Điền kinh Việt Nam trông đợi vào VĐV nào ở ASIAD 19?

Lê Giang Thứ ba, ngày 23/05/2023 19:10 PM (GMT+7)
Không thật sự thành công tại SEA Games 32, điền kinh Việt Nam khiến người hâm mộ lo lắng khi bước vào công tác chuẩn bị cho ASIAD 19 vào tháng 9 tới tại Trung Quốc. Điểm qua các gương mặt, điền kinh Việt Nam chỉ kỳ vọng vào Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Thanh Phúc.
Bình luận 0

Điền kinh Việt Nam sa sút?

Điền kinh Việt Nam bước vào SEA Games 32 với chỉ tiêu đặt ra là giành từ 14 đến 16 HCV và bước lên ngôi vị số 1. Nhưng, mục tiêu này của điền kinh Việt Nam đã không đạt được. Với 12 HCV giành được, điền kinh Việt Nam bị Thái Lan vượt qua khi họ có 16 HCV.

Ngoài việc mất hàng loạt VĐV nữ gạo cội do dính doping, điền kinh Việt Nam cũng gần như trắng tay ở các nội dung của nam, với duy nhất Nguyễn Trung Cường thành công ở 3.000 m vượt chướng ngại vật. Màn trình diễn tuyệt vời của các nữ VĐV đã giúp điền kinh lấy lại phần nào niềm tin nơi người hâm mộ.

Điền kinh Việt Nam trông đợi vào ai ở ASIAD 19? - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Oanh toả sáng với 4 HCV SEA Games 32.

Có quá nhiều yếu tố tác động vào sự sa sút của điền kinh Việt Nam. Màn trình diễn tuyệt vời của chân chạy Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Linh Na cùng sự tỏa sáng của các gương mặt "cũ mà mới" như Nguyễn Thị Thu Hà, Lương Trung Cường hay Huỳnh Thị Mỹ Tiên cũng khó có thể giúp điền kinh Việt Nam tìm lại sức mạnh cũ. Đây là bài học kinh nghiệm xương máu của điền kinh Việt Nam trên hành trình củng cố vị thế ở khu vực và hướng ra đấu trường châu lục.

Bước ra đấu trường châu lục như Đại hội thể thao châu Á – ASIAD 2023, điền rất khó có thể cạnh tranh với các cường quốc thể thao.

Gương mặt nổi bật nhất hiện tại của điền kinh Việt Nam là Nguyễn Thị Oanh, cô gái Bắc Giang này "vô đối" ở khu vực Đông Nam Á, nhưng ra đấu trường ASIAD là chuyện khác. Oanh phá kỷ lục SEA Games nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật với thành tích 9 phút 52 giây 44. Thành tích này so ra vẫn kém so với thành tích HCV tại ASIAD 2018 là 9 phút 36 giây 52; HCB là 9 phút 40 giây 03 và thành tích HCĐ của chính Oanh là 9 phút 43 giây 83.

Điền kinh Việt Nam trông đợi vào ai ở ASIAD 19? - Ảnh 2.

Nhà vô địch ASIAD 18, Bùi Thị Thu Thảo không còn phong độ đỉnh cao khi tuổi tác ngày càng lớn.

Ở ASIAD gần nhất vào năm 2018 diễn ra ở Indonesia, điền kinh đóng góp 2 HCV của Quách Thị Lan (400m), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ) và đây là thành tích đáng khen ngợi nhưng đó đã là khoảng thời gian 5 năm trước. Hiện Quách Thị Lan bị cấm thi đấu vì dính dopinh, còn Bùi Thị Thu Thảo đã bước sang tuổi 31 và đã là bà mẹ 1 con. Kết quả tại SEA Games 31 và SEA Games 32 là minh chứng cho câu chuyện về phong độ. Nhà đương kim vô địch ASIAD nội dung nhảy xa nữ Bùi Thị Thu Thảo (thành tích 6,55m) chỉ đạt thành tích 6,38m ở SEA Games 31 và tại SEA Games 32 là 6,13m.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Huyền hay Nguyễn Thị Thanh Phúc đều nhận được sự kỳ vọng sẽ tạo nên kỳ tích. Tuy nhiên, tuổi tác của 2 VĐV này khá cao. Họ sẽ rất khó khăn chen chân vào nhóm cạnh tranh huy chương khi đối thủ rất mạnh và được đầu tư tốt bên cạnh lực lượng VĐV nhập tịch. Từng vô địch châu Á, Nguyễn Thị Thanh Phúc sẽ nỗ lực để có cái kết đẹp ở kỳ ASIAD cuối sự nghiệp này.

Cần đầu tư trọng điểm 

Nếu muốn có được thành tích cao tại ASIAD 2023 vào tháng 9 tới đây tại Hàng Châu, Trung Quốc, điền kinh Việt Nam cần tập trung đầu tư nâng cao cho các VĐV.

Ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết sau SEA Games 32,  thể thao Việt Nam sẽ đầu tư mạnh cho Nguyễn Thị Oanh, vận động viên đã giành 4 HCV tại SEA Games 32. Ngoài việc gặt hái thành tích, Oanh là tấm gương sáng về nghị lực vượt qua khó khăn để vươn đến đỉnh cao. Tại ASIAD 2018, Oanh đã giành HCĐ nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật.

Điền kinh Việt Nam trông đợi vào ai ở ASIAD 19? - Ảnh 3.

Nguyễn Thị Oanh được kỳ vọng tại ASIAD 19 vào tháng 9 này.

Ngay sau SEA Games 32, các VĐV đã nhanh chóng quay lại tập trung, tập luyện chuẩn bị cho ASIAD lần thứ 19 diễn ra tại Trung Quốc. Ban huấn luyện bộ môn điền kinh đã lên giáo án tập luyện, động viên tinh thần thi đấu cho các VĐV.

Theo HLV Trần Văn Sỹ: "Sau SEA Games 32, kế hoạch của Oanh hướng đến giải đấu ASIAD 2023. Đây là giải đấu cạnh tranh rất khốc liệt nên không thể thi đấu nhiều nội dung. Oanh chỉ tập trung vào 2 nội dung là 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật".

Mục tiêu đặt ra là giành được huy chương cả 2 nội dung đã đăng ký, trong đó là việc đổi màu huy chương tại nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Trước đó, tại ASIAD năm 2018, Nguyễn Thị Oanh về đích thứ 5 nội dung 1.500m và giành HCĐ cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật.

Để giành huy chương tại kỳ Đại hội thể thao châu Á ASIAD 2023 đòi hỏi nhiều yếu tố từ sự chuẩn bị tốt cho các VĐV đến công tác dinh dưỡng bổ trợ. Tuy nhiên, điều này bị ảnh hưởng ít nhiều khi các HLV đã tập trung điểm rơi phong độ của VĐV cho SEA Games 32. Họ cần phải điều chỉnh để tạo nên điểm rơi phong độ vào thời điểm diễn ra ASIAD 19 vào tháng 9 tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem