Điểm trừ của ngành hàng không

Hải Phong Thứ năm, ngày 24/07/2014 13:16 PM (GMT+7)
Dù Cảng vụ Hàng không Miền Nam có gắng giải thích ra sao đi chăng nữa thì bức ảnh nam nhân viên tại sân bay lấy nước từ nhà vệ sinh cho vào các bình nước uống đã trở thành một điểm trừ không đáng có trong nhiều điểm trừ của ngành hàng không nước nhà.
Bình luận 0

Bức ảnh được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trong hai ngày qua trên mạng xã hội Facebook, cho thấy một nam nhân viên ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lấy nước từ vòi trong nhà vệ sinh cho vào các bình nước uống 16l đã làm dấy lên nghi án “các bình nước miễn phí đặt tại sân bay đều sử dụng nguồn nước kiểu này”. Cộng đồng mạng, đặc biệt là những người thường xuyên phải đi lại bằng máy bay, đã tỏ ra vô cùng bất ngờ và bất bình.

Còn nhớ cách đây mấy năm, khi nhà ga T2 chưa khởi công, khách đi máy bay tại nhà ga T1 sân bay Nội Bài (Hà Nội) được phen ngỡ ngàng trước cảnh các xô chậu đầy màu sắc “thập diện mai phục” ngay trong sảnh chờ của nhà ga tầm cỡ quốc tế với chức năng chính là… hứng nước mưa dột từ nóc nhà ga, ngay cả khi mưa đã tạnh từ rất lâu. Nhiều người đã phải ngán ngẩm thốt lên: “Không hiểu khách nước ngoài sẽ nghĩ gì khi vừa đặt chân xuống Hà Nội đã phải chứng kiến cảnh tượng này”?

Những bát mì, lon bia với giá “ngất trời” phục vụ cho khách đi máy bay từ lâu đã trở thành điểm trừ của ngành hàng không. Điểm trừ này sâu đến mức “giá bát mì sân bay” đã biến thành một nội dung thảo luận khá “găng” tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây.

Hay điểm trừ thời sự nhất là chuyện các hãng hàng không trong nước chậm chuyến, hủy chuyến triền miên. Với tần suất “ấn tượng” 914 chuyến bay nội địa bị chậm (chiếm 27,6%) chỉ trong vòng đúng 1 tuần. Cục Hàng không tiến hành kiểm tra, giám sát (từ 13 – 20.7), các hãng hàng không trong nước cho thấy mình hoàn toàn xứng đáng với những cái tên mà dân gian “ưu ái” đặt cho như “Sorry Airline” (Hãng hàng không xin lỗi), “Delay Airline” (Hãng hàng không chậm chuyến)…

Nhưng điểm trừ lớn hơn cả chính là thái độ lấp liếm, né tránh trách nhiệm đền bù, bồi thường của các hãng này với khách hàng. Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã vạch mặt những “tiểu xảo”: “Có hiện tượng các hãng dù biết trước thời gian khởi hành dự kiến bị chậm đến 4 – 5 giờ nhưng lại thông báo cho hành khách theo dạng chia nhỏ thời gian chậm, thông báo nhiều lần để tránh thực hiện nghĩa vụ của mình đối với hành khách các chuyến bay bị chậm”. Những “Thượng đế” đã bức xúc lại càng bức xúc.

Trong bối cảnh an ninh hàng không đang trở thành một vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới thì đây lại chính là điểm cộng lớn nhất của hàng không Việt Nam. Nhưng liệu điểm cộng ít ỏi này có đủ sức gồng gánh mãi cho hàng loạt điểm trừ của ngành hàng không trong tương lai? Câu hỏi này xin dành cho những người mà tầm mắt dường như luôn “hướng lên trời”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem