"Đền bù cho dân Thủ Thiêm và xây nhà hát là 2 chuyện khác nhau"

Hồ Văn Thứ ba, ngày 16/10/2018 17:03 PM (GMT+7)
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, về đề án xây nhà hát ở Thủ Thiêm, có nhiều ý kiến cho rằng tiền đền bù cho người dân chưa có lại đi xây nhà hát. "Đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Có thể do TP.HCM chưa cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch nên mới có những ý kiến trái chiều như vậy", Bí thư Nhân khẳng định.
Bình luận 0

Chiều 16.10, kết luận tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 18, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã thông tin rõ thêm về việc xây nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm.

Theo Bí thư Nhân, trước khi thông qua TP đã lập đoàn đi khảo sát, làm việc xung quanh dự án này, có lẽ do thông tin chưa truyền tải đầy đủ nên còn nhiều ý kiến băn khoăn.

img

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: H.V)

"Có ý kiến trên mạng nói rằng, tiền đền cho người dân chưa có lại đi làm nhà hát. Chúng ta phải nói rõ, tiền đền bù thì TP đang làm quy trình, xây dựng dự thảo quy trình, sau đó gặp dân thỏa thuận để tìm sự đồng bộ… Tiền này là từ ngân sách, không liên quan gì đến tiền xây nhà hát. Đảm bảo không vì xây nhà hát mà không có tiền đền bù cho dân. Có cán bộ gặp tôi cũng chất vấn việc này, tôi trả lời đây là 2 chuyện khác nhau”, Bí thư Nhân cho biết.

Về câu hỏi nhà hát phục vụ ai, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết: "Chúng ta biết rõ 100 năm trước người Pháp xây Nhà hát TP khi dân số chỉ có 100.000 người, đến nay thấy rõ tầm nhìn của họ. Còn bây giờ TP.HCM có 10 triệu dân, 100.000 người nước ngoài sinh sống, ngoài việc góp phần thỏa mãn nhu cầu nghe nhạc còn là nhu cầu đào tạo giao hưởng, opera…. Nhà hát có âm thanh tốt, hạ tầng tốt thì ngoài giao hưởng, các hoạt động văn nghệ khác cũng làm được".

Theo ông Nhân, Nhà hát Giao hưởng đã có từ năm 1993, đến nay là 25 năm. Hàng tháng cố định suất diễn lại đang đi ở nhờ, tập ở rạp Thanh Vân, tập múa ở Thư viện Khoa học… Một năm TP cấp 900 triệu đồng để đi thuê chỗ.

"Nhà hát nằm trong quy hoạch chung 7 chương trình trọng điểm của TP, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Còn nói tại sao lại đưa về Thủ Thiêm? Lúc đầu TP.HCM tính đưa về Công viên 23.9, nhưng sợ người dân khó tiếp cận vì vấn đề giao thông nên TP quyết định đưa về Thủ Thiêm, cùng với nhà hát là sự tương thích của các dự án giải trí, văn hóa khác", ông Nhân phân tích.

img

Toàn cảnh Hội nghị BCH Đảng bộ TP.HCM lần thứ 18. Ảnh: H.V

"Qua việc này TP cũng cần rút ra bài học về chuyện thông tin, tuyên truyền. Trong nội bộ thì thông tin khá đầy đủ, nhưng ra ngoài thì thông tin chưa chủ động. Thủ Thiêm vốn là một vấn đề khá nhạy cảm từ trước, vì thế khi có vấn đề liên quan cần phải tuyên truyền đúng, đủ để người dân hiểu rõ đây là một đề án hoàn toàn minh bạch", ông Nhân kết luận.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy cần có chương trình phối hợp chặt chẽ hơn với HĐND, UBND TP để truyền thông cho từng sự  kiện, tiến tới cho ra mắt Trung tâm báo chí nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho dư luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem