Dạy nghề giúp người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng

Thùy Anh Thứ hai, ngày 16/12/2019 11:47 AM (GMT+7)
Không chỉ chú trọng tới việc cai nghiện tại cộng đồng và trung tâm cai nghiện bắt buộc, giờ đây nhiều đơn vị đã trú trong tới khâu dạy nghề nhằm hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, hoạt động này lại đang gặp không ít khó khăn.
Bình luận 0

Học viên cai nghiện cảm thấy tự tin

Anh Nguyễn Văn T, ở tại huyện Long Thành (Đồng Nai) từng là chủ của một quán cà phê và có mức thu nhập ổn định. Thế nhưng chỉ sau một lần được bạn bè rủ sử dụng chung ma túy đá để hiểu cảm giác “phê” thì cuộc đời của anh bắt đầu những tháng ngày nghiện ngập. Sau 2 lần bị lập hồ sơ cai nghiện tại cộng đồng thì đầu năm 2018, anh T phải đi cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc).

img

Tại đây anh được cơ sở hỗ trợ cai nghiện, sau khi dứt cơn thì được cho đi học nghề điện công nghiệp. T tâm sự, những tháng ngày trong trại cai nghiện là những tháng ngày đau khổ, dằn vặt, nhớ nhung người thân nhiều nhất. Bởi vậy, khi biết tin được cho đi học nghề để có công ăn việc làm và sau này ra ngoài có công việc thì anh rất vui.

"Sau khi được tư vấn tôi quyết định chọn nghề điện công nghiệp bởi nghề này nhu cầu xã hội cần nhiều lao động. Thêm nữa tôi cũng thấy phù hợp với khả năng, năng lực của bản thân" - anh T nhớ lại.

Hiện nay T đã hoàn thành chương trình cai nghiện và đang đi làm cho một công ty tư nhân, chuyên sửa điện, lắp đặt thiết bị điện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Ông Hồ Trí Lịch - Giám đốc Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai cho biết, để tạo cơ hội việc làm cho những đối tượng nghiện ma túy khi tái hòa nhập cộng đồng, trong năm 2019 Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) đã tăng cường phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo nghề và đạt hiệu quả cao. Trong năm 2018 và 2019, cơ sở đã tổ chức khai giảng gần 20 lớp nghề cho hơn 700 học viên bao gồm: cơ khí cắt gọt, nghề may, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn.

Ông Lịch cho biết, trong thời gian tới, Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu học nghề của học viên để chuẩn bị cho năm học 2019. Cơ sở cũng đang tăng cường xây dựng nhiều kế hoạch tư vấn, giáo dục cho học viên để giúp họ sớm làm lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng, lao động sản xuất đóng góp cho xã hội.

"Để thực hiện tốt việc dạy nghề cho các học viên cai nghiện, cơ sở đã ký kết hợp đồng với các trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Điều này vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy vừa có bằng cấp giá trị cho học viên khi hoàn thành xong khóa đào tạo" - ông Lịch cho biết.

Mỗi khóa học viên được đào tạo trong vòng 3 tháng, mỗi tuần sẽ được học 3 buổi. “Trước khi mở lớp, cơ sở đều làm phiếu khảo sát ngành nghề học viên muốn học và được đăng ký theo đúng sở trường. Định kỳ 1 tháng chúng tôi sẽ tổ chức hướng nghiệp một lần. Các khóa học đều được đào tạo bởi những giáo viên có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao” - ông Lịch cho biết.

Còn nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Xuân Lập ­- Cục trưởng Cục PCTNXH cho biết việc tư vấn học nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của công tác quản lý sau cai, tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

"Mặc dù công tác dạy nghề đã được rất quan tâm, gần như trung tâm cai nghiện bắt buộc nào cũng có hoạt động giáo dục hướng nghiệp, nhưng không phải học viên cai nghiện nào cũng có đủ quyết tâm để học nghề" - ông Lập nói.

Ngoài sự hạn chế về trình độ, sức khỏe của người sau cai nghiện, khó khăn còn do chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người sau cai nghiện chưa rõ ràng, khó thực hiện. Đó là chưa kể sự nghi ngại của chủ doanh nghiệp đối với người có quá khứ nghiện ngập, không muốn tiếp nhận đối tượng này vào làm việc.

Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ vốn vay, thuê mặt bằng làm nhà xưởng... cũng còn hạn chế. Thậm chí có nơi vẫn còn tư tưởng kỳ thị, không tiếp nhận người từng nghiện ma túy làm việc.

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, có khoảng 2/3 số người nghiện chưa từng được đào tạo nghề; gần 20% đã được học nghề nhưng không được cấp chứng nhận, chứng chỉ và khoảng 12% là được đào tạo nghề một cách chính quy, được cấp bằng, chứng chỉ tốt nghiệp. Hầu hết người nghiện ma túy không có nghề nghiệp ổn định, chi tiêu chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của gia đình, thu nhập hợp pháp chỉ bằng 1/3 số tiền chi cho sử dụng ma túy. Khoảng 50% người nghiện đã gặp những vấn đề sức khỏe tâm thần và các vấn đề sức khỏe thể chất. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến người sau cai nghiện rất dễ tái nghiện.

Tại Hà Nội, giai đoạn 2010 - 2015 đã có 1.615 người sau cai nghiện được dạy nghề; 2.431 người sau cai nghiện được hỗ trợ, tạo việc làm tại địa phương. Tuy nhiên, con số này được xem là vẫn còn rất khiêm tốn so với tổng số người sau cai nghiện tại Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem