Đề xuất lộ trình tăng mức đóng BHYT đến 6% tháng lương cơ sở

Diệu Linh Thứ tư, ngày 28/02/2024 06:08 AM (GMT+7)
Bộ Y tế đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật BHYT sửa đổi, trong đó có 3 phương án tăng mức đóng BHYT.
Bình luận 0

Bộ Y tế đề xuất lộ trình tăng mức đóng BHYT theo hướng tăng tỷ lệ đóng từ năm 2025 để đạt tối đa 6% tiền lương cơ sở hoặc lương tháng vào năm 2035.

Bộ Y tế đưa ra 3 phương án tăng mức đóng BHYT: 

Bao gồm: 

Phương án 1: Giữ nguyên mức đóng tối đa 6% như hiện nay nhưng đưa lộ trình tăng mức đóng vào luật sửa đổi. 

Từ ngày 1/1/2025, tiền đóng tăng lên bằng 5,1% lương tháng tính đóng BHXH của người lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc lương cơ sở, tùy nhóm tham gia. 

Từ ngày 1/1/2035, mức đóng tăng lên 6% lương tháng của người lao động.

Đề xuất lộ trình tăng mức đóng BHYT đến 6% tháng lương cơ sở- Ảnh 1.

Bộ Y tế đề xuất lộ trình nâng mức đóng BHYT theo hướng tăng tỉ lệ đóng từ năm 2025 để đạt tối đa 6% tiền lương cơ sở hoặc lương tháng vào năm 2035 (Phát thuốc BHYT tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh Diệu Linh)

Phương án 2: Mức đóng tối đa được giữ nguyên 6% như luật hiện hành song lộ trình nâng với tỉ lệ cao hơn. 

Từ ngày 1/1/2025 mức đóng tăng lên 5,4% lương tháng của người lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc lương cơ sở, tùy vào nhóm tham gia. 

Từ ngày 1/1/2035, mức đóng tăng lên 6%. Lộ trình này cũng làm tăng chi phí của ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, người lao động lẫn hộ gia đình.

Phương án 3: Giữ nguyên quy định hiện hành mức đóng tối đa 6%, chưa tính đến lộ trình tăng nhưng giao Chính phủ quy định khi cần thiết. 

Phương án này không làm tăng chi phí của xã hội song rất khó để Chính phủ quyết định thời điểm tăng do luật không quy định. Các cơ sở y tế đối mặt với gánh nặng chi phí trong bối cảnh người khám chữa BHYT tăng, quỹ BHYT có thể mất cân đối thu chi.

Hiện, mức đóng BHYT theo Luật BHYT năm 2008 quy định tối đa vẫn là 6% tiền lương tháng, nhưng thực tế áp dụng theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, với mức đóng BHYT chỉ bằng 4,5% tiền lương tháng. 

Trong khu vực doanh nghiệp, người lao động đóng bảo hiểm y tế bằng 1,5% lương tháng, người sử dụng lao động đóng 3%; BHYT hộ gia đình, học sinh, sinh viên… bằng 4,5% tháng lương cơ sở (riêng BHYT hộ gia đình tính đóng giảm dần cho những người tham gia tiếp theo).

Theo Bộ Y tế, việc sửa đổi trên nhằm bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, phù hợp với sự phát triển của xã hội, phù hợp khả năng chi trả của quỹ BHYT; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và quản lý, sử dụng quỹ BHYT.

Cũng tại dự thảo này, Bộ đề xuất quy định điều chỉnh giảm số kinh phí phân bổ dành cho chi phí quản lý để chuyển sang chi trực tiếp cho khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh chi phí quản lý tối đa 5% như quy định hiện hành xuống tối đa 4% cho hoạt động quản lý quỹ BHYT. Phần còn lại 1% bổ sung ngay vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT

Cụ thể, theo dự thảo, 91% số tiền đóng BHYT dành cho khám bệnh, chữa bệnh; 9% số tiền đóng BHYT dành cho quỹ dự phòng, chi phí quản lý quỹ BHYT, trong đó dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem