Mua đất công giá rẻ, đại gia Trần Kim Thành còn gì khi không còn “Kinh đô” và thất bại trong lĩnh vực BĐS?

Nguyễn Ngân Thứ ba, ngày 15/05/2018 15:43 PM (GMT+7)
Sau khi bán thương hiệu bánh kẹo Kinh đô, lợi nhuận của KIDO của đại gia Trần Kim Thành liên tục sụt giảm. Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản lại chẳng mấy suôn sẻ, nhất là mới đây bị Thanh tra Chính phủ phanh phui vụ mua đất công giá rẻ tại dự án Lavenue Crown.
Bình luận 0

Siêu dự án Lavenue Crown vừa bị Thanh tra Chính phủ tuýt còi vì UBND TP.HCM đã không bán đấu giá công khai mà bán “chui” cho Công ty TNHH Đầu tư KIDO của đại gia Trần Kim Thành với giá rẻ mạt. Cũng theo Thanh tra Chính phủ, với giá thị trường trên mặt đường Lê Duẩn đang ở mức khoảng 400 triệu đồng/m2, nếu đấu giá khu nhà đất này sẽ thu về trên 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc thu hồi đất cũng có thuận lợi, vì dự án chưa triển khai xây dựng mà đang làm bãi giữ xe.

Dật dờ sau khi bán mảng bánh kẹo Kinh đô

Ông Trần Kim Thành được biết đến với thương hiệu bánh kẹo Kinh đô. Năm 1978, ông Thành cùng gia đình kinh doanh cơ sở bánh kẹo và sau đó phát triển thành công ty và ông làm Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến Thực phẩm Kinh Đô.

Ông Thành đã gắn bó với Kido hơn thập kỷ. Bánh trung thu, bánh kẹo Kinh Đô từ lâu đã trở nên rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Thậm chí, chỉ cần nhắc đến "bánh trung thu" là người ta nghĩ ngay đến Kinh Đô.

Logo "Vương miện đỏ" của Kinh Đô trên bao bì sản phẩm từ lúc nào đã trở thành hình ảnh thân quen với nhiều thế hệ người Việt trong suốt hơn 20 năm qua.

img

Ông Trần Kim Thành thất bại sau khi bán mảng bánh kẹo kinh đô, lợi nhuận sụt giảm và gặp hạn trong bất động sản 

Sau khi đưa cổ phiếu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) năm 2005 với mã chứng khoán KDC, đến tháng 11.2014, ông Thành quyết định bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International, tập đoàn thức ăn nhẹ lớn hàng đầu thế giới của Mỹ với giá 7.846 tỷ đồng (tương đương 370 triệu USD).

Khi quyết định bán mảng bánh kẹo này, cổ đông đã không đồng ý, tuy nhiên, ông Trần Kim Thành ví von: “việc bán mảng bánh kẹo chỉ như bán trái cam, trái táo chín trên cây có nhiều trái. Mất trái đó, chất dinh dưỡng sẽ cung cấp cho các bộ phận khác của công ty”.

“Khi bán mảng bánh, tôi khóc 3 lần. Không dễ dàng gì bán cái bánh kinh doanh 20 năm. Đang nói chuyện với anh em, tôi lại chạy ra toa lét khóc. Khóc đã rồi vô nói chuyện tiếp. Cuối cùng vì tập thể, vì cổ đông, tôi không cản sự phát triển, phát tài của mọi người nên tôi xiêu lòng bán”, ông Thành nói.

Ông Thành còn cho biết thêm, công ty phát triển tới một giai đoạn không đủ sức để đi, cần một đối tác chiến lược vào để mình đi. Ở đây, người muốn đi phải phân tích tốt và chọn đối tác chiến lược phù hợp.

“Giữ bạn đời và phát triển kinh doanh khó y như nhau. Không có lời cũng có chuyện và có lời cũng có chuyện. Không phải giải quyết vấn đề khó mà giải quyết vấn đề về mối quan hệ trong cổ đông còn khó hơn.

Cổ đông mà không nhất trí là rất khó. Một số trường hợp khác, nếu cổ đông đồng ý thì cũng kéo dài hết năm này qua năm kia và doanh nghiệp sẽ bị đi xuống”, ông Thành nói.

Sau khi bán mảng bánh kẹo, KIDO của ông Trần Kim Thành tập trung vào kem, dầu ăn, mì ăn liền. “Dầu ăn là đồ dùng thiết yếu của cuộc sống. Ngày nào người tiêu dùng cũng cần và né khỏi những biến động của kinh tế”, ông Thành chia sẻ.

Tuy nhiên, sau khi bán mảng bánh kẹo đi, lợi nhuận của KIDO ngày càng sụt giảm. Năm 2014, KIDO đạt 547 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Đến năm 2015, lợi nhuận sau thuế của Kido đạt hơn 3.134 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 37% so với năm 2014. Nhờ hoàn tất thương vụ bán mảng bánh kẹo trong năm nay, KDC ghi nhận khoản doanh thu tài chính lên tới 6.697 tỷ đồng.

Năm 2015, nhờ hoạt động tài chính đến từ việc bán 20% vốn tại mảng bánh kẹo cho Mondelez, lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 đạt 5.253 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 547 tỷ đồng lợi nhuận của năm 2014. Tuy vậy, tổng tài sản KDC đạt 6.771 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ đồng so với con số đầu năm.

Đến năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Kido đạt 1.491 tỷ đồng, hoàn thành 99% kế hoạch và giảm 78% so với năm trước. Đến năm 2017, lợi nhuận trước thuế chỉ còn 569,4 tỷ đồng, giảm 62,2% so với năm 2016.

Mới đây, KIDO vừa báo lỗ quý I.2018 là 11.7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gần 19 tỷ. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp Kido chìm trong thua lỗ (quý 4/2017 lỗ 34 tỷ đồng). Tại thời điểm 30.03.2018, vay nợ ngắn và dài hạn của KIDO không thuyên giảm là bao so với đầu kỳ, lần lượt ở mức 1,088 tỷ đồng và 870 tỷ đồng. 

Gặp hạn với bất động sản

Bất động sản là một trong những lĩnh vực được ông Trần Kim Thành đẩy mạnh từ năm 2006. Điển hình, KDC có kế hoạch xây dựng dự án tại khu đất số 6/134, Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM để xây nhà ở cao tầng. Các căn hộ trong dự án này, một phần dành ưu tiên cho cán bộ, nhân viên của Công ty Kinh Đô có nhu cầu về nhà ở, một phần làm quỹ tái định cư cho các dự án do KDC làm chủ đầu tư tại TP.HCM, số còn lại sẽ đưa vào kinh doanh thu hồi vốn. Vốn đầu tư dự kiến cho dự án này tại thời điểm 2006 là 1.071 tỷ đồng.

Năm 2009, KDC tiến thêm một bước nữa khi định giá lại lô đất số 6/134, Quốc lộ 13 và lập Công ty TNHH Tân An Phước để thực hiện dự án này. Lô đất số 6/134, Quốc lộ 13 là đất có nguồn gốc từ đất công được UBND TP.HCM giao cho Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến Thực phẩm Kinh Đô làm văn phòng và nhà máy vào năm 2004, rộng 49.420m2. Vốn điều lệ của Tân An Phước là 500 tỷ đồng. Trong đó, KDC nắm 80% và Công ty Cổ phần Địa ốc KIDO nắm 20% vốn điều lệ.

Năm 2005, Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến Thực phẩm Kinh Đô chuyển nhượng quyền sử dụng đất của lô đất này cho KDC. Tuy nhiên, lô đất này đến nay vẫn chưa chuyển được mục đích sử dụng đất và phải đóng tiền thuê đất hằng năm.

Đến tháng 11.2017, Hội đồng quản trị KDC đã họp và ra quyết định chuyển nhượng 80% vốn góp tại Công ty TNHH Tân An Phước cho các đối tác. Thương vụ này giúp KDC thu về 400 tỷ đồng, tính theo giá trị sổ sách trên báo cáo tài chính quý III. 2017 của KDC. Như vậy, sau 12 năm với bao lần khởi công hụt, KDC đã chính thức từ bỏ dự án tại khu đất số 6/134, Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức.

Một dự án khác là góp vốn làm dự án SJC Tower nằm tại khu tứ giác Lê Lợi-Lê Thánh Tôn-Nguyễn Trung Trực-Nam Kỳ Khởi Nghĩa, rộng 4.000m2 với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD. Tòa nhà này được thiết kế với 6 tầng hầm và 54 tầng nổi. Chủ đầu tư dự án SJC Tower là Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương.

Tuy nhiên, hồi tháng 7.2017, KDC cũng phải chuyển nhượng 50% vốn góp tại đây cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) để thu về 425 tỷ đồng. Đây có thể là một thương vụ sai lầm của KDC.

Đáng nói nhất là KDC đã góp vốn vào Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue với tổng số tiền 1.087 tỷ đồng, chiếm 50% vốn điều lệ của Lavenue. Mới đây Thanh tra Chính phủ báo cáo kết luận số 138 năm 2016, UBND TP.HCM có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn và đòi thu hồi lại.

img

Mua đất công giá rẻ, đại gia Trần Kim Thành tiếp tục thất bại trên mảng bất động sản (Ảnh: Zing)

Đến ngày 4.5.2018, Thanh tra Chính phủ tiếp tục ra kết luận, tại thời điểm 2009 - 2010, UBND TP.HCM đang bàn bạc, cân nhắc chủ trương đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, căn hộ cho thuê trên khu đất này. Ngoài 2 Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô muốn đầu tư còn có Công ty Sunwah Vietnam Real Estade Limited cũng có văn bản đề nghị thực hiện dự án.

Như vậy, đã có đủ yếu tố để UBND TP.HCM chỉ đạo tổ chức thẩm định, đấu giá đất. Tuy nhiên, UBND TP.HCM đã không thực hiện. Cũng theo Thanh tra Chính phủ, với giá thị trường trên mặt đường Lê Duẩn đang ở mức khoảng 400 triệu đồng/m2, nếu đấu giá khu nhà đất này sẽ thu về trên 2.000 tỷ đồng thay vì chỉ thu được 700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc thu hồi đất cũng có thuận lợi, vì dự án chưa triển khai xây dựng mà đang làm bãi giữ xe.

Ông Trần Kim Thành hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido (KDC), Công ty Cổ phần Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KDF), Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (VOC) và là thành viên HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thiên Long.

Công ty TNHH Đầu tư KIDO được ông Trần Kim Thành thành lập năm 1993 và giữ vị trí tổng giám đốc.

Hiện ông Trần Kim Thành đang nắm 156.000 cổ phiếu KDF, tương đương 00,28% vốn điều lệ, 276.000 cổ phiếu KDC, tương đương 00,13% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, ông Thành còn thông qua VOC sở hữu 22.232.000 cổ phiếu KDC, tương đương 24% vốn điều lệ. Công ty TNHH Đầu tư KIDO nơi ông Thành làm tổng giám đốc cũng nắm giữ 16.867.456 cổ phiếu KDC.

Vợ ông Thành là bà Vương Bửu Linh hiện cũng đang năm 2.000.000 cổ phiếu KDC, em trai Trần Lệ Nguyên đang nắm 28.930.867 cổ phiếu KDC, em trai Trần Quốc Nguyên cũng đang năm 660.707 cổ phiếu KDC, em trai Trần Vinh Nguyên cũng nắm 604.729 cổ phiếu KDC…

Với giá 35.700 đồng/cổ phiếu, hiện gia đình ông Trần Kim Thành sở hữu khoảng 2.726 tỷ đồng tài sản chứng khoán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem