Đến bao giờ các cầu thủ Việt Nam thôi "tặng quà" đối phương?

Phạm Trần Oánh Thứ năm, ngày 18/04/2024 21:10 PM (GMT+7)
Chiến thắng với chênh lệch 2 bàn của U23 Việt Nam trước U23 Kuwait chỉ phần nào làm mờ sai lầm của các cầu thủ với màn trình diễn thiếu thuyết phục trên sân.
Bình luận 0

U23 Việt Nam còn nhiều hạn chế

U23 Việt Nam đã có chiến thắng trong trận ra quân ở giải U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu thể hiện rất rõ trạng thái tâm lý thi đấu khác nhau của các cầu thủ trẻ Việt Nam qua 2 hiệp đấu.

Hiệp 2, các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn chơi hay hơn hiệp 1. Ở hiệp 1, các cầu thủ trẻ Việt Nam thi đấu hơi căng cứng. Có vẻ họ chưa tự tin lắm khi lựa chọn và thực hiện các phương án xử lý bóng đó trong các tình huống phối hợp. Hiệp 2, ta thấy các cầu thủ thi đấu tự tin, thoải mái hơn, họ phối hợp cầm bóng gắn kết hơn, cả những cầu thủ đã thi đấu từ đầu trận đến những thủ được thay vào trong hiệp 2.

Đến bao giờ các cầu thủ Việt Nam thôi "tặng quà" đối phương?- Ảnh 1.

U23 Việt Nam chơi chưa thuyết phục ở trận ra quân. Ảnh: SP

Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của trạng thái tâm lý khi chơi bóng là cách các cầu thủ lựa chọn và thực hiện kỹ thuật khống chế bóng trong thi đấu. Không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả thi đấu, động tác khống chế bóng trong bóng đá còn là 1 động tác mang tính phô diễn kỹ thuật. Khi tâm lý thoải mái, chạm một của các cầu thủ có thể là mu bàn chân, má ngoài, hay thậm chí gót chân, chứ không như lúc căng cứng, họ có xu hướng lựa chọn kỹ thuật đỡ bóng an toàn bằng lòng trong để đảm bảo bóng không bị chuồi đi xa.

Hoặc cũng có thể giải thích việc hiệp 1 các học trò của ông Hoàng Anh Tuấn chơi không hay bằng hiệp 2 vì họ có quá ít thời gian thi đấu cùng nhau. Sau 45 phút hiệp 1, họ dần tìm được tiếng nói chung trên sân. Lý do này cũng có thể dùng để giải thích cho 1 loạt các tình huống phối hợp hỏng trong trận đấu, kiểu như pha "chập cầu chì" của Văn Khang và Văn Tùng ở đầu hiệp 1 khi tranh nhau dứt điểm, hoặc pha không hiểu ý nhau của Lương Duy Cương và thủ môn Quan Văn Chuẩn trong pha phá bóng ở hiệp 2.

Trận đấu này cũng là điển hình cho việc, trong bóng đá, điều gì cũng có thể xảy ra. Trận đấu đang cân bằng thì U23 Kuwait mất người vì thẻ đỏ từ 1 tình huống vô thưởng, vô phạt ở giữa sân. Đang thiệt người, thua điểm số, bất lợi tâm lý, thì từ 1 pha tấn công rất bình thường, U23 Kuwait lại có quà khi được hậu vệ Việt Nam tặng cho 1 quả penalty cùng 1 thẻ đỏ.

Đến bao giờ các cầu thủ Việt Nam thôi "tặng quà" đối phương?- Ảnh 2.

U23 Việt Nam hưởng lợi vì U23 Kuwait mắc nhiều sai lầm hơn. Ảnh: SP

Đang cân người, cân tỷ số, lại có lợi thế tâm lý, tưởng thế là thôi, thì thủ môn của Kuwait lại tặng cho Vĩ Hảo 1 bàn thắng không thể dễ hơn. Những tình huống ngẫu nhiên và khó lường kiểu này nằm ngoài mọi tính toán của HLV U23 Kuwait cũng như HLV Hoàng Anh Tuấn. Bóng đá là vậy, điều gì cũng có thể xảy ra, và với bóng đá trẻ, nó xảy ra nhiều gấp đôi.

Nhưng sẽ không còn là ngẫu nhiên, khó lường nếu 1 tình huống cứ lặp đi lặp lại. Chúng ta đang nói tới tình huống "thẻ đỏ và phạt đền" của các cấp độ ĐT Việt Nam trong thời gian qua khi tham gia các giải đấu quốc tế quan trọng, giống như chiếc thẻ đỏ và quả phạt đền của U23 Việt Nam phải nhận trong trận đấu vừa qua. Rõ ràng, các tình huống phạm lỗi kiểu như vậy của bóng đá Việt Nam đã thành hệ thống.

Sẽ là không hay nếu ta liệt kê, nhắc lại những sai lầm của các cầu thủ ở đây. Nhiều người nghĩ và hy vọng rằng theo quy luật, các cầu thủ sẽ tự rút ra bài học khi chứng kiến đồng nghiệp của mình liên tục mắc lỗi, dẫn đến bất lợi hay thất bại cho đội bóng, họ sẽ tự điều chỉnh hành vi khi thi đấu để bản thân không rơi vào tình huống tương tự.

Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Các cầu thủ luôn ý thức được điều đó, họ biết có VAR, họ biết rất khó để qua mắt hệ thống theo dõi tỉ mỉ và tinh vi của các trọng tài ngày nay. Chỉ là trong tình huống cấp bách, họ không có thời gian suy nghĩ, họ chỉ hành động theo thói quen. Mà thói quen thì được hình thành trong quá trình tập luyện và thi đấu. Và thực tế là trong 1 thời gian dài, các tiểu xảo trong thi đấu đã được đồng hóa với kinh nghiệm và kỹ năng thi đấu ở bóng đá Việt Nam.

Đến bao giờ các cầu thủ Việt Nam thôi "tặng quà" đối phương?- Ảnh 3.

U23 Việt Nam còn nhiều điều cần chỉnh sửa nếu muốn tiếp tục được ăn mừng chiến thắng. Ảnh: SP

Tình trạng "thẻ đỏ và phạt đền" này sẽ còn diễn ra nếu không có những thay đổi ở các đội bóng cũng như ở các giải đấu quốc nội. Bóng đá thế giới đã thay đổi và chúng ta phải theo kịp càng sớm càng tốt.

Ngoài yếu tổ chủ quan là việc mỗi cầu thủ phải tự điều chỉnh thói quen thi đấu, chính các CLB chủ quản của họ phải có động thái nhắc nhở cầu thủ của mình, thì sự tinh anh, nghiêm khắc, dũng cảm, công minh của trọng tài khi điều hành trận đấu, đọc vị và trừng phạt các động tác tiểu xảo của các cầu thủ cũng sẽ giúp các cầu thủ điều chỉnh thói quen thi đấu. Tất nhiên, nếu trận đấu nào ở V. Leaguue cũng có VAR, thay vì chỉ có 3 trận trong 1 vòng đấu như hiện nay sẽ giúp bóng đá Việt Nam cải thiện tình trạng này một cách nhanh chóng hơn.

Chiến thắng với chênh lệch 2 bàn của U23 Việt Nam đã giúp làm mờ sai lầm của các cầu thủ. Tuy chưa thể hiện được nhiều qua trận đấu với đối thủ được cho là yếu nhất bảng như U23 Kuwait, nhưng dù sao thì U23 Việt Nam cũng đã có chiến thắng. Chúc cho thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn thi đấu ngày càng hay hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem