Điểm những đại gia “xếp hàng” đầu tư vào Vĩnh Phúc

Thái Bình Thứ sáu, ngày 25/08/2017 07:00 AM (GMT+7)
Cuối tháng 12.2016, tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh đã trao chứng nhận đầu tư cho 14 dự án thuộc 12 DN và ký Biên bản ghi nhớ đầu tư với 12 nhà đầu tư với 16 dự án… Bên cạnh các nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, ghi nhận loạt đại gia “nội” hứa hẹn rót hàng tỷ USD vào địa phương thông qua các dự án nhà ở, hạ tầng.
Bình luận 0

Các ông lớn hội ngộ

Trong số các dự án được tỉnh Vĩnh Phúc cấp chứng nhận đầu tư thời điểm đó, đáng chú ý có dự án tổ hợp trường đua ngựa, sân golf và khu vui chơi giải trí do Công ty GOMAX I&D (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư có số vốn 1,5 tỷ USD. Xếp liền sau về quy mô, là dự án FLC Vĩnh Phúc (giai đoạn 2) do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với số vốn lên đến 25.000 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng là những tên tuổi dự án nghìn tỷ khác như: dự án Flamingo giai đoạn 2 của Công ty Hồng Hạc Đại Lải (7.664 tỷ), dự án khu đô thị sinh thái hồ điều hòa Sáu Vó của Bitexco (4.460 tỷ), dự án đô thị tại Bình Xuyên của Tập đoàn Đất Xanh (1.200 tỷ), dự án nhà ở công nhân tại Bình Xuyên của Viglacera (1.500 tỷ) dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo (SunGroup - chủ đầu tư đã khởi công với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 2.900 tỷ đồng)...

img

Dự án khu đô thị sinh thái hồ điều hòa Sáu Vó của Bitexco được giới thiệu trên website của Tập đoàn này

Ở một diễn biến liên quan, ngay tháng 11.2016, thông qua chỉ đạo chính thức từ UBND tỉnh, đã xuất hiện một cách chi tiết nhiều dự án khủng, DN nổi tiếng đang xếp hàng chờ cơ quan sở tại xem xét, phê duyệt những thủ tục cuối cùng.

Cụ thể, trong danh mục các dự án được tỉnh đánh giá là “có khả năng cấp quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hoặc ký biên bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh ngày 28.12.2016”, ghi nhận các trường hợp đáng chú ý sau.

Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Sông Lô 1 (nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư phát triển Sông Lô  - VID Group) với tổng mức đầu tư 1.180 tỷ đồng. Dự án Tổ hợp khách sạn cao cấp (nhà đầu tư đề nghị nghiên cứu dự án là Tập đoàn Mường Thanh) tại TP Vĩnh Yên với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng.

Thuộc quy mô đáng nể, là Dự án đầu tư Nhà máy nước sạch Đức Bác (diện tích đất 36,5 ha tại huyện Sông Lô) với tổng mức đầu tư lên tới 3.304 tỷ đồng do Tập đoàn Bitexco đề nghị. Tiếp đến, Công ty CP Dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh cũng góp mặt trong danh sách với dự án Khu nhà ở công nhân và chuyên gia (KĐT Opal Central Bình Xuyên) trên diện dích đất khoảng 30ha. Theo đó, tổng mức đầu tư vào khoảng 990 tỷ đồng.

Về phía Viglacera, trên văn bản của UBND tỉnh, dự án mà đơn vị này đề xuất là Khu nhà ở công nhân tại huyện Bình Xuyên (quy mô khoảng 30,59ha) có tổng mức đầu tư đạt 1.000 tỷ đồng.

Nghỉ dưỡng, sân golf và dự án BT

Liên quan tới các dự án BĐS nghỉ dưỡng sinh thái, khách sạn cao cấp, công ty CP Hồng Hạc Đại Lải là cái tên đáng quan tâm đầu tiên.

Điển hình là các dự án: Giai đoạn 2 dự án khu du lịch sinh thái Đại Lải (Flamingo Đại Lải) tại xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên ghi nhận tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hồng Hạc Đại Lải cũng tỏ ra “bạo chi” khi đề nghị nghiên cứu dự án B-T nạo vét hồ Đại Lải đối ứng Khu nghỉ dưỡng Thằn Lằn (diện tích hơn 208 ha tại Thị xã Phúc Yên) với mức đầu tư ngót 3.000 tỷ đồng.

img

Vừa qua, TTCP đã chỉ ra sai phạm của Tập đoàn Bitexco trong xây dựng Dự án BT đường bao quanh khu tưởng niệm Công viên Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Ở quy mô đầu tư tính theo đơn vị nghìn tỷ đồng, SunGroup và Bitexco đang song hành trong nhiều dự án khác nhau. 

Theo phương thức BT - một thủ pháp vốn hóa đất đai mà giới DN “đại gia” đặc biệt “ưa thích”, Bitexco đề xuất dự án BT hồ điều hòa số 1 và tuyến đường trục Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc đối ứng KĐT, du lịch sinh thái khu vực hồ điều hòa Đầm Sáu Vó. Theo đó, quy mô dự án đối ứng này vào khoảng 300ha với tổng vốn đầu tư siêu khủng: 11.000 tỷ đồng.

Trong số các dự án được đánh giá có khả năng cấp quyết định chủ trương, chứng nhận đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, một vài tên tuổi khác cũng khá gây tò mò cho giới đầu tư. Điển hình là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Thịnh Vĩnh Phúc: dự án tổ hợp sân Golf Bản Long (Tam Đảo; 1.500 tỷ đồng đầu tư, diện tích 120ha); sân Golf Gia Khau (200ha đất tại huyện Bình Xuyên, tổng mức đầu tư 50 triệu USD); dự án KĐT mới Đầm Diệu (gần 33,8 ha tại Phúc Yên, tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng).

Hay như trường hợp của Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI (liên doanh Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Kim Việt) đang tìm kiếm cơ hội tại dự án Khu du lịch sinh thái, thể thao và nuôi trồng thủy sản Hồ Xạ Hương (Tam Đảo) quy mô 220ha và 500 tỷ đồng tiền đầu tư.

Vừa qua, TTCP đã chỉ ra sai phạm của Tập đoàn Bitexco trong xây dựng Dự án BT đường bao quanh khu tưởng niệm Công viên Chu Văn An (Quận Hoàng Mai, Hà Nội). Cụ thể, công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức không đúng, làm tăng số tiền hơn 12 tỷ đồng. Phần chi phí lãi vay nguồn vốn trái phiếu và vay vốn tín dụng tại Vietinbank trước thời điểm khởi công dự án (ngày 5.5.2014) không được xác định để tính chi phí lãi vay trong tổng mức đầu tư dự án BT được duyệt; việc giao và xác định tiền sử dụng đất của dự án đối ứng chậm theo chỉ đạo của Chính phủ…

Trước đó, Dự án đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An được triển khai theo hình thức BT, trong đó vốn đối ứng mà chủ đầu tư được nhận là KĐT The Manor Central Park. Dự án này cũng nằm trong tầm ngắm kiểm toán về quản lý và sử dụng đất đô thị năm 2017.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem