Diễn viên Minh Hải: Sống tốt nhờ hình tượng Bác Hồ

Thứ tư, ngày 07/03/2012 18:32 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đóng xong vai Bác Hồ trong phim “Vượt qua bến Thượng Hải”, Minh Hải cảm thấy cuộc sống của anh thay đổi hẳn...
Bình luận 0

Quá tam ba bận “hụt vai”

Minh Hải vào học khoa Diễn viên - Đại học Sân khấu và Điện ảnh năm 1997, đến năm 2000, anh đầu quân về Nhà hát Kịch VN. Ngoại hình cao, gầy, kinh nghiệm lại không nhiều nên Hải chuyên trị… vai phụ để chờ cơ hội.

img
Diễn viên Minh Hải bên vợ con.

Năm 2003, phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” tuyển diễn viên. Đọc kịch bản, biết nhân vật Tống Văn sau khi ra tù, người gầy, mắt sâu, rất hợp với ngoại hình của mình, Hải khấp khởi hy vọng.

Sau lần casting, quay hình thử, Hải được đạo diễn yêu cầu tập ký chữ ký của Bác Hồ, rồi đến Bảo tàng Hồ Chí Minh nghiên cứu tư liệu, hình ảnh về Bác. Thế nhưng, phút cuối diễn viên đàn anh Trần Lực mới là người được chọn khiến Minh Hải cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ.

Năm 2009, khi phim “Nhìn ra biển cả” kể về giai đoạn Bác Hồ dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận) tuyển diễn viên, Hải cũng tìm cơ hội nhưng lại... trượt. Vai chính lần này được giao cho diễn viên trẻ Minh Đức (sinh 1988).

Năm 2010, phim “Vượt qua bến Thượng Hải” lấy bối cảnh hoạt động của Bác tại Trung Quốc trong giai đoạn những năm 1930 tuyển diễn viên. Nội dung phim xoay quanh cuộc hành trình của Người từ Hongkong tới Thượng Hải và tìm đường sang Liên Xô.

Nhận lời mời thử vai, Hải vừa mừng vừa lo bởi anh sẽ phải “cạnh tranh” với nhiều bậc “đàn anh” lẫn “đàn em” đã từng đóng vai Bác khá thành công trước đó. Càng áp lực hơn khi phần nhiều phim được thực hiện ở Trung Quốc, đạo diễn Trung Quốc và diễn viên phần lớn là người nước ngoài.

Nỗ lực hết mình, cuối cùng chàng trai xứ Nghệ đã được chọn sau khi diễn hết 4 phân đoạn trước sự “săm soi” của đạo diễn nước ngoài và các nhà làm phim VN. “Lúc này mà chọn diễn viên mới toanh như tôi hẳn là sự mạo hiểm. Mình không cố gắng thì cũng không còn đường lùi!” - Hải nhớ lại.

“Trưởng thành, chững chạc hơn”

Tư liệu hình ảnh “động” về Bác thời kỳ này không có để Hải có thể học tập về diễn xuất. Có mấy tấm ảnh về Người phát biểu tại Đại hội Tua năm 1920, Hải cứ phóng to rồi ngắm suốt ngày để “bắt” thần thái của Bác. Phim thu tiếng trực tiếp đòi hỏi diễn viên phải diễn xuất giọng nói sao cho giống giọng Bác Hồ, khó khăn nhất là phải nói bằng… tiếng Hoa vì bối cảnh phim là ở Trung Quốc.

“Với tôi, được thể hiện vai diễn về Bác là niềm hạnh phúc nhưng cũng là nỗi lo lắng làm sao để hoàn thành vai diễn và quan trọng nhất là toát lên thần thái của Người”.

Cấp tốc học tiếng Hoa, miệt mài nghe Tuyên ngôn độc lập 1945, cuối cùng Hải cũng thành công khi thể hiện được chất giọng đầy âm sắc xứ Nghệ gần giống với giọng thời tuổi trẻ của Bác Hồ. Hải kể, bạn diễn Nguyễn Tiến Thỏa khi nghe anh cất tiếng xứ Nghệ đã ngỡ ngàng một lúc mới diễn tiếp được.

“Được đóng vai Bác, coi như tôi đã thoả ước mơ của một diễn viên. Xong vai diễn cuộc đời này, tôi trưởng thành hơn, chững chạc hơn rất nhiều trong cuộc sống” – Minh Hải bày tỏ. Không chỉ bản thân tự cố gắng để tốt hơn, những người bạn của Minh Hải còn “buộc” anh xa rời mọi tật xấu như rượu chè, bài bạc.

Diễn viên Đoàn Mai Hoa (Nhà hát Cải lương Việt Nam) - người bạn đời của diễn viên Minh Hải nói vui: “Nghệ sĩ có bù khú rượu chè với bạn bè là lẽ thường tình nhưng anh Hải thì gần như “đoạn tuyệt” với những thú vui tưởng chừng hết sức thông thường đó. Bạn bè cũng hiểu nên ai cũng cố gắng giữ cho anh, xong bộ phim thì anh trở thành “người đàn ông điểm mười”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem