Đọc sách cùng bạn: Hà Nội có cầu Long Biên

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 11/03/2022 13:35 PM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi mời bạn đọc cuốn tản văn "Những đứa con của cây cầu Long Biên" của tác giả Đông Di.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Hà Nội có cầu Long Biên - Ảnh 1.

Nói tới Hà Nội là phải nói tới cầu Long Biên vì đó là cây cầu hiện đại đầu tiên bắc qua sông Hồng. Và từ khi có cầu ấy, bên dưới cầu, quanh những trụ cầu đã có biết mấy lớp người sống và lớn lên. Cầu thì vẫn thế trụ mình qua thời gian. Bất kể biến thiên đời người. Nhưng người thì có những người và kiếp người cầu Long Biên.

NHỮNG ĐỨA CON CỦA CÂY CẦU LONG BIÊN

Tác giả: Đông Di

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2022

Số trang: 256 (khổ 16x24cm)

Số lượng: 2000

Giá bán: 268.000đ

Chỉ có điều không phải ai cũng viết ra đời mình với cầu. Cuốn sách này của Đông Di là hồi ức của một đứa trẻ trong số "những đứa con của cây cầu Long Biên" thập niên bảy mươi thế kỷ hai mươi. Khi ấy cây cầu dài đầu tiên do người Pháp bắc qua sông Hồng đã có tuổi đời bảy mươi năm. "Tuổi thơ của tôi gắn liền với cây cầu Long Biên, nên nhiều khi tôi rất cố chấp với quan niệm của mình khi tranh luận với người khác. Trong suy nghĩ của tôi, Hà Nội được tính là đô thị hiện đại kể từ năm khánh thành cây cầu Long Biên, năm 1902 và vùng đất lãng mạn nhất của thành phố chính là Bãi Giữa sông Hồng."

Đông Di và các bạn đã sống tuổi thơ của mình cùng với bố mẹ quanh quanh khu vực chân cầu phía nam, khi những ô vòm cầu dẫn bằng đá chưa bị bịt kín, khi con đường chạy dọc hai bên cầu từ phía đường Trần Nhật Duật đến phố Hàng Giấy vẫn còn là đường đất, trời mưa là nước đọng vũng. Cả một không gian dưới chân cầu là "sàn diễn" của các cô cậu học trò tuổi nhỏ với các trò chơi nhảy dây, đánh đáo, đánh chuyền, diễn kịch, tập nghi thức đội, từ đó kéo dài ra Bãi Giữa sông Hồng vặt trộm ngô, khoai đem nướng chia nhau ăn. Có lần các cô cậu còn bắt được cả một con gà đi lạc và thế là cả bọn "chỉ có chúng ta với nhau" được ăn hết cả một con gà. Tôi dám chắc đó là bữa thịt gà ngon nhất đời của Đông Di và các bạn mình! Cũng có khi họ kéo nhau sang bờ bắc cầu và trong cảm nhận non trẻ của mình họ cũng đã nhận biết cuộc sống bên này bên kia cây cầu giữa thành thị và nông thôn khác nhau như hai thế giới.

Theo thời gian, những đứa con của cây cầu Long Biên lớn lên, mỗi người một số phận, tản mác khắp nơi. Cuốn sách của Đông Di trải ra theo bước chân đường đời của chị đan xen giữa hồi ức kỷ niệm ngày nhỏ với cuộc sống hiện tại. Song hành với cô gái dưới chân cầu Long Biên ngày nào bây giờ có anh bạn Tây Độc, hậu duệ của những người Pháp xây cầu năm xưa. Cây cầu như thế không chỉ là một phương tiện giao thông nối hai bờ con sông Cái của nước Việt. Nó còn là cây cầu nối bến bờ những số phận con người, những bến bờ văn hóa Việt - Pháp và rộng ra là văn hóa nhân loại. Từ chân cầu Long Biên ngày nào, Đông Di đã đi xa đến nhiều miền thế giới, đã đặt chân đến những vùng văn hóa khác lạ, đã gặp lại những bạn thơ ấu của mình trên các ngả đường năm châu và gặp những người bạn mới trên hành trình tri thức và nhận thức. Xuyên suốt cuốn sách là những suy nghĩ của Đông Di về những nét văn hóa truyền thống nước mình trong sự tiếp biến (acculturation) với văn hóa hiện đại của nhân loại. Như vấn đề giới và thân phận người phụ nữ chẳng hạn. Không chỉ ở trong gia đình, họ mạc, mà cả ở ngoài xã hội, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh sản xuất. Trong bài viết vào loại dài nhất trong sách, nhân chuyện một người bạn muốn gửi gắm đứa con vào công ty của mình, Đông Di đã nói đến sự khổ cực khó khăn của phụ nữ làm kinh doanh trong một xã hội nho giáo còn nặng định kiến về giới và về nghề nghiệp. "Chúng ta không chỉ thiếu vốn, mà còn thiếu cả nền tảng đạo đức kinh doanh."

Bằng giọng văn linh hoạt, khi hóm hỉnh, hài hước, khi trầm lắng, suy tư, tác giả đã cho thấy muốn bắc nhịp cầu ra ngoài với người trước hết phải đặt được đầu cầu bên trong mình. Chị đã cùng người bạn song hành của mình, Tây Độc, luôn có sự đối thoại tương khắc xung đột luận bàn phân tích suy ngẫm. Những câu chuyện của hai người nhiều khi bất ngờ, thú vị. Như trong một chuyến đến Paris, ngồi bên cầu Mirabeau bắc qua sông Seine, trong khi nàng thầm nhớ những câu thơ của Apollinaire đã làm nổi tiếng cây cầu này, thì chàng đột nhiên ước giá như mà Hồ Chí Minh được bầu làm tổng nước Pháp. Khi đó đàn ông Pháp sẽ được dễ dàng lấy phụ nữ Việt làm vợ và họ sẽ không còn muốn gây chiến tranh nữa. Nàng phản đối, đứng từ góc độ giới, cho rằng nếu mà thế thì sẽ là tai họa cho nước Pháp. Bởi phụ nữ Việt giỏi chịu đựng, nhẫn nhục quá, và vì thế họ đã làm hỏng đàn ông con trai Việt, và đàn ông Pháp cũng sẽ bị vậy nếu kết hôn với gái Việt. Còn phụ nữ Pháp thì kiêu hãnh, cá tính, nhờ đó đàn ông Pháp mới trở nên lịch lãm, hào hoa để xứng đáng với họ. Và Đông Di "điểm huyệt" bài viết ngắn này bằng hai câu thơ trong vở kịch cổ điển nổi tiếng "Le Cid" của Corneille: "Tu t'es en m' offensant, montré digne de moi/ Je me dois, par ta mort pour montrer digne de toi" (Bằng việc xúc phạm đến thiếp, chàng đã tỏ ra xứng đáng với thiếp. Thiếp phải giết chàng, để xứng đáng với chàng). Thế là cây cầu Mirabeau của Đông Di đã khác cây cầu Mirabeau của Apollinaire, tác giả đã bẻ ngoặt suy tưởng của người đọc từ bài thơ nói chuyện tình yêu trên dòng thời gian trôi chảy sang sự khác biệt của hai nền văn hóa trong cách nhìn nhận phụ nữ, và do đó nói đến một vấn đề cấp thiết của xã hội đương đại là "trận chiến bình đẳng giới". Đọc Đông Di, như vậy, thấy ra tác giả là một cây viết đáo để và đa sự. Không dưng mà chị dám gọi bà tổ Âu Cơ của đồng bào chúng ta là "Madam" để lý sự giống nòi với chàng Tây Độc hay cạnh khóe, châm chọc, "rách việc".

Cầu Long Biên đến nay đã 120 năm tuổi. Khi mới khánh thành nó đã thành biểu tượng của nước Pháp văn minh công nghiệp ở một xứ thuộc địa lạc hậu nông nghiệp. Câu ca dao từ hồi mới có cầu còn truyền đến bây giờ: "Hà Nội có cầu Long Biên / Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng / Tàu xe đi lại thong dong / Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi". Hơn một thế kỷ qua cây cầu đầu tiên trên sông Hồng đã là chứng nhân bao thay đổi của Hà Nội. Bao lớp người đã thăng trầm bên cầu và cùng với cầu. Giờ đây đã có thêm những cây cầu mới hiện đại tiếp nối Long Biên, gánh đỡ cho nó phần giao thông, nhưng trên cầu đó vẫn chưa hết cảnh gánh gồng ngược xuôi của nhiều người lam lũ qua lại hai bên. "Những đứa con của cây cầu Long Biên" thế hệ Đông Di lớn lên đã gặp thời vận mới của đất nước. Họ đã đi ra và đi xa để rồi trở về. Họ ngoái nhìn lại cây cầu xưa cũ vừa hoài niệm cho mình vừa mong mỏi cho những thế hệ đến sau. "Thế hệ chúng tôi chưa làm được gì nhiều cho mảnh đất này, nên hy vọng các thế hệ đi sau sẽ làm được nhiều hơn. "Sông Hồng sóng sau đè sóng trước" nên trở thành định hướng tinh thần cho những người trẻ tuổi của Hà Nội hôm nay. Phải là như vậy. Nhất định là như vậy." Mỗi thế hệ, mỗi người phải tự mình bắc cầu cho mình, cho đất nước, vươn xa qua những bến bờ, rút ngắn những khoảng cách về nhiều mặt.

Tôi, người viết những dòng này giới thiệu cuốn sách của Đông Di, gần nửa thế kỷ trước từ một tỉnh vùng Bắc Trung Bộ ra Hà Nội học đại học, đã chọn đến cầu Long Biên trước nhất nhìn xuống mặt nước đỏ màu phù sa như một sự ra mắt đất kinh kỳ bồi hồi chạm mặt thủ đô. Khi đó Đông Di và các bạn chắc mới chào đời hoặc còn ấu thơ. Giờ tôi đọc sách này của Đông Di thấy mình yêu hơn cầu Long Biên vì có thêm ký ức và khát vọng của một lớp người, nhiều lớp người, đã "trước bạ" tên mình vào đó. Những đứa con của cây cầu Long Biên!

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội, xuân 2022

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem