Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam mới chỉ đạt 3,8%, vì sao vậy?

Văn Long Thứ sáu, ngày 12/04/2024 08:17 AM (GMT+7)
Mặc dù ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi hecta một năm, nhưng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong giai đoạn sắp tới.
Bình luận 0

Sáng ngày 11/4, tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo Khuyến nông đô thị lần thứ I năm 2024 với chủ đề "Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ".

Tại hội thảo, ông Đỗ Minh phương - Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ NN&PTNT, hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh trên toàn cầu đã và đang đặt ra nhu cầu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tại các vùng đô thị để đảm bảo an ninh lương thực và cung ứng đủ nguồn thực phẩm cho cư dân đô thị.

Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam mới chỉ đạt 3,8%, vì sao vậy?- Ảnh 1.

Ông Đỗ Minh Phương phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp tại các vùng đô thị luôn đối mặt với nhiều hạn chế như thiếu đất canh tác, ô nhiễm môi trường do khí thải, nước thải sinh hoạt, giao thông... điều kiện sản xuất ở đô thị khác xa so với sản xuất nông nghiệp truyền thống ở nông thôn. Cùng với những tác động của biến đổi khí hậu đã làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế của nông nghiệp đô thị.

Theo báo cáo năm 2022 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam mới chỉ đạt 3,8%. Con số này cho thấy tiềm năng to lớn của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung, nông nghiệp đô thị nói riêng tại Việt Nam khi ứng dụng các công nghệ mới như IoT, AI, robot tự động hóa. Chính vì vậy, việc ứng dụng chuyển đổi số, AI trở thành yêu cầu cấp bách, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp đô thị, góp phần đảm bảo cung cấp đủ nguồn lương thực, thực phẩm an toàn cho các khu vực đô thị Việt Nam.

Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam mới chỉ đạt 3,8%, vì sao vậy?- Ảnh 2.

Hiện nay, tại tỉnh Lâm Đồng, người dân đã áp dụng chuyển đổi số, công nghệ cao khá nhiều trong sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Trần Văn Tuận – Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 26 doanh nghiệp tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT, công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử, công nghệ đèn LED; 13 doanh nghiệp được công nhận là "doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao"; 90 hợp tác xã, trang trại ứng dụng công nghệ IoT, canh tác hữu cơ; 182 chuỗi liên kết với sự tham gia của 201 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 17.000 hộ nông dân... nhiều trang trại đã cho doanh thu từ 5 - 8 tỷ đồng/ha/năm; hoa cao cấp 24 tỷ đồng/ha/năm.

Mặc dù đã có những thành tự nhất định, nhưng hiện nay tại Lâm Đồng, các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số còn ít. Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế, vì vậy khó tiếp cận và làm chủ công nghệ tiên tiến. Các chuyên gia chuyển đổi số còn yếu về thực hành, người nông dân còn e ngại trong việc chuyển đổi số.

Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam mới chỉ đạt 3,8%, vì sao vậy?- Ảnh 3.

Anh Nguyễn Đức Huy (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bên vườn cà chua sử dụng công nghệ chăm sóc của mình sáng lập, điều khiển bằng điện thoại, máy tính.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng sẽ ban hành những chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân áp dụng nông nghiệp thông minh 4.0 với lộ trình và nguồn lực hợp lý. Theo đó, các địa phương trong tỉnh tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình ứng dụng đồng bộ giải pháp IoT trong quản lý trang trại, sản xuất, bán hàng, kho bãi, tài chính, truy xuất nguồn gốc trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao đồng bộ về nông nghiệp thông minh 4.0, bao gồm cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cán bộ khoa học và nông dân để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh 4.0. Thực hiện dự báo thị trường làm cơ sở định hướng sản xuất nông sản hàng hóa phục vụ thị trường xuất khẩu theo cam kết các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA và RCEP.

Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam mới chỉ đạt 3,8%, vì sao vậy?- Ảnh 4.

Một doanh nghiệp tại Lâm Đồng sử dụng robot được lập trình sẵn trong chăn nuôi bò sữa.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lê Minh Lịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: "Tại hội thảo, chúng ta đã được 5 báo cáo tham luận và những ý kiến rất quan trọng của các cơ quan, đơn vị quản lý, triển khai chương trình chuyển đổi số của Bộ NNPTNT. Với những nội dung, chủ đề cụ thể, các đại biểu phần nào đã nắm rõ được tổng quan, cách tiếp cận và triển khai công tác chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hữu cơ trong hoạt động khuyến nông.

Chúng ta tin tưởng rằng hoạt động chuyển đổi số trong sản xuất chế biến, tiêu thụ nông sản hữu cơ trong thời gian tới sẽ thành công với nhiều kết quả nổi bật".

Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam mới chỉ đạt 3,8%, vì sao vậy?- Ảnh 5.

Ông Lê Minh Lịnh phát biểu tại hội thảo "Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem