Đến Chiềng Khương học làm nông thôn mới

Kiều Thiện Thứ ba, ngày 23/09/2014 08:26 AM (GMT+7)
“Tôi nói với anh em các xã trong huyện rằng: Không phải đi học tậpkinh nghiệm ở đâu xa xôi cho tốn kém, cứ ra Chiềng Khương, xem họ làm nông thôn mới như thế nào rồi về vận dụng chắc kết quả cũng không nhỏ…” - ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Sông Mã (Sơn La) nói.
Bình luận 0

Khi dân đã đồng thuận…

Chiềng Khương là xã vùng biên giới Việt-Lào của huyện Sông Mã, với nhiều dân tộc anh em: Thái, Kinh, Xinh Mun, Khơ Mú… chung sống. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), Chiềng Khương gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Trung Vực - Chủ tịch UBND xã tâm sự: Huyện nghèo, xã cũng chưa có nhiều thuận lợi, bởi thế chúng tôi xác định phải lấy sức dân làm động lực chính, động lực lâu dài. Nhưng muốn vậy thì phải tạo được sự đồng thuận trong dân. Giải bài toán này, chúng tôi đã thành lập 23 ban phát triển xây dựng NTM tại 23 bản trong xã với thành phần là những người đứng đầu bản và những người có uy tín trong bản làng, dòng họ. Công tác tuyên truyền được thực hiện nghiêm túc, vừa dày về tần suất, vừa sâu về nội dung. Trong khi tuyên truyền phải tranh thủ nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, có thắc mắc phải giải quyết ngay để tư tưởng người dân thông thoáng, nắm được vấn đề, hiểu được vấn đề và đồng thuận với Nhà nước...

Tay thoăn thoắt vin cành, bẻ những chùm quả căng mọng vừa chín tới, anh Lò Văn Yêu - dân bản Mo (xã Chiềng Khương), vừa tiếp chuyện chúng tôi: Nói đến NTM thì lúc đầu dân chúng tôi cũng lo lắm. Hầu hết dân còn nghèo cả nên cứ nhìn vào các tiêu chí phấn đấu rồi nhìn vào thu nhập của gia đình mình là thấy xa vời lắm, lo lắm. Nhưng họp bản, họp dân, nghe cán bộ phân tích, chúng tôi mới hiểu ra: Làm NTM là làm cho dân, vì dân. Sức dân đóng góp là tự nguyện. Mục tiêu NTM là lâu dài, luôn có Nhà nước hỗ trợ trong từng bước thực hiện chương trình. Trong những mục tiêu ấy có những cái đã đạt được, có những cái mà nhà ai cũng đang phấn đấu: Ứng xử văn hóa, sống vệ sinh sạch sẽ, xóa đói nghèo… “Khi đã hiểu ra, dân chúng tôi ủng hộ ngay. Có hộ còn tự nguyện mang cả 20 triệu đồng tiền mặt góp với chương trình như nhà ông Ngọ bên bản Nam Tiến, để làm đường giao thông...”– anh Yêu cho hay.

Hiệu quả không ngờ

Chủ tịch xã Nguyễn Trung Vực thừa nhận: “Thật không ngờ khi người dân đồng thuận thì hiệu quả lại cao đến thế. Trong xây dựng NTM chúng tôi lấy nội dung: Xây dựng đời sống văn hóa và giao thông nông thôn làm bước đột phá. Nhưng để làm được đường đi trong khu dân cư vừa rộng rãi, tránh cong cua thì đụng chạm đến quyền lợi người dân nên chúng tôi lo lắm”.

Lo là lo vậy nhưng khi chương trình triển khai, những cán bộ ở Chiềng Khương đã rất vui mừng vì dân ủng hộ cao độ. Ngoài những hộ ủng hộ tiền mặt tới vài chục triệu đồng như ông Ngọ, còn có những hộ khác ủng hộ cả 150m2 đất bằng phẳng để làm nhà văn hóa bản như ông Lò Văn Nhiệm ở bản Búa; hộ ủng hộ ngót trăm khối cát, trị giá cả trăm triệu đồng như ông Thành, ông Sửu ở bản Nam Tiến...

Già bản Cút Văn In (dân tộc Xinh Mun) ở bản Lon Kham bảo rằng: Cái NTM này mới thật. Nó làm ai cũng vui, ai cũng muốn đóng góp sức mình. Già yếu như tôi không đi làm đường, làm nương được nhưng cũng góp phần làm NTM bằng cách dạy bảo cháu con những điều hay, điều tốt; lúc rảnh rỗi thì dọn nhà, quét rác; chăm thêm con lợn, con gà để tăng thu nhập. NTM là hết đói, hết nghèo, hết bệnh tật, hết lạc hậu, là con người được vui hơn, đoàn kết hơn.

    Chủ tịch xã Nguyễn Trung Vực cho biết: “Từ đầu năm đến nay, nhân dân đã tự nguyện đóng góp gần 12.000 ngày công, hơn 8.200m2  đất, 480m3 cát, gần 300 triệu đồng tiền mặt. Bà con đã tự nguyện chặt đi hàng trăm cây ăn quả đang cho thu hoạch để nắn đường. Tổng giá trị mà dân ở 23 bản đóng góp đã lên tới 2,5 tỷ đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem