Đề xuất nhận chìm 400.000m3 bùn, cát: Không chỉ Bình Định gánh chịu

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 01/11/2017 14:31 PM (GMT+7)
Liên quan đến vụ việc Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp phép nhận chìm với khối lượng dự kiến ban đầu hơn 400.000m3 bùn, cát nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn, chuyên gia cho rằng, thế giới họ cũng chôn xuống biển, thậm chí là chất độc, nhưng phải chặt chẽ, đúng quy trình.
Bình luận 0

Nhận chìm cách bờ 2,5km?

Ngày 1.11, trao đổi với PV Dân Việt, ông Đặng Trung Thành - Giám đốc Sở TN&MT Bình Định cho biết: “Vừa qua, cảng Quy Nhơn bồi lắng bùn nên ảnh hưởng đến việc tàu lớn di chuyển ra vào. Vì vậy, phía Cục Hàng hải Việt Nam có kế hoạch nạo vét thông luồng tàu. Cái này đã có chủ trương thực hiện và Bộ GTVT đã đánh giá tác động môi trường. Vì vậy, họ xin chủ trương UBND tỉnh để xử lý bùn thải sau nạo vét. Tỉnh giao cho chúng tôi thẩm định và tham mưu hướng giải quyết. Chủ trương, kinh phí thì có rồi nhưng phải chờ UBND tỉnh đồng ý nhận chìm mới được triển khai”.

Theo ông Thành, Sở TN&MT Bình Định đã giao cho Chi cục bảo vệ môi trường rà soát lại việc đánh giá tác động môi trường. Đồng thời, giao cho Chi cục biển đảo tham mưu mời địa phương, ban ngành liên quan... để phản biện, xem xét dự án. Theo đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam, khối lượng bùn, cát dự kiến hơn 400.000m3 và tọa độ vị trí nhận chìm là ngoài phao số 0, theo quy định tối thiểu 2,5km từ bờ biển trở ra. 

img

Tỉnh Bình Định lo ngại việc nhận chìm sẽ ảnh hưởng đến biển du lịch. Ảnh: Internet

“Tuy nhiên, cái này phải cân nhắc chứ chưa quyết định. Thực ra, đây không phải là chất thải của sản xuất mà đây là bùn nạo vét nhưng vẫn phải rất thận trọng. Vì nếu đổ bùn ra biển mà ảnh hưởng đến du lịch và đời sống người dân thì rất phức tạp. Hiện nay, quy định rất chặt chẽ phải đánh giá tác động môi trường, khi có giấy phép mới được đổ”, ông Thành thông tin.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, địa phương này đã thống nhất về mặt chủ trương đồng ý việc lập dự án và yêu cầu đánh giá tác động môi trường cụ thể... trước khi đưa ra quyết định cấp phép.

Ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho hay: “Cái lo sợ của chúng tôi khi đổ xuống sẽ gây đục biển. Biển Bình Định đang mùa du lịch nên rất sợ. Chúng tôi sẽ làm rất cẩn trọng. Phải mang lượng bùn, cát ra thật xa để tránh ảnh hưởng vùng biển của Bình Định”. 

Đừng nghĩ chuyện lấy tiền để đền bù cho môi trường!

Trước lời đề nghị nhận chìm hơn 400.000m3 bùn, cát nạo vét xuống biển, nhiều người dân tại Bình Định tỏ ra lo lắng về vấn đề ảnh hưởng đến môi trường.

“Trước khi cấp phép nhận chìm, cơ quan chức năng phải thông tin công khai cho người dân được biết. Cam kết việc này không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân vì nếu để xảy ra tác hại thì hậu quả sẽ khôn lường”, ông Nguyễn Văn Anh (50 tuổi) chia sẻ.

Trao đổi với Dân Việt, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng: “Việc nhận chìm bao giờ cũng có tác hại nhưng đây là hoạt động phát triển kinh tế. Do đó, quốc tế có hướng dẫn 2 tài liệu để tránh dẫn đến tác hại, khi nhấn chìm phải thực hiện đúng quy phạm 2 tài liệu này. Tôi sợ ở Bình Định không có người đọc tài liệu để hiểu chuyện. Trước khi cấp phép, nếu cần phải chạy thử nghiệm mô hình. Phải có cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh, sau đó tỉnh cần có văn bản đưa cho nhà khoa học có kinh nghiệm để phân tích vấn đề”, Tiến sĩ An lý giải.

Theo Tiến sĩ An, việc nhận chìm phải được thực hiện bài bản, cần xem xét, điều tra địa điểm nhận chìm có gì, thời điểm nhận chìm khi nào, công nghệ ra sao và mức ảnh hưởng đến người dân như thế nào?

“Nếu tiết kiệm tiền mà cứ nghĩ nhận chìm là vác ra đổ ở biển, ai chịu thiệt hại thì kệ là hậu quả sẽ khôn lường. Tôi nghe nói đổ cách biển 2,5km, cái này tùy vào nghiên cứu. Ở đây, phải có nghiên cứu rồi khẳng định có lợi 10 phần, thiệt hại 1 phần thì mới làm, rồi lấy cái lợi đó bù thiệt hại cho người dân. Còn hại nhiều hơn lợi thì dứt khoát không làm. Đặc biệt, phải xem vùng nhận chìm đó có lồng bè, nuôi cá không? Dòng chảy có đưa vào khu du lịch không? Vì nếu ở đây 2,5km thì dòng chảy đưa vào bờ chỉ vài phút thôi”, tiến sĩ An cảnh báo.

img

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang.

Tiến sĩ An cho rằng, việc nhận chìm ở biển rất “nhạy cảm” nhưng không thể không thực hiện vì nhu cầu phát triển kinh tế. Các nước trên thế giới họ vẫn làm, thậm chí chôn cả chất độc nhưng cách làm bài bản, đúng quy trình, làm  vì mục tiêu dân sinh nên được người dân ủng hộ.

“Nếu xảy ra tác hại thì người ký cho phép nhận chìm phải chịu trách nhiệm. Ở nước ta, họ hay nói có gì tôi lấy tiền đền bù nhưng đối với môi trường tiền không quan trọng, môi trường tuyệt đối không bàn đến chuyện lấy tiền đền bù. Các nước khác khi xử lý, họ không chỉ xử lý người trực tiếp gây ra ô nhiễm mà còn xử cả người ký quyết định, ban tư vấn tham mưu. Tất cả những người góp tay tạo ra sự cố đó đều sẽ bị trừng trị theo pháp luật”, tiến sĩ An dẫn chứng.

Gặp chuyện, biển sẽ "chết" cả mấy tỉnh?

Tiến sĩ An đã đưa ra lời khuyên dành cho chính quyền tỉnh Bình Định, trước khi cấp phép nhận chìm, phải nghiên cứu, đánh giá thật kỹ vùng biển. So sánh việc moi bùn thải lên thì ngành giao thông vận tải được lợi bao nhiêu và nếu di chuyển đi thì gây hại bao nhiêu, ai chịu thiệt hại đó. Đồng thời, xem rõ đơn vị thực hiện nhận chìm đã có kinh nghiệm chưa vì dư luận khắp nơi đang phản ứng, lo lắng chuyện này.

“Tỉnh phải làm việc có khoa học, có cơ quan tư vấn, đánh giá tác động dự án nhận chìm thật rõ ràng và mang ra cho người dân bàn công khai, xem họ có thống nhất không, chứ giấu giếm để làm là không được. Vì nếu bị ảnh hưởng thì không chỉ riêng biển Bình Định “chết” mà các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa đều bị ảnh hưởng, nên phải đánh giá tác động hẳn hoi. Đây là quyền lợi của ai, vì doanh nghiệp hay vì sự phát triển chung của Bình Định. Nếu như vì quyền lợi chung thì có thiệt thòi người dân cũng vô tư nhưng khi phát hiện anh chỉ “nhận tiền” để làm thì dù không thiệt hại dân cũng phản đối”, tiến sĩ An nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem