến thời khắp bốn phương tử tế

Cuối con đường có lẽ gặp con người

                                         (Đường)

Một con người sống đã hơn tám mươi năm trên đời mà còn viết một chữ "Sẽ" thì quả là hành trình nhân loại từ NƠI đến nơi NGƯỜI còn dằng dặc lắm. Nhưng chính vì gian lao, khổ ải ấy mà mỗi người mỗi ngày sống càng phải gắng chắt chiu chất người cho mình.

Đọc "Thơ Việt Phương tuyển tập" sẽ cùng tác giả ngộ ra nhiều điều trong cõi người. Và có lẽ nơi xa kia ông vẫn đang nhẩm đọc cùng ta những câu thơ đau đời thương người của mình.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội Thu


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem