Thành phố Thanh Hóa sẽ tiếp tục được mở rộng

Việt Tùng Thứ tư, ngày 26/06/2019 17:21 PM (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa (TP.Thanh Hóa mở rộng), tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Theo đó, đô thị Thanh Hóa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa; đô thị tỉnh lỵ phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực...
Bình luận 0

Phạm vi lập quy hoạch thành phố Thanh Hóa mở rộng gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và toàn bộ địa giới hành chính huyện Đông Sơn của tỉnh này. Quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 232,64 km2.

img

Vòng xuyến cách điệu chim hạ trên mặt trống đồng Đông Sơn, một biểu tượng của Thanh Hóa.

Những lần mở rộng trong lịch sử

Trước đó, theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, TP.Thanh Hóa được xác định là một trong 12 đô thị trung tâm vùng của cả nước. Như vậy, việc mở rộng thành phố để trở thành trung tâm kinh tế vùng, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu là nhu cầu tất yếu trong thời kỳ mới.

Trong suốt hành trình dài của lịch sử dân tộc, TP. Thanh Hóa hiện tại và đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa, Hạc Thành trong quá khứ luôn chiếm vị trí địa văn hóa, chính trị và kinh tế quan trọng của một khu vực rộng lớn.

Mùa xuân năm 1804, vua Gia Long chỉ dụ dời trấn thành Thanh Hoa (tên gọi cũ của Thanh Hóa) từ làng Dương Xá (xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, nay là xã Thiệu Dương thuộc TP.Thanh Hóa) về làng Thọ Hạc (huyện Đông Sơn), gọi là Hạc Thành. Trấn thành Thanh Hoa được xây dựng theo hình lục lăng, có chu vi 630 trượng (gần 2,6 km), cao 1 trượng (4 m), có hào bao quanh mặt ngoài với 4 cửa gồm cửa Tiền phía Nam, cửa Hậu phía Bắc, cửa Tả phía Đông Nam và cửa Hữu phía Tây Nam.

Kể từ mùa xuân ấy, hơn 212 năm qua, đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa được hình thành và từng bước mở rộng qua các thời kỳ. Năm 1841, vua Thiệu Trị đổi tên trấn Thanh Hoa thành Thanh Hóa. Đến tháng 7.1889, vua Thành Thái ký đạo dụ thành lập thị xã Thanh Hóa bao gồm 7 làng là Đức Thọ Vạn, Cẩm Bào Nội, Cốc Hạ, Phủ Cốc (thuộc tổng Bố Đức, huyện Đông Sơn), Thọ Hạc, Đông Phố, Nam Phố (thuộc tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn).

Cuối tháng 5.1929, người Pháp quyết định thành lập TP.Thanh Hóa là thành phố cấp 3. Giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám thành công (năm 1945), chuyển thành thị xã Thanh Hóa.

Trong suốt hành trình mở rộng, lần lượt các năm 1991 và 1993, thị xã Thanh Hóa được xếp vào đô thị loại 4 và loại 3...

Tháng 2.2012, TP. Thanh Hóa được mở rộng thêm 19 xã, thị trấn. Cũng trong thời gian này, thị trấn Tào Xuyên được chuyển thành phường Tào Xuyên, thị trấn Nhồi chuyển thành phường An Hoạch.

Gần đây nhất, tháng 8.2013, theo Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa thành lập các phường Đông Cương, Đông Hương, Đông Hải, Quảng Hưng, Quảng Thành, Quảng Thắng thuộc TP. Thanh Hóa trên cơ sở nguyên trạng 6 xã. Sau khi mở rộng, đến nay, TP. Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 146,77 km2 với 20 phường và 17 xã, dân số 393.294 người, trở thành một trong những đô thị lớn nhất của khu vực phía Bắc về dân số.

Đặc biệt, theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7.4.2009 của Thủ tướng Chính phủ, TP. Thanh Hóa được xác định là một trong 12 đô thị trung tâm vùng của cả nước. Như vậy, Thanh Hóa được xây dựng để trở thành trung tâm kinh tế vùng, trở thành một tỉnh kiểu mẫu, trong đó, vai trò và sự đóng góp của TP. Thanh Hóa được xác định như một “đầu tàu” thúc đẩy. Đây còn là một trong những trung tâm khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, thương mại - du lịch của vùng, đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng nội vùng, là địa bàn trọng điểm chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng cũng như của cả nước.

img

Nhà hát Lam Sơn, nằm ở Trung tâm TP.Thanh Hóa (Thanh Hóa), nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa của tỉnh.

Huyện Đông Sơn sẽ nhập về TP.Thanh Hóa

Việc mở rộng TP.Thanh Hóa trong bối cảnh hiện tại là một nhu cầu tất yếu, trên cơ sở luận chứng và luận cứ khoa học, trong đó có những yếu tố khách quan như xu thế toàn cầu hóa đang phát triển như vũ bão, điều này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua quá trình mở rộng thị trường, cắt giảm thuế quan, thương mại quốc tế… sẽ gia tăng đầu tư của các nước. Trên cơ sở này, mỗi địa phương cần chủ động và tích cực hội nhập. Đây là con đường tốt nhất để tranh thủ cơ hội và vượt qua thách thức của quá trình toàn cầu hóa. Nếu không tranh thủ thời cơ này, thì TP.Thanh Hóa sẽ phải đối mặt với những hậu quả không dễ khắc phục trong tương lai.

Ý thức được trách nhiệm, nhất là sau khi mở rộng, sáp nhập một số xã lân cận (nhiều khu vực thuộc vùng “lõm” về kinh tế) về TP.Thanh Hóa, Đảng bộ và chính quyền TP.Thanh Hóa đã có nhiều biện pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ngay sau Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã xây dựng và ban hành Quy chế làm việc; Chương trình công tác; Chương trình kiểm tra và giám sát toàn khóa; phân công chuyên đề cho từng thành viên trong Ban Chấp hành…

 Theo phê duyệt, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và toàn bộ địa giới hành chính huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 232,64 km2.

Về quy mô dân số, tổng dân số khu vực nghiên cứu khoảng 512.500 người vào năm 2018. Dự báo đến năm 2030, tổng dân số khoảng 635.000 người, đến năm 2040 tổng dân số khoảng 720.000 người.

Mục tiêu quy hoạch nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Đô thị Thanh Hóa thành trung tâm kết nối vùng kinh tế Bắc Trung Bộ với các vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc nước Lào, với tầm nhìn là một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc.

Bên cạnh đó, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu; phát huy truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn; xây dựng Đô thị Thanh Hóa là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm tổng hợp của tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra còn đáp ứng vai trò đầu tàu kết nối, trung tâm động lực phát triển mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật và an ninh quốc phòng của tỉnh Thanh Hóa.

Theo Thủ tướng, quy hoạch mở rộng đô thị để thu hút đầu tư, phát triển đa dạng các ngành công nghiệp và dịch vụ thương mại, du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái với định hướng phát triển đô thị mạnh về dịch vụ.

Hơn nữa, còn phát triển các quỹ đất để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản; hoàn thiện và nâng cao chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối, hệ thống hạ tầng xã hội vì chất lượng sống người dân thành phố.

img

TP.Thanh Hóa (Thanh Hóa) nhìn từ trên cao, đẹp một cách kiêu sa và hiện đại.

Những nhiệm vụ trọng tâm của quy hoạch là rà soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2009 và tình hình thực tiễn phát triển tại thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn; rà soát định hướng phát triển các khu vực đô thị, quỹ đất phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy mô các khu vực chức năng, đánh giá tính phù hợp với xu thế phát triển của thành phố Thanh Hóa; đánh giá mối quan hệ và sức hút của thành phố Thanh Hóa với huyện Đông Sơn; các quy hoạch liên quan đến huyện Đông Sơn.

Đồng thời, bản quy hoạch có bổ sung các nội dung mới về thiết kế đô thị, đánh giá môi trường chiến lược, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hệ thống giao thông công cộng, hệ thống không gian ngầm đô thị, chiếu sáng trang trí đô thị; hệ thống tiêu chí phát triển đô thị xanh; nghiên cứu đề xuất các chỉ tiêu kiểm soát phát triển đô thị dựa trên phương pháp khoa học và các yếu tố về bảo tồn cảnh quan đô thị, khả năng cung ứng về hạ tầng kỹ thuật...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem