Diễn tập xử lý một số tình huống trong công tác phòng, chống thiên tai tại huyện Mê Linh (Hà Nội)

PV Thứ bảy, ngày 04/11/2023 11:00 AM (GMT+7)
Thực hiện quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố phối hợp với UBND huyện Mê Linh tổ chức diễn tập xử lý một số tình huống trong công tác PCTT trên địa bàn xã Chu Phan, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Bình luận 0

Thực hiện quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt đề án " Nâng cao nhận thức công đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030", mới đây, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố phối hợp với UBND huyện Mê Linh tổ chức  diễn tập xử lý một số tình huống trong công tác PCTT trên địa bàn xã Chu Phan huyện Mê Linh, Hà Nội.

Mục đích, ý nghĩa

Nhằm nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng cấp xã, huyện an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai của đại đa số người dân nhằm góp phần thực hiện tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai.

Tình huống giả định

Theo tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, cơn bão bất thường số 7 đã đổ bộ vào miền Bắc nước ta, gây ra mưa lớn ảnh hưởng trên diện rộng, trong đó có khu vực thành phố Hà Nội. Do ảnh hưởng của cơ bão số 7, các tỉnh miền núi Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu tiếp tục có mưa to đến rất to. Các hồ chứa khu vực thượng nguồn sông Đà, sông Hồng nước dâng cao uy hiếp đến an toàn công trình đập Thủy điện.

Diễn tập xử lý một số tình huống trong công tác phòng, chống thiên tai tại huyện Mê Linh (Hà Nội) - Ảnh 1.

Hình ảnh lực lượng chức năng cùng bà con nhân dân tập huấn xử lý các sự cố thiên tai tại huyện Mê Linh. Ảnh: T.S.

Trước tình hình trên Ban Chỉ đạo TW về PCTT lệnh Công ty Thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả đáy nhằm đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, đồng thời có Công điện khẩn gửi BCH PCTT & TKCN các Bộ, Ngành, địa phương Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội tổ chức triển khai công tác ứng phó mưa bão và nước lũ dâng cao; tổ chức tuần tra các công trình phòng chống thiên tai, đặc biệt chú ý các khu vực trọng điểm, xung yếu do việc xả lũ của hệ thống hồ chứa thượng nguồn và các tác động xấu của cơn bão số 7; tổ chức sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt.

BCH PCTT & TKCN thành phố Hà Nội có Công điện khẩn gửi BCH PCTT & TKCN các quận, huyện thị xã tổ chức triển khai công tác ứng phó mưa bão và nước lũ dâng cao; tổ chức sơ tán người dân và tài sản ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt; tổ chức thường trực 24/24 và báo cáo thường xuyên về văn phòng BCH PCTT thành phố.

Tổ chức họp vận hành cơ chế: Đảng lãnh đạo, chính quyền và các ban ngành đoàn thể thực hiện với sự tham gia của các đồng chí: Bí Thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã, phó Chủ tịch phụ trách thường trực công tác PCTT và các ban ngành đoàn thể.

Xử lý một số sự cố công trình ngoài thực địa với các sự cố giả định như: Sạt trượt mái đê phía đồng; Mạch sủi dưới ao hạ lưu; Thẩm lậu nước đục mái đê phía đồng; Tôn cao mặt đê đề phòng nước tràn.

Hồi 6 giờ 00, Đội tuần tra canh gác Điếm 2 Chu Phan thực hiện công tác tuần tra, phát hiện sự cố trên đoạn đê phụ trách theo quy định phát hiện tại mái đê phía hạ lưu tương ứng K37+450 xuất hiện 2 vết nứt gần nhau.

Vết nứt số 1 có hiều dài 15,0m, đỉnh vết nứt ở cao trình +13.55m, chân ở cao trình +9.25m, khe nứt rộng 0,15m, độ chênh cao 0,13m. Vết nứt số 2 có chiều dài 17,0m, đỉnh vết nứt ở cao trình +12.20m, chân ở cao trình +9.85m, khe nứt rộng 0,17m, độ chênh cao 0,15m. Khu vực này có ao, hồ sát chân đê phía hạ lưu.

Khi phát hiện sự cố Điếm trưởng Điếm số 2 xã Chu Phan đã tiến hành cắm biển báo sự cố, phân công người theo dõi chặt chẽ, cấm người và xúc vật đi vào vị trí có khe nứt, đào rãnh ngăn nước mặt không cho chảy vào khe nứt và tiếp tục theo dõi, đồng thời báo cáo Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã Chu Phan và Hạt Quản lý đê Mê Linh.

Sơ bộ đánh giá nguyên nhân của sự cố

Khu vực này xảy ra sự cố có ao, hồ sát chân đê phía hạ lưu lưu; cột nước có độ cao, mái đê hạ lưu có độ dốc và do có mưa lớn kéo dài làm mái đê bị sũng nước dẫn đến sạt trượt mái đê phía hạ lưu.

Sau khi nghe báo cáo về việc phát hiện vết nứt ở mái đê hạ lưu, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Mê Linh đã xuống kiểm tra và có biện pháp xử lý ngay nhưng ở mức đơn giản là: đào rãnh ngăn nước mặt không cho chảy vào khe nứt và tiếp tục theo dõi.

Qua theo dõi mực nước sông Hồng tiếp tục lên nhanh, vào hồi 8h30’ mực nước sông Hồng +13m, xu hướng tiếp tục lên nhanh, trời vẫn đang mưa.

Vết nứt phát triển thành cung trượt: chiều dài 35m, đỉnh cung trượt ở cao trình +13.40m; độ chênh cao lớn nhất 0,35m; độ rộng khe nứt lớn nhất 0,3m; đáy cung trượt ở cao trình +10.00m. Sự cố sạt trượt có xu hướng phát triển mạnh.

Điếm số 2 Chu Phan báo cáo khẩn cấp về BCH PCTT & TKCN xã Chu Phan và Hạt Quản lý đê Mê Linh về diễn biến sự cố nứt trượt, xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời chủ động kiểm tra dụng cụ, vật tư sẵn sàng xử lý giờ đầu sự cố trên.

Khi nhận được báo cáo sự cố sạt trượt mái đê hạ lưu khu vực K37+450, Trưởng ban BCH PCTT & TKCN xã Chu Phan, Hạt quản lý đê Mê Linh trực tiếp kiểm tra cụ thể và nhận định đây là sự cố nguy hiểm, kết hợp mực nước sông Hồng tiếp tục lên nhanh nếu không xử lý ngay sẽ uy hiếp đến an toàn công trình đê điều. Đồng thời báo cáo với BCH PCTT & TKCN huyện Mê Linh tình hình, diễn biến của sự cố và đề nghị cho xử lý khẩn cấp.

Nhận được chỉ đạo của BCH PCTT & TKCN huyện Mê Linh, Trưởng ban BCH PCTT xã Chu Phan triển khai huy động vật tư, nhân lực, phương tiện tổ chức xử lý sự cố sạt trượt mái đê tại K37+450 phía hạ lưu đê tả Hồng dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của BCH PCTT & TKCN huyện và Hạt Quản lý đê Mê Linh.

Giải pháp

Sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã ngăn không cho người, gia súc, phương tiện vào khu vực sự cố. Khơi rãnh thoát nước đỉnh cung trượt ngăn không cho nước mặt chảy vào khe nứt, thoát nước khu vực mái đê sạt trượt bằng rồng dẫn thấm.

Diễn tập xử lý một số tình huống trong công tác phòng, chống thiên tai tại huyện Mê Linh (Hà Nội) - Ảnh 2.

Các bao tải cát được kết tại điểm xảy ra sự cố. Ảnh: T.S.

Dùng bạt chống sóng phủ kín toàn bộ khối trượt để nước mưa không vào được khối trượt, sau đó tiến hành xử lý hộ chân; Giữ ổn định khối trượt bằng cách đóng hàng rào cọc tre phạm vi chân khối trượt tăng thêm về mỗi phía cung trượt 5m (phạm vi xử lý dài 45m).

Đồng thời, cọc tre dài 3m đóng cách chân khối trượt 1,5m ra phía ngoài, khoảng cách giữa các cọc là 0,5m, tại 1 vị trí đóng 1 cọc đứng và 1 cọc chống chéo, 2 cọc này được buộc néo vào nhau bằng dây thép. Dùng phên nứa buộc áp sát và cọc tre để tạo tường chắn: buộc 1 lớp phên nứa vào hàng rào cọc bằng dây thép. Đắp đất tạo cơ phản áp phạm vi cung trượt, đắp 1 hàng bao tải đất áp sát hàng rào cọc cao 2,5m.

Lực lượng vận chuyển cọc tre và buộc phên nứa xong sẽ di chuyển lên vận chuyển bao tải cát xuống đắp; Chiều dài cung trượt là 35m thì chiều dài xử lý kéo dài về 2 phía mỗi phía thêm 5m, tổng chiều dài cần xử lý hộ chân là 45m.

Trong quá trình xếp bao tải cát, đến chiều cao 1,0m đặt các ống thoát nước bằng nhựa đường kính D40 dài 0.5m qua hàng bao tải cát, cứ 2m đặt 1 ống đến hết chiều dài đắp bao tải.

Ngoài nhân lực phục vụ máy móc, Ban chỉ huy, an ninh và nhân lực khác thì nhân lực trực tiếp tham gia xử lý sự cố cần 58 người. Toàn bộ lực lượng này do Ban chỉ huy quân sự huyện chỉ đạo và có hướng dẫn của cán bộ chuyên môn do Hạt Quản lý đê phân công.

Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện trực tiếp chỉ đạo toàn diện; Cán bộ Hạt Quản lý đê Mê Linh hướng dẫn kỹ thuât; Lực lượng xung kích tiến hành xử lý khẩn trương sự

Sau 2 giờ đã hoàn thành, cung trượt đã ổn định, tuy nhiên, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện vẫn tiếp tục chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp xã tiếp tục theo dõi nếu có diễn mới phải báo cáo ngay để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với sự các sự cố khác: Thực hiện đầy đủ các bước đánh giá nguyên nhân, báo cáo, chỉ đạo biện pháp, tập kết vật liệu, nhân lực xử lý. Lực lượng xung kích dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của lực lượng quản lý đê chuyên trách đã xử lý kịp thời, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem